Hơn 62.600 dân phải sơ tán
Nguy cơ vỡ đập liên hoàn Ông Nguyễn Hoa, Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Đức, nói: “Nếu vỡ đập sông Tranh 2 sẽ gây vỡ thủy điện sông Tranh 3 (thuộc hạ du Sông Tranh 2) do lượng nước đổ về quá lớn”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam, cho rằng nếu vỡ đập sông Tranh 2 ở cao trình 175 m, dung tích hồ chứa 730 triệu m3 nước vào mùa lũ thì sẽ hết sức phức tạp bởi các hồ chứa hạ du cũng đã đầy nước. “Vấn đề vỡ đập sông Tranh 2 trong mùa lũ là vấn đề quy mô và rộng... Các bộ, ngành cần tham gia chứ tỉnh sẽ không kham nổi. Đây là phương án lâu dài, Tập đoàn điện lực Việt Nam cần chủ trì, kết hợp với địa phương xây dựng phương án này”, ông Thử nói. |
Ngày 16/1, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy (BCH) quân sự tỉnh cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương các huyện nằm trong vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức buổi nghe kế hoạch sơ tán người dân khi xảy ra thảm họa vỡ đập.
Nếu có sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ gây ngập nhanh ở vùng hạ du các huyện: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và phố cổ Hội An.
Theo đó, số lượng người dân cần sơ tán là hơn 62.600 dân thuộc 145 thôn, 51 xã, thị trấn.
Các cao điểm để người dân tìm đến trú tránh khi xảy ra vỡ đập đã được BCH quân sự tỉnh Quảng Nam công khai.
Theo đó, các thông tin về cự ly di chuyển, tọa độ cao điểm, số dân trong từng thôn, tuyến đường cơ động, phương tiện để sơ tán dân đến điểm an toàn... được công bố.
UBND H.Bắc Trà My phối hợp với Ban Quản lý (BQL) thủy điện Sông Tranh 2 sẽ đặt trạm quan sát tại nhà điều hành nhà máy để theo dõi tình hình, quan sát 24/24 giờ, khi có động đất phải điện thông báo ngay.
Ngoài ra, các huyện vùng hạ du thủy điện Sông Tranh 2 khảo sát, xác định các vị trí sơ tán cho dân; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến các ban, ngành, hội của huyện, các xã, phường, thị trấn và nhân dân biết để trú tránh.
Vẫn chưa có bản đồ ngập lụt
Tại cuộc họp, điều khiến đại diện chính quyền các địa phương lo lắng là đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bản đồ ngập lụt khi xảy ra sự cố vỡ đập sông Tranh 2.
Ông Lê Trí Hiệu, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước, cho biết: “Mới đây, thủy điện Sông Tranh 2 chỉ xả một lượng nước 500 m3/giây nhưng đã làm ngập địa phương lên 1 m. Cho nên cần phải có bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu khi vỡ đập. Trên cơ sở đó mới xác định được các thôn cần di dời, các điểm cao để dân chạy đến”.
Đại diện các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên cũng cho rằng cần thiết phải có bản đồ ngập lụt, đỉnh lũ khi vỡ đập là bao nhiêu mới có thể sơ tán dân được.
Phó giám đốc Sở Tài chính, ông Phan Văn Chín đặt câu hỏi: “Khi vỡ đập thì vùng ngập lụt sẽ tới đâu? Xác định vỡ đập nước sẽ xuống hạ du trong thời gian bao lâu? Nước dâng đến khu vực nào và dâng bao nhiêu? Cho nên, tỉnh phải phối hợp với nhà khoa học thủy văn để xác định thông số này”.
|
Cần thông tin kịp thời
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, nhấn mạnh: “Cần phải xác định việc dự báo, dự lượng khi xảy ra thảm họa là quan trọng nhất. Hiện 5 trạm quan trắc động đất không có khả năng dự báo giúp người dân biết trước vỡ đập để chạy… Nếu các dự lượng căn cứ vào 5 trạm này là không được”.
Theo ông Tuấn, khi xảy ra sự cố, trời sẽ mưa, địa hình Bắc Trà My là vùng đồi núi thì lắp đặt còi hú là tốt nhất. Theo đó, sẽ quy định theo hiệu lệnh còi: 1 hồi, 2 hồi hoặc 3 hồi để có cách ứng xử.
Ông Nguyễn Hoa, Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Đức đề xuất phương án dùng súng để báo động nhằm tạo sức lan tỏa sâu, rộng hơn để người dân biết khi có thảm họa.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, nói thêm: “Cần cắm biển để báo những độ cao an toàn để khi vỡ đập, người dân kịp thời chạy lên đó. Đồng thời phải phân công trách nhiệm, khi vỡ đập phải có người tuyên bố”.
Ông Hùng kiến nghị, cân nhắc việc nhắn tin qua điện thoại di động báo tin khi có sự cố đến từng người có chức trách.
|
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, nói: “Thông tin khi có hiện tượng khả năng vỡ đập là trách nhiệm của BQL thủy điện Sông Tranh 2, chứ không ai biết về công trình bằng đơn vị này. Đề nghị BQL báo cáo ngay khi hồ chứa có hiện tượng bất thường”.
Báo cáo trước cuộc họp về vấn đề này, ông Vũ Đức Toàn, BQL dự án Thủy điện 3, cho biết: “Các hệ thống điện thoại vệ tinh, điện thoại VINASAT đã được lắp đặt tại thủy điện Sông Tranh 2. Hệ thống cảnh báo từ xa, chúng tôi cũng lắp đặt tại H.Hiệp Đức, trong năm 2013 sẽ tiến hành lắp tại các khu vực khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng gấp rút xây dựng phương án vỡ đập theo quy định”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu BCH quân sự tỉnh nhanh chóng khảo sát, xác định lại các điểm cao, xây dựng lại bản kế hoạch sơ tán nhân dân khi vỡ đập cụ thể, chi tiết hơn.
Ông Quang cũng đề nghị BQL dự án thủy điện Sông Tranh 2 phối hợp với chính quyền địa phương sớm xây dựng hệ thống cảnh báo vỡ đập.
“Yêu cầu BCH quân sự tỉnh có “sản phẩm” cụ thể, để sau tết trình lên Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, sau đó tuyên truyền cho người dân và phục vụ diễn tập”, ông Quang nói.
Chưa tích nước Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp với các bộ ngành gần đây liên quan đến công trình thủy điện Sông Tranh 2. Theo đó, đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia chuyên ngành có trách nhiệm trong nước và công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sĩ cũng báo cáo là đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu chưa được tích nước phát điện để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất. Đồng thời yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến công trình này cùng với các chuyên gia trong nước, phải thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu của quốc tế như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn đập. |
Chưa biết động đất mạnh nhất ở cấp nào PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết đến thời điểm này, vẫn chưa thể khẳng định được động đất kích thích mạnh nhất tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 là bao nhiêu độ Richter. “Chúng tôi được giao đề tài cấp bộ về đánh giá mức độ nguy hiểm của động đất đối với đập thủy điện Sông Tranh 2 với kinh phí dự tính ban đầu là khoảng 10 tỉ đồng.Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể bắt tay vào nghiên cứu do vẫn chưa có kinh phí. Bản thân tôi đã ngồi họp 2 lần về kinh phí cho đề tài, người ta vẫn còn đang cân nhắc việc cắt bớt đi khoản nọ khoản kia trong khi để có được kết quả đáng tin cậy, chắc chắn chúng tôi phải mất trên 2 năm để hoàn thành đề tài này”, ông Phương nói. Theo ông Phương, thời gian qua đã có các nhà khoa học của Ấn Độ, Nga, Ba Lan, Na Uy sang Việt Nam, có người đến tận khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 khảo sát nhưng tất cả các nhà khoa học nước ngoài đều chỉ hỗ trợ được các nhà khoa học Việt Nam về mặt lý thuyết. “Họ chỉ nói về những quy luật của động đất kích thích và cho rằng những bước nghiên cứu của Việt Nam đang đi đúng hướng. Họ đến rồi đi trong khoảng thời gian ngắn, trong khi chưa có đủ số liệu và cần phải có thời gian dài theo dõi các diễn biến tiếp theo của động đất kích thích tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 thì mới có thể đưa ra được những kết luận có cơ sở và đảm bảo độ tin cậy cao”, TS Phương nói. Trao đổi với Thanh Niên, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Ngô Văn Minh nhận xét, so với những thông điệp trước đây các ngành chức năng đưa ra, thông điệp khẳng định đến thời điểm này đập vẫn an toàn nhưng chưa cho tích nước để tiếp tục theo dõi về động đất kích thích là không có gì mới. Trước nay người dân vẫn mong chờ có quyết sách chính thức cho thủy điện Sông Tranh 2, còn nói như thế (đến thời điểm này vẫn an toàn nhưng chưa cho tích nước - PV) là vẫn còn lấp lửng nên người dân chưa yên tâm. Tuy nhiên, ông Minh tán thành quyết định chưa tích nước tại đập thủy điện này là rất cần thiết để tiếp tục làm rõ các nguyên nhân gây động đất kích thích trong khu vực, vì trên thực tế, hiện tượng động đất kích thích vẫn xảy ra ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2, dù với cường độ không lớn như trước. |
Theo Thanhnien