Mấy con chó của một gia đình nuôi chó trong một con hẻm ở Sài Gòn. (Hình: Duy Thức) |
Sở dĩ chỉ nuôi chó đẻ thôi vì việc này thích hợp với cảnh nhà cửa chật chội trong thành phố.
Nghề này đến tình cờ. Thoạt tiên cách đây mấy năm, không biết ông Thành lượm được ở đâu một con chó què. Mang về nuôi chơi với con nít cho vui nhà.
Chó cái sinh được bầy con như mấy cuộn len. Không ngờ có người đi qua thấy thích, trả mấy chục ngàn bồng con chó nhỏ xíu đi. Ông Thành vui vẻ vì coi như nằm nhà tự nhiên kiếm tiền bằng khỏi chạy hai cuốc xe ôm nắng nôi ngoài đường.
Từ đó anh ta gác chiếc xe trước cửa nhà, chỉ chạy mối quen, còn để thời giờ nuôi lũ chó vừa mẹ vừa con lít nhít.
Tháng nào chó cũng đẻ từng bầy năm, mười con. Căn nhà chừng 3m bề ngang, 8m bề dài mà ở cả năm, sáu người lớn với hai bầy chó con bằng cườm tay kêu i ỉ suốt đêm ngày không ngưng.
Chó tạp nên không cần tốn tiền đi chọn giống kỹ làm chi. Chiều chiều, ông Thành thả chó chạy rông ngoài hẻm kiếm bạn.
Chở chó đi bán. (Hình: Duy Thức) |
Có vẻ làm nghề này đỡ phơi mưa nắng, đỡ nặng nhọc tay chân hơn gác xe ôm ngoài ngã tư ngáp ruồi hoài ngóng khách. Chó cỏ, chó ta lai với chó Nhật hàng xóm... Con chó mẹ sinh sòn sòn. Bà vợ ông Thành suốt ngày tắm rửa săn sóc bầy chó, mỗi buổi sáng mang phơi chó con cả bầy trong hai cái rổ nhựa lớn, chúng leo ra khỏi rổ, lển nghển đầy một khúc hẻm.
Mấy con chó lớn hơn, con thì nhốt trong cũi, con nằm trước nhà, con chạy loanh quanh. May là nhà trong hẻm chứ ngoài đường thì chắc xe bắt chó quăng dây bắt hết hồi nào. Vì sợ cả xe bắt chó lẫn trộm hoành hành nên lúc này hầu như không thấy ai thả chó chạy rông như trước kia nữa. Xe bắt chó chỉ chạy ngoài đường nên trong hẻm, lũ chó vẫn được tự do chạy chơi, miễn canh đừng chường mặt ra lộ là được rồi.
Nuôi chó đẻ coi vậy mà không dễ. Xóm bình dân nên nhà hẹp té, ẩm thấp. Chó còn nhỏ trông đẹp nhưng độ một hai tháng nếu nuôi không kỹ sẽ bị ve đầy mình, có khi bò khắp nhà cửa. Những con chân yếu phải nắn bóp hàng ngày, uống calci bổ gân bổ xương, chích vắc xin đầy đủ. Cho nên bà vợ ông Thạnh phải tắm cho chúng hằng ngày, phơi nắng, trời mưa thì sưởi ấm.
Trong khi thả chó con ra phơi nắng, ông Thành thong thả gác chân lên ghế đọc báo.
Chừng tháng đầu chó con bú mẹ, uống thêm sữa hộp, Còn thì đổ xoong cơm chúng chúi vào ăn chung. Mỗi sáng sớm, ông Thành đi dọc theo các quán phở, hủ tíu để... lượm mấy dĩa xương về cho bầy chó gặm.
Ðám chó con nhao nhao lên, sủa ăng ẳng vang cả xóm. Người lớn, trẻ em bu lại coi chỉ trỏ phê bình. Thấy đám đông tụ tập, ông Thành xem chừng không ổn, lỡ có ai chọc ghẹo bị chó đớp một phát thì nhiều chuyện lắm, ông ta lùa đám chó vào nhà kẻo phường khóm dòm ngó. Chẳng ai buồn hỏi lũ chó có chích ngừa chưa. Dịch tai heo xanh, trâu bò long lở móng, cúm gia cầm điên đảo, riêng chó hình như chưa bị bệnh dịch sờ gáy nên ông chủ nhà vẫn bình chân như vại, ung dung nuôi bầy chó chen chúc giữa xóm lao động.
Sau chừng nửa giờ phơi nắng, bà vợ mang rổ chó nhỏ vào nhà nhốt dồn cục trong các lồng, cũi, rổ... Hiện giờ nhà ông Thành có hai bầy chó cách nhau mười ngày tuổi, suốt ngày kêu. Thỉnh thoảng hai con chó mẹ gầy còm bênh con, giành ăn bánh quy với con, cắn lẫn nhau ồn ào như đám giặc ngoài chợ. Cũng may căn nhà ông Thành ngay đầu hồi, một bên là đường hẻm ngách, một bên là căn nhà trống, chủ nhà đi xa ít ở đó, chứ không hàng xóm sát vách suốt ngày nghe đàn chó sủa cãi nhau có nước điên.
Chó mẹ mới đẻ rất dữ. Mấy đứa nhỏ đến gần thì nó nhảy ra cắn ngay Có lần con bé trong hẻm nghe tiếng sủa liên chi, tò mò ló đầu vào nhà coi, bị con chó mẹ tưởng cắp con, xổ ra đớp một phát. Ông Thành vội vã mang con bé đi chích ngừa trước khi mẹ nó là chị bán thịt heo ngoài chợ kịp chạy tới bắt đền. Từ đó hàng xóm đi qua trước cửa nhà, đều bước thẳng, không ai dám dòm ngó gì đàn chó cả.
Sợ mọi người kêu rêu nên thay vì người ta dắt chó đi dạo ban sáng thì đợi đến đêm, khoảng một, hai giờ khuya hàng xóm ngủ say, ông Thành thả chó chạy chơi. Với lại khu dân cư đông đúc, chật hẹp, không gần công viên, bờ sông thì thả chó ban đêm là tiện nhất. Lũ chó tha hồ chạy lăng quăng đỡ cuồng chân mà không sợ xe cán, không sợ đông người nhìn ngó.
Hôm qua lúc chuyển mưa buổi chiều, hai cô gái chạy xe gắn máy vọt nhanh qua, nhè đâu đúng lúc con chó xù lông xám đẹp nhất chạy ra khỏi cửa bị xe cán. Hai cô sợ xanh cả mặt, năn nỉ hết lời rồi bỏ tiền ra đền với một cái giá không ít. Mua chó là chuyện khác, cán chó là chuyện khác. Ðây là dịp để ăn vạ chứ chẳng chơi.
Chó phóng uế khắp hẻm, mặc dù sau đó ông Thành xối nước cho trôi xuống cống nhưng mùi hôi vẫn xông lên cả ngày, nhất là buổi sáng sau một đêm mấy chục con chó bừa bãi khắp nơi! Mùa mưa, nước chảy xối xả cuốn trôi rác rến còn đỡ chứ mùa khô thì không khí cứ phảng phất khiến ai nấy đều nhăn mày nhíu mũi.
Giữa trưa nóng bức, chó sủa vang lừng như đám hội. Có điều nhìn cái tướng bặm trợn, tính tình ngang ngược anh chị một thời của ông Thành thì chẳng ai dám mở miệng phàn nàn.
Với lại chó xuất chuồng đều đều. Hết lứa này đến lứa khác, chẳng con nào để nhà lâu quá cả.
Ðám chó không ở ổ lâu, trừ mấy con chó mẹ. Bà đầu xóm đổi một con sơ sinh về nuôi bằng bốn lon sữa ông Thọ. Nếu không bán lấy tiền thì sữa hộp đổi lấy chất đống vừa người uống, vừa pha tiếp cho mấy con chó anh em của nó còn đang nhắm nghiền mắt bú mẹ. Ðó là cái giá rẻ của một chú chó con bán cho người quen.
Ðến một tháng thì chó đã “xuất chuồng” rồi. Ai đến mua mỗi con chó cò, chó ta, chó ma èo uột cũng kiếm được vài trăm ngàn. Con chó lông xù đẹp, ông nói có người ra giá ba trăm ngàn rồi đấy.
Thì ra cái thằng ra giá đó là tay trộm chó lừng danh ở đây chớ chẳng ai lạ. Có lẽ giờ đã giải nghệ, bán nhà xài hết tiền rồi, còn bao nhiêu vừa mướn nhà ở vừa cho bà con nghèo vay để kiếm lời. Ðó là tên Trung, một tay dữ dằn trong xóm, công an cũng nể mặt. Hắn đã bán nhà đi từ lâu nhưng vẫn còn đến quanh xóm để thâu tiền góp. Nay tên trộm chó một thời lại muốn nuôi chó.
Lứa nào cũng tiêu thụ hết. Mỗi tháng ít ra một bầy chó con. Mỗi con độ hai trăm ngàn thêm vào chạy xe ôm cũng đỡ tiền chợ lắm
Người nuôi phần nhiều thích bắt chó còn nhỏ, đẹp, dễ thương. Họ lựa con nào to con, lông đẹp và nhất là chó đực.
Khách lựa xong, chó đẹp dư lại, ông Thành mang ra chợ chó ở đường Lê Hồng Phong bán. Sài Gòn không còn chợ chó mèo tấp nập như hồi Cầu Mống mà bây giờ người ta thường bán chó cảnh trong các shop hoặc mua bán trên net. Số còn lại mang về quê bán tiếp. Những con xấu xí hoặc ế lại không ai mua thì cứ nuôi cho trọng rồi giao từng bầy qua lái quen.
Những con này đi đâu không biết. Có khi độ mươi ngày là chúng nó vô nồi của mấy tay bợm nhậu cũng nên. Cầy tơ đang lứa rõ ràng hấp dẫn hơn chó trộm tẩm ướp gia vị nấu nướng thơm lừng đâu ai biết lẫn vào chó già, chó bệnh...
Ngoài nuôi chó cái cho đẻ con, ông Thành thấy ai bỏ chó thì xin về săn sóc lại. Cậu nhỏ hàng xóm mua ngoài chợ ba chục ngàn đồng một con chó con. Mang về, gia đình cậu có em bé, sợ lông chó nên không cho nuôi. Ông Thành xin lại rồi “o bế” chỉ độ hai ba ngày thì con chó xấu xí thành trắng tinh rất bắt mắt. Ông ta đưa nó lên xe đi một chuyến ra khỏi thành phố.
Cứ nuôi chó lai rai hết lứa này đến lứa khác, thế mà ông Thành cũng nuôi được gia đình, bà vợ và mấy đứa con đi học, đi làm đầy đủ.
Ông ao ước mấy năm nữa con cái dành dụm gom đủ vốn sẽ ra ngoại ô mua miếng đất nhỏ để phát triền đàn chó sinh sôi tự do. Sẽ dễ nuôi hơn nếu chúng có chỗ rộng rãi phơi nắng và chạy chơi. Dân thành phố nhà cửa quá chật nên chuộng nuôi chó cảnh hơn chó ta. Bà con ở dưới quê rất thích cả loại chó nhỏ lẫn chó ta trông nhà.
Hàng xóm nghe mà mừng. Cầu Trời cho ông ta mau mau mua đất dọn nhà để thoát khỏi đàn chó.
Theo baomoi