Luật không theo kịp thực tế
Ngày 21/1, UBND tỉnh Bình Phước gửi công văn đề nghị Sở Tư pháp tham mưu thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định xác định lại giới tính, thay đổi hộ tịch của anh Phạm Văn Hiệp từ nam sang nữ, lấy tên Phạm Lê Quỳnh Trâm.
Được biết, sau khi sang Thái Lan giải phẫu chuyển đổi từ nam sang nữ, Quỳnh Trâm mất một năm trời đi khắp nơi làm các thủ tục xin xác định lại giới tính. Năm 2009, Quỳnh Trâm được chính quyền địa phương ra quyết định "Thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính", trở thành người chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam được xác định lại giới tính.
Sau khi anh Phạm Văn Hiệp chuyển giới từ nam sang nữ, lấy tên Phạm Lê Quỳnh Trâm. |
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Bình Phước đề nghị thu hồi và hủy bỏ quyết định xác định lại giới tính của Quỳnh Trâm đã gây "nóng" dư luận và khiến những người chuyển giới lo lắng. Vậy, việc chuyển giới chỉ được áp dụng khi nào? Cô giáo chuyển giới từng được xác nhận lại giới tính có đúng luật?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến – Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh cho biết: "Điều chỉnh vấn đề giới tính, theo pháp luật hiện hành, có các văn bản chủ yếu như Điều 36 (Bộ luật Dân sự); Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính.
Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch; Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, chứng thực.
Theo đó, việc chuyển đổi giới tính chỉ được áp dụng đối với những người mà giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Việc thay đổi hộ tịch, hộ khẩu của người xác định lại giới tính sẽ dựa trên cơ sở Giấy chứng nhận y tế do Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính theo quy định của Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính. Trình tự, thủ tục được thực hiện theo pháp luật về hộ tịch, hộ khẩu".
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Theo pháp luật hiện hành, việc chuyển đổi giới tính chỉ được áp dụng đối với những người mà giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác cần có sự can thiệp của y học. |
"Về mặt sinh học, sự khác biệt giữa giới tính nam hay nữ dựa vào 4 yếu tố: (1) cặp nhiễm sắc thể giới tính XX (nữ) hay XY (nam) (2) tuyến sinh dục là buồng trứng (nữ) hay tinh hoàn (nam), (3) nội tiết tố sinh dục nữ (estrogene và progesterone) hay nam (testosterone) và (4) cơ quan sinh dục là dương vật hay tử cung – âm đạo. Ngoài các yếu tố sinh học nói trên, yếu tố quyết định để một người nhận dạng bản thân mình là nam hay nữ là ý chí, nguyện vọng của chính người đó" - LS Nguyễn Hoàng Tiến |
LS Nguyễn Hoàng Tiến cũng nhận định: "Về phương diện xã hội và pháp lý thì có hai trường hợp thường gặp phải khi xác định lại giới tính: 1/ Những người bị khiếm khuyết về bộ phận sinh dục hoặc có giới tính không được xác định rõ ràng, không có sự đồng nhất giữa hình thể bên ngoài và yếu tố sinh học bên trong (theo quy định tại nghị định 88/2008/NĐ-CP).
2/ Những trường hợp đã hoàn thiện về giới tính (đồng nhất giữa bên ngoài và bên trong) nhưng muốn chuyển đổi sang giới tính khác cho phù hợp với bản thân. Giới tính của một người phải thể hiện được sự đồng nhất giữa hình thể bên ngoài và các yếu tố sinh học bên trong.
Đối với trường hợp thứ 2, Pháp luật hiện hành không ghi nhận việc những người đã “hoàn thiện về giới tính” thay đổi giới tính của mình. Những trường hợp này sẽ không được thay đổi trong các giấy tờ tùy thân hay các đăng ký về hộ tịch, hộ khẩu".
Nên thay đổi luật?
LS Nguyễn Hoàng Tiến phân tích: "Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cho phép công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm.
Bộ luật dân sự 2005 quy định “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính” (điều 36). Khoản 1 Điều 3 Nghị định 88/2008/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc xác định lại giới tính: “Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình”.
Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật lại giới hạn quyền của cá nhân trong việc xác định lại giới tính của mình, chỉ những cá nhân có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính thì mới được pháp luật công nhận.
Như vậy, mặc nhiên, pháp luật đã thu hẹp quyền của những người muốn chuyển đổi giới tính theo ý muốn của mình".
Theo LS Nguyễn Hoàng Tiến, hướng giải quyết cho bất cập trên là pháp luật cần có những quy định rõ ràng, cụ thể, hướng dẫn chi tiết về vấn đề xác định lại giới tính, việc thay đổi hộ tịch, hộ khẩu, cũng như thay đổi trong các giấy tờ tùy thân của người chuyển giới để tạo thuận lợi cho họ trong các sinh hoạt thường ngày, cũng như trong việc kết hôn, tìm kiếm việc làm…
Ngoài ra, căn cứ xác định giới tính còn phải chú ý tới các yếu tố sinh học phân biệt giới tính nam hay nữ (nhiễm sắc thể giới tính, tuyến sinh dục, nội tiết tố sinh dục, cơ quan sinh dục) và đặc biệt là ý chí, nguyện vọng của người được chuyển đổi. "Vấn đề đặt ra ở đây là luật chưa theo kịp thực tế cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, nên thay đổi Luật để phù hợp với thực tế cuộc sống" - ông Tiến nói.
Mặc dù chỉ ra bất cập trong luật và thực tế như vậy nhưng LS Nguyễn Hoàng Tiến vẫn đánh giá: "Việc pháp luật thu hẹp quyền nhân thân trong việc chuyển đổi giới tính của cá nhân là đã phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước xây dựng một xã hội văn minh, trật tự, kỷ cương.
Hiện nay, số người muốn chuyển đổi giới tính ngày càng tăng. Nếu mở rộng quyền nhân thân trong vấn đề này, hay nói cách khác để cá nhân có thể tự do chuyển đổi giới tính của mình dựa vào ý kiến chủ quan thì trật tự xã hội sẽ không được đảm bảo. Pháp luật chính là hành lang pháp lý để có thể duy trì sự ổn định, văn minh của xã hội".
Theo Kienthuc