Năm 2002, UBND tỉnh ban hành Công văn số 03/2002/QĐ-UB về việc quy định chế độ chi cho các hội thi, cuộc thi, hội thảo thực hiện trong ngành GĐ-ĐT.
Sau đó, hai sở GD-ĐT và Tài chính-Vật giá Ninh Thuận ra văn bản liên tịch hướng dẫn chi tiết, cụ thể như sau: đối với các hội thi, cuộc thi cấp tỉnh được chi tiền nước uống cho thí sinh và cán bộ hướng dẫn (300 đồng/người/ngày); nước uống cho ban tổ chức và ban giám khảo (2.000 đồng/người/ngày); trưởng, phó ban chấm thi (30.000 đồng/ngày); làm đề và đáp án (50.000 đồng/bộ); ban tổ chức hội thi, hội thảo (10.000 đồng/người/ngày)…
|
Bao giờ thay đổi ? Tháng 7.2011, Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin ý kiến về việc đề nghị điều chỉnh mức chi đối với các hội thi, cuộc thi trong ngành GD-ĐT. Sau đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu hướng giải quyết. Tuy nhiên, vào chiều 23.1.2013, một chuyên viên Sở GD-ĐT cho biết sau khi họp bàn Sở Tài chính trả lời chưa có hướng dẫn mới của cấp trên. Vì vậy, nếu có thực hiện thì vẫn phải tiếp tục theo quy định cũ. |
Đối với cấp huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc được chi ở mức 80% và các đơn vị trực thuộc cấp phòng thì được chi 60% mức chi cấp tỉnh (riêng tiền nước uống được hưởng 100%)…
Họp đột xuất lên “kế hoạch” nước uống
Đã 10 năm qua, câu chuyện "nước uống 300 đồng/người" vẫn không thay đổi. Thầy P., hiệu trưởng một trường THCS ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết vừa qua nhà trường có tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường với gần 50 người tham gia.
Mọi công việc tổ chức được thực hiện theo quy định của ngành, nhưng có một việc rất khó giải quyết, đó là khoản tiền nước uống chi cho mỗi thí sinh (giáo viên tham gia cuộc thi) dự thi.
Giải quyết vấn đề này, nhà trường huy động buổi họp đột xuất tìm biện pháp hữu hiệu nhất, lên “kế hoạch” nước uống cho thí sinh tham dự cuộc thi.
Buổi họp đi đến thống nhất, toàn bộ số tiền nước uống của thí sinh theo chế độ (300 đồng/người/ngày) được tách riêng ra để mua trà và nước đá; nhà trường hỗ trợ phần nước sôi, bình đựng nước phục vụ cho cuộc thi trong vòng 10 ngày.
Một giáo viên trường THPT ở huyện miền núi Ninh Sơn kể rằng tại lễ tổng kết hội thi giáo viên giỏi cấp trường đầu năm 2012, thầy hiệu trưởng phát biểu:
"Tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã mang đến hội thi nhiều tiết dạy hay, hấp dẫn và sáng tạo. Hội thi đã thành công tốt đẹp. Phần thưởng dành cho những giáo viên đạt giải hội thi năm nay là một bó hoa trị giá 20.000 đồng, lẽ ra không phải như thế, nhưng...".
Ông ngập ngừng giây lát rồi tiếp: "Vâng, còn 22.000 đồng tôi đã mua 2 bình nước lọc để ở phòng hội đồng cho thầy cô uống trong những ngày diễn ra hội thi". Không một ai dám vỗ tay sau khi ông nói lời cảm ơn cuối cùng!
“Kiểm toán biết sẽ làm khổ chúng tôi”
Trong những ngày tìm hiểu, chúng tôi gặp rất nhiều cán bộ lãnh đạo từ Sở GD-ĐT Ninh Thuận đến hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT hầu như ai cũng có chung tâm trạng, mức chi theo quy định trên đã quá lạc hậu, làm khổ những người liên quan.
Thầy L., Hiệu trưởng trường THPT ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm, nói rằng tại thời điểm đầu 2002 mức tiền lương tối thiểu là 210.000 đồng và nay là 1.050.000 đồng, tăng 5 lần so với năm 2002. Hiện nay, mức chi giờ giảng phụ đạo cho học sinh yếu cũng được 50.000 đồng/tiết.
Nếu áp dụng cho các thành viên là trưởng và phó ban chấm thi các hội thi theo quy định trên (30.000 đồng/ngày) hoặc ban tổ chức cuộc thi (10.000 đồng/người/ngày) thì hầu như mọi giáo viên được bố trí nhận trách nhiệm phân công không nhiệt tình hoặc lấy một lý do nào đó để từ chối tham gia.
Một giáo viên ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm tiết lộ, sau nhiều năm kiến nghị lên các ngành chức năng nhưng không có quy định mới phù hợp với thực tế nên nhiều trường đã “lách luật” bằng cách tổ chức các cuộc thi, hội thi vào thứ bảy và chủ nhật để được giải quyết chế độ làm thêm ngoài giờ theo quy định.
“Điều kiện để chọn ban giám khảo, ban tổ chức tham gia cuộc thi là những giáo viên có giờ vượt dạy thêm không quá 200 tiết/năm. Nhà báo không nên tiết lộ bí mật này vì kiểm toán biết sẽ làm khổ chúng tôi”, vị giáo viên này nói.
Theo Thanhnien