Ngày 7/12/2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát ngôn: Vào công chức không dưới 100 triệu
Tại phiên thảo luận ngày 7/12/2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy HN đã “tiết lộ” điều này.
Bàn về nghị quyết phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013, ông Trần Trọng Dực cho biết, thời gian vừa qua một số quận, huyện tổ chức thi công chức rất tốt, nhưng cũng có một số đơn vị thi công chức là việc “chạy” để được thi, “chạy” để được đỗ.
Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội |
“Thưa các đồng chí, bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn “chạy” vào đâu? Đó là trưởng phòng nội vụ các quận, huyện. Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng.
Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại. Thi công chức mà bộ phận giáo viên chấm bài, thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phảy trong đáp án, điểm tối đa 100%. …Tôi đã từng chấm thi và phát hiện 2 giáo viên tự ý lấy bài của thí sinh để chấm”, ông Dực dẫn chứng.
Ngày 8/12/2012, Xuất hiện hàng loạt ý kiến phản biện về thông tin này.
Nhiều ý kiến cho rằng không ngạc nhiên trước phát ngôn của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội và cho rằng cần phải công bố bằng chứng và làm sáng tỏ tới cùng thông tin này.
Ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia: "Việc này không phải đến bây giờ mới có. Dư luận nói từ lâu, không gì qua được tai mắt người dân đâu. Có thể không nói công khai, nhưng ngồi với nhau thì họ nói thẳng chỗ này, chỗ kia bao nhiêu tiền. Anh Dực nói như vậy là rất bức xúc rồi.
Sự chạy này có khi chỉ vài chục triệu, có khi lên đến một hai trăm triệu đồng tùy vị trí. Đừng hỏi là xảy ra ở cơ quan nào, hãy nhìn thẳng sự thật là cơ chế hiện nay khiến những chuyện như thế vẫn xảy ra".
Tiến sĩ Hà Đình Đức: "Việc kiểm tra, công khai kết quả và cách xử lý là chức năng của ông chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, vậy sao ông không thực hiện cho đến nơi đến chốn nhiệm vụ của mình? Báo chí phải chất vấn để các ông ấy đưa vấn đề này ra công luận một cách rõ ràng. Bên thanh kiểm tra phải đưa ra những trường hợp cụ thể, bằng chứng xử lý chứ cứ nói kiểu bâng quơ, bỏ đấy thì không tích sự gì".
Ngày 17/12/2012, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải làm rõ vụ “chạy” công chức 100 triệu đồng
Phát biểu, tại buổi công bố chỉ số cải cách hành chính sau thời gian xây dựng, triển khai thí điểm tại 3 bộ và 6 tỉnh, TP do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Hà Nội phải làm rõ vụ “chạy” công chức 100 triệu đồng.
"Khi một đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội nói tới tiêu cực ở cấp trưởng phòng nội vụ quận, huyện; dư luận báo chí, nhân dân đang xôn xao, bàn tán về tiêu cực đó thì các đồng chí cùng cơ quan liên quan phải tiến hành thanh tra, kiểm tra xem thế nào. Không phải cứ nói như vậy rồi không làm gì nữa đâu. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan phải vào cuộc, khắc phục, chấn chỉnh ngay hiện tượng tiêu cực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 17/12/2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực khẳng định: Có bằng chứng vụ “100 triệu đồng đỗ công chức”
Trả lời phỏng vấn báo Người lao động ngày 17/12, sau khi tiếp nhận thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo làm rõ sự việc “100 triệu đồng đỗ công chức”, ông Trần Trọng Dực cho biết, những phát biểu của ông tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vừa qua xuất phát từ phản ánh của dư luận nhân dân.
Ông hoàn toàn lường trước được những hậu quả khi phát biểu như vậy. Ngoài 2 người đang công tác tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã bị ông đề nghị kiểm điểm, kỷ luật vì tự ý lấy bài thi để chấm, một số Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện cũng có thể sẽ phải đối diện với những vấn đề pháp lý nếu việc nhận hồ sơ và nhận tiền chạy “đỗ công chức” với giá không dưới 100 triệu bị phanh phui.
Trách nhiệm của UBND TP Hà Nội là chỉ đạo các sở ngành liên quan tiến hành thanh tra ngay việc chạy suất công chức để ngăn chặn việc làm bôi nhọ hình ảnh Thủ đô.
Ngày 18/12/2012, thành ủy Hà Nội chỉ đạo thanh tra để tìm ra sự thực thông tin chạy công chức không dưới 100 triệu đồng.
Trao đổi với báo chí ngày 18/12, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, Hà Nội sẽ thanh tra để tìm ra sự thực thông tin chạy công chức không dưới 100 triệu đồng.
Ông Long cho rằng, thông tin của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực đưa ra “không phải không có căn cứ”. Ông Long cũng tin phát ngôn của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy “phải có căn cứ và không thể hồ đồ”.
Ngày 21/12/2012, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo về thông tin ông Dực nêu, đồng thời lập tổ công tác, xét lại từng bài thi để xác minh thông tin “chạy công chức 100 triệu”.
Đến sáng 22/12, trao đổi với báo chí về thông tin chạy công chức không dưới 100 triệu đồng tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã lập tổ công tác để xác minh. Sau thanh tra, nếu phát hiện sai phạm đủ yếu tố để truy tố hình sự thì sẽ gửi sang cơ quan pháp luật để truy tố.
Theo đó, ngày 21/12, ông Tuấn đã ký công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo về công tác tuyển dụng của Hà Nội nói chung và về thông tin ông Dực nêu.
Bên cạnh đó Bộ Nội vụ cũng đã chỉ đạo Vụ Công chức, viên chức phối hợp với Thanh tra Bộ và Vụ Pháp chế tổ chức nhóm công tác đi kiểm tra ngay công tác tổ chức tuyển dụng đã và đang được thực hiện tại Hà Nội để xác minh thông tin nêu trên và cũng để nắm tình hình thực tế báo cáo Bộ trưởng. Hạn báo cáo là ngày 25/12.
Ngày 11/1/2013, Hà Nội khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào chạy công chức.
Sáng 11/1, UBND thành phố Hà Nội đã ký văn bản báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức (CCVC) các quận, huyện, thị xã năm 2011, 2012.
Theo bản báo cáo, Trên cơ sở báo cáo tự kiểm tra của các quận, huyện, thị xã và kết quả kiểm tra bước đầu tại 3 đơn vị của 3 đoàn kiểm tra công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2012 của huyện Thanh Trì, Ứng Hòa và quận Hà Đông, UBND TP cho biết, UBND các đơn vị được kiểm tra đã cơ bản thực hiện đúng nội dung, quy định, đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, ngoài huyện Ứng Hòa, qua kiểm tra các quận, huyện còn lại chưa phát hiện có hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thể hiện việc cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển dụng vi phạm quy định hay lợi dụng chức vụ quyền hạn để cố ý làm trái hay vụ lợi bất chính.
Đồng thời, tính đến ngày 4/1/2013, chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để chạy vào công chức, viên chức, kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa.
Tại biên bản làm việc giữa các đoàn kiểm tra và UBND các quận, huyện đều cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực về tài liệu, các thông tin cung cấp.
Chiều 21/1, thành phố Hà Nội đã chính thức công bố với báo chí kết quả kiểm tra tuyển dụng viên chức, công chức tại một số quận, huyện, thị xã.
Tại cuộc họp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi và Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đã khẳng định, đến ngày 4/1 chưa phát hiện trường hợp nào đưa và nhận tiền để chạy công chức.
Ông Trần Huy Sáng cho biết, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực phát biểu “đỗ công chức không dưới 100 triệu đồng...”, đoàn kiểm tra đã lựa chọn 3 địa phương (Hà Đông, Ứng Hòa và Thanh Trì) để tiến hành thanh, kiểm tra.
Theo đó, trước khi đoàn thanh tra đi kiểm tra công tác tuyển dụng tại một số địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ đã trao đổi trực tiếp và được Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho biết thông tin ông nêu về việc chạy công chức là nói “theo dư luận” tại các địa phương cụ thể là quận Hà Đông, huyện Thanh Trì và Ứng Hòa.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của 3 đoàn cho thấy, chưa phát hiện trường hợp nào chạy công chức, viên chức mất hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Huy Sáng cũng cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi đã gửi tới anh Dực nhưng cho đến nay chưa thấy anh có thông tin gì về việc đó.
Ngày 25/1, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “30% công chức... có cũng như không”.
Tưởng rằng vụ “chạy công chức 100 triệu” liên quan đến phát ngôn của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đã khép lại thì phát ngôn “30% công chức... có cũng như không” của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 25/1 lại khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng thi tuyển công chức.
Tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào chiều 25/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu:
“Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung, mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức.
Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào vẫn bất cập, vì thế Ban chỉ đạo cần tìm ra những biện pháp để tìm cán bộ tốt, cán bộ giỏi bổ nhiệm vào những vị trí công chức nhà nước.
Ngày 26/1, "sẵn sàng đưa vụ chạy công chức 100 triệu ra Quốc hội".
Trả lời phỏng vấn báo Giáo dục Việt Nam, ông Dương Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đưa vụ chạy công chức 100 triệu ra Quốc hội.
Mặc dù Sở Nội vụ Hà Nội đã có kết luận về việc chạy công chức 100 triệu chỉ là nói theo dư luận nhưng ông Dương Trung Quốc cho rằng, câu chuyện này hiện nay vẫn là một ẩn số.
“Dưới góc độ pháp luật hỏi là có hay không nhưng dưới góc độ xã hội chính là vấn đề tại sao không trả lời được câu hỏi đó. Chúng ta quản lý cả một xã hội, cả một bộ máy mà chúng ta để cho tình trạng ấy kéo dài đến ngày hôm nay mà chúng ta vẫn phải trả lời có hay không thì đó là điều rất đáng tiếc”, ông Quốc nói.
Lý giải lý do kết luận của Hà Nội không khiến dư luận thỏa mãn, ông Quốc cho rằng, người dân không thể chấp nhận kết luận ấy được bởi họ là những người hoặc đã trực tiếp hoặc chứng kiến việc xin cho mà phải chạy.
Ông Quốc cũng cho rằng, không riêng cá nhân ông mà nhiều đại biểu quốc hội và dư luận cũng sẽ phải đề cập tới vấn đê chạy công chức trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XIII tới.
Theo Kiến thức