Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (21/1), Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đã trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan tới thông tin chạy biên chế ở Thủ đô không dưới 100 triệu đồng mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy từng nêu.
Theo báo cáo, sau khi đồng chí Trần Trọng Dực, Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Đại biểu HĐND Thành phố phát biểu ý kiến phản ánh về hiện tượng tiêu cực liên quan đến thi tuyển công chức và thông tin báo chí nêu, ngày 21/12/2012, UBND Thành phố đã có công văn giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát việc thi tuyển công chức, viên chức tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng phát biểu tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (Ảnh: Minh Quân) |
Do đối tượng dự thi công chức, viên chức đông, địa bàn rộng, trong 2 năm 2011, 2012 đã có nhiều đợt tuyển dụng công chức, viên chức tại các quận, huyện, thị xã nên khối lượng kiểm tra, rà soát rất lớn.
“Sau khi có ý kiến của đồng chí Dực, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo trước mắt chỉ kiểm tra về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2012, giao UBND các quận, huyện, thị xã tự kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng của đơn vị trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nội vụ, gửi báo cáo về Sở để tổng hợp và chịu trách nhiệm về thông tin trong báo cáo.
"Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã ký một công văn kèm theo báo cáo của chúng tôi để gửi cho đồng chí Dực. Đến nay đồng chí Dực cũng chưa có ý kiến gì thêm về việc đó" Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng |
Thành phố đã giao Sở Nội vụ thành lập 3 đoàn kiểm tra do 3 phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn, có đại diện Bộ Nội vụ tham gia làm thành viên để kiểm tra công tác tuyển dụng của 3 quận, huyện là Thanh Trì, Ứng Hòa, Hà Đông”, ông Sáng cho biết.
Cũng theo ông Sáng, có tổng số 12 đơn tố cáo (Chương Mỹ: 1, Hoài Đức: 3, Mê Linh: 1, Mỹ Đức: 2, Thanh Oai: 1, Ứng Hòa: 2, Thị xã Sơn Tây: 2).
Sau khi tiến hành xác minh, công an quận, huyện phát hiện 43 trường hợp giả mạo bằng cấp 3 để đi học trung cấp chuyên nghiệp cùng 6 trường hợp sử dụng bằng giả để dự tuyển.
“Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đưa tiền và nhận tiền trong quá trình tuyển dụng kể cả trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa”, ông Sáng khẳng định.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Khâu dễ xảy ra sai sót nếu không có biện pháp kiểm tra chéo, kiểm tra nhiều lần là khi lên điểm, vào điểm. Khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành giảng bài, theo quy định không thực hiện phúc khảo nên cần đặt camera, ghi âm để giám sát”.
Đồng thời ông Sáng thừa nhận vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ như tại Ứng Hòa (Hà Nội).
“Đặc biệt, có người đã cả tin, bị đối tượng xấu lợi dụng mạo danh lừa đảo, hứa hẹn chạy giúp vào công chức, viên chức để chiếm đoạt tiền như trường hợp chị P.T.T thường trú tại quận Hoàng Mai bị đối tượng Nguyễn Thu Hằng (xã Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội) lợi dụng.
Hằng đã mạo danh là cán bộ của Sở Nội vụ nhận 280 triệu đồng của chị T. và một số người khác để chạy quyết định vào làm giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Đối tượng này đã có tiền án về lừa đảo, đang bị Công an Thành phố hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử”, ông Sáng nói thêm.
Ông Dực nói vô căn cứ?
Đại biểu Trần Trọng Dực: Đầu mối chạy vào công chức các quận, huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận huyện. Số tiền chạy vào không dưới 100 triệu đồng một suất - Ảnh: Xuân Long |
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu những phát ngôn của ông Dực có phải là vô căn cứ hay không, ông Sáng đã “né” trả lời trực tiếp.
“Về thông tin của đồng chí Dực, qua trao đổi trực tiếp, ông Dực có nói nghe dư luận xã hội thế nên phản ánh lại.
Trước khi bắt đầu đợt kiểm tra, tôi đã đích thân sang gặp đồng chí Dực để đồng chí cho chúng tôi biết nơi nào có nhiều dư luận về thông tin đồng chí nêu để chúng tôi đi kiểm tra.
Đồng chí Dực có nói việc phát biểu đó là do dư luận xã hội và dư luận xuất hiện nhiều ở Thanh Trì, Hà Đông, Ứng Hòa nên chúng tôi đã cử 3 đoàn đi tới 3 nơi này. Sau khi có kết quả thanh tra, tôi cũng đã báo cáo với đồng chí Dực.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã ký một công văn kèm theo báo cáo của chúng tôi để gửi cho đồng chí Dực. Đến nay đồng chí Dực cũng chưa có ý kiến gì thêm về việc đó”, ông Sáng cho hay.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương từng nêu quan điểm: “Việc ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội xác nhận rằng để đỗ công chức phải mất không dưới 100 triệu không có gì là lạ, chẳng đáng bất ngờ.
Vấn đề ở chỗ có quyết tâm cải tổ không? Nói mà để đấy thì cũng bằng hòa thôi, vì cái đó ai chẳng biết. Nhưng đỗ công chức mà chỉ mất có một trăm triệu thôi á?”.
Cho đến nay, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy vẫn chưa hề có động thái gì trước báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội.
Như vậy, có thể nói rằng, thực hư chuyện chạy biên chế ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng vẫn là câu hỏi khó chưa có lời đáp.
Theo VTC