Ngày 4/2, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền.
Theo ông, tại sao Trung ương Đảng quyết định chuyển Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng sang bên Đảng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Do đó, tất cả mọi vấn đề phải có sự chỉ đạo, giám sát của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 quyết định khôi phục lại Ban Nội chính và Ban Kinh tế là rất đúng, hợp lòng dân bởi đó là 2 vấn đề huyết mạch. Đảng phải nắm được thì mới điều hành, giám sát được.
Tình hình tham nhũng hiện nay là rất nguy kịch. Tham nhũng ở đâu? Ở ngay trong bộ máy chính quyền chứ dân thường làm cách gì mà tham nhũng. Đảng nắm trong tay bộ máy chính quyền mà để như vậy, Đảng hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Đảng phải nắm lại quyền giám sát của mình, nhân dân trao cho Đảng trách nhiệm nặng nề đó. Thành hay bại, trước hết Đảng phải chịu trách nhiệm.
Việc tái thành lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương cùng với tổ chức lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là nằm trong nhóm chủ đạo để xây dựng bộ máy nhà nước mạnh: kinh tế phát triển, nội chính trong sạch, chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả, ba cái đó là một.
Theo ông, vì sao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây không cao?
Ngay từ kỳ họp Quốc hội khóa 9 (1992 – 1997), tôi và nhiều đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu thẳng thắn, cơ quan điều hành bộ máy hành chính không thể đồng thời là cơ quan thực hiện phòng, chống tham nhũng trực tiếp. Tham nhũng là ở ngay trong bộ máy, bây giờ chính những con người trong bộ máy ấy lại được huy động chống tham nhũng thì ai chống ai? Đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Vấn đề tổ chức bộ máy chống tham nhũng vừa qua là không thích hợp, trái quy luật, nguyên tắc lãnh đạo, bây giờ sửa. Theo tôi, lần này Đảng đã kiên quyết sửa sai. Chậm rồi nhưng dù sao còn hơn là như trước đây.
Làm kinh tế giỏi mà không chống được tham nhũng chỉ như “gió vào nhà trống” rồi mất cả. Những bài học đau xót vừa qua càng cho thấy rõ điều đó.
Ông vừa nhắc lại những bài học đau xót?
Công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay là cuộc chiến đấu một mất một còn. Tổ chức ra được rồi nhưng có dám làm theo đúng chức năng nhiệm vụ hay không, đó là vấn đề cần quan tâm.
Tôi tin đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính TƯ phụ trách phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ thực thi tốt nhiệm vụ của mình, giúp cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư đưa ra những quyết đoán quyết liệt, chính xác.
Tôi kỳ vọng rằng, theo tinh thần của Ban chấp hành Trung ương khi trao lại quyền lãnh đạo phòng, chống tham nhũng cho Đảng, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ quyết tâm làm, xứng đáng là quả đấm thép chặn đứng tệ nạn tham nhũng đang lan tràn, làm quyết liệt với bất kỳ ai, ở bất kỳ cấp nào.
Đảng phải kiên quyết bài trừ cho được tham nhũng từ trung ương cho tới cơ sở.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, chống tham nhũng là lĩnh vực nhạy cảm, nhất là trong cơ quan công quyền bởi có quá nhiều mối quan hệ lợi ích đan xen sẵn sàng đóng vai trò “lực cản”, thử thách quyết tâm của Đảng và Nhà nước?
Đây là cuộc chiến đấu cực kỳ quyết liệt, rất khó khăn và tôi khẳng định: nó không dừng lại ở nhóm nào đó, thực tế, tham nhũng đã hình thành nên những mắt xích trên dưới, ngang dọc. Chúng ta phải đặt niềm tin, Đảng đã nhận rõ vấn đề, Đảng quyết làm và tôi tin Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ giúp cho Trung ương, cho Đảng làm cho được chức năng, nhiệm vụ đó.
Còn nếu làm không được, thì tổ chức đó không hoàn thành nhiệm vụ.
Bác Hồ từng nói“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vậy theo ông, dân phải “liệu” thế nào đây khi công cuộc phòng, chống tham nhũng luôn đầy rẫy những phức tạp?
Sau lúc thành lập, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng còn rất nhiều việc phải làm.
Tôi tin, sau này Ban Chỉ đạo sẽ có quy tắc, quy chế, phương thức hoạt động để tăng cường sự lãnh đạo, giám sát của nhân dân. Tôi tin Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, toàn dân sẽ có đủ điều kiện để giúp cho Ban chỉ đạo đó thực hiện nhiệm vụ của mình.
Nhưng quan trọng tiên quyết, Ban Chỉ đạo phải giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng một cách rất quyết liệt. Thứ 2, phải dùng lực lượng của toàn dân, toàn đảng chống tham nhũng bằng những cơ chế cụ thể chứ không chung chung.
Chống tham nhũng mà dân quay lưng là thất bại.
Có ý kiến cho rằng cần làm lại một số vụ án có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines “cho ra ngô ra khoai” chứ không thể chỉ xử lý tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
Tôi đồng ý. Không phải những gì làm xong rồi mà đã cho qua. Tổng Bí thư đã nói, cái gì làm rồi mà chưa được thì phải làm lại. Cái gì kết luận rồi mà chưa đúng thì phải xem xét lại. Phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến đấu một mất, một còn, tôi tin là Đảng nhận thức rất rõ điều đó.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Theo Dantri