Cuộc mua bán đã khiến không chỉ có Áo mà nhiều người liên quan cũng dính vào vòng lao lý.
Vợ rẻ hơn… trâu
Hai năm trước, Hàng Thị Cú (vợ Giàng A Áo) và Cứ Seo Chu (SN 1970, trú xã Cư San, huyện M’Đrăk, Đăk Lăk) đã trúng cú “sét ái tình” trong một lần gặp nhau. Dù đã yên bề gia thất và ở cách xa nhau hàng chục cây số, nhưng sau lần gặp đó, Cú và Chu thường xuyên trốn vợ, trốn chồng hò hẹn, trao tình…
Nhưng mối tình ấy chẳng giữ được lâu, chuyện giữa Cú và Chu cuối cùng cũng đến tai Áo. Sẵn chán người vợ này, Áo liền bàn với anh trai là Giàng Seo Nếnh (SN 1976) lập kế bán vợ lấy tiền. Để kế hoạch đó được thành công, họ rủ thêm Giàng Văn Sùng, Giàng A Pàng, Giàng Seo Giáo (cùng trú thôn Cư Dhiat) và một số người thân trong gia đình cùng vào cuộc.
Giàng A Áo tại cơ quan điều tra |
Chiều hôm đó, Chu đến gặp Cú như đã hẹn, nhưng linh tính mách bảo có điều chẳng lành nên chở người tình quay về. Khi quay về, bị nhóm người của Áo (gồm Áo, Nếnh, Pàng, Sùng, Giáo) bủa vây, Chu vứt chiếc xe máy nhanh chân tẩu thoát.
Tiếc chiếc xe và biết chuyện chẳng thể giấu mãi, Chu đành gọi “khai thật” với vợ là Hoàng Thị Cúc, nhờ vợ cùng người thân đến nhà Áo để nói chuyện phải trái. Tại nhà Áo, Nếnh đã “thay mặt em” hăm dọa và buộc chị Cúc gọi điện cho chồng đến.
Dù rất sợ một trận đòn cho cái tội “ong bướm”, song nghĩ chuyện này trước sau gì cũng xảy đến nên Chu đã ra mặt. Nhưng thật bất ngờ, khi Chu đến, anh em nhà Áo chẳng hề đánh đập mà buộc kẻ “ong bướm” này phải mua lại…Cú với giá 40 triệu đồng (ngang giá với một con trâu khỏe) để Áo có tiền… cưới vợ mới. Chu sẽ được toàn quyền “sử dụng” Cú khi đã trả đủ tiền.
Cuộc ngã giá bất thành vì cả Chu và vợ đều không đồng ý. Sau đó “giá” của Cú được hạ xuống 30 triệu đồng và Chu nhận được… một trận đòn nên thân từ Nếnh, Giáo, Pàng, Sùng. Dù vậy, Chu vẫn không chịu “mua” Cú. Đến khi bị trói vào cây và dọa sẽ bị đánh chết, Chu và vợ buộc phải chấp thuận “mua” Cú với giá 20 triệu đồng.
Gia đình Áo đồng ý với mức giá này nhưng yêu cầu gia đình Chu phải trả thêm 1 triệu đồng để mua rượu thịt “trả ơn” những người cùng tham gia giải quyết vụ việc. Khi tiền đã trao, Nếnh “lệnh” Chu: “Đưa nó về bên nhà chúng mày đi. Mày thích dùng làm vợ hay để người ở là việc của mày, bên tao hết trách nhiệm!”. Tuy nhiên, Cú đã được chị Cúc… “tặng” lại cho nhà Áo.
“Phép vua” không thua “lệ làng”
Mất tiền một cách vô lý, chị Cúc đã liên lạc với chị Cú để đòi lại tiền. Song vì sợ chồng, vừa chẳng lấy đâu ra số tiền lớn để trả, Cú im lặng. Gia đình chị Cúc đã thưa chuyện với công an.
Đại tá Trần Văn Viên – Trưởng công an huyện Krông Bông- cho biết, khi nhận đơn tố cáo, vì thấy các đối tượng đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa và pháp luật đều hạn chế nên Cơ quan điều tra đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hòa giải, vận động tuyên truyền, thuyết phục các đối tượng trả lại tiền trên cho anh Chu, chị Cúc.
Nhưng dù đã rất nhiều lần khuyên can, các đối tượng vẫn ngoan cố không chấp hành mà bỏ trốn về quê (ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang). Theo kết quả giám định thương tích, anh Chu bị thương tật tỷ lệ 5%. Vì những lẽ đó nên công an huyện Krông Bông đã khởi tố vụ án, khởi tố Giàng A Áo về tội cưỡng đoạt tài sản, tạm giữ hình sự với Giàng Seo Nếnh và đang tiếp tục điều tra, truy nã các đối tượng liên quan.
Cuối cùng cái “lệ làng” mà anh em nhà Áo đưa ra, rằng: “Việc họ lấy tiền là hoàn toàn làm đúng theo luật tục của người Mông” đã không thắng được “phép vua”. Anh em nhà Áo cùng những người liên quan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Song trong vụ án này cho thấy chính quyền địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật cho người dân.
Theo Danviet