Bà Lạnh khóc ngất trong lúc chờ nhận xác con. Ảnh: H.V. |
Trong chiếc áo khoác sẫm màu, đến nhà đại thể nhận xác Lê Trịnh Duy Khoa (36 tuổi, ngụ An Nhơn, Bình Định), bà Trịnh Thị Lạnh (59 tuổi) nức nở: “Con tôi đâu, bác sĩ ơi cứu con tôi đi”.
Sau một lúc khóc đến lịm người, bà nói tiếng được tiếng mất về con trai làm công nhân cho một xí nghiệp gỗ ở Bình Định. Vài ngày trước thấy da chồng bị vàng, vợ Khoa dành dụm tiền cho chồng vào TP.HCM khám bệnh tổng quát.
Rời bến xe Miền Đông chiều 7/3, cứ vài phút Khoa lại nhắn tin, điện thoại cho gia đình, mong sớm tới nhà. Khoảng 1h ngày 8/3, bà Lạnh không thấy Khoa gọi về nữa nên hỏi con gái (em kế Khoa) thì được bảo "chắc điện thoại anh ba hết pin chứ không có gì đâu".
Đến 9h, bà ngất lịm khi nhận được tin báo con trai thiệt mạng vì tai nạn.
Khi định thần, bà cùng con gái và bốn người khác trong gia đình đang ở Đăk Lăk làm thuê vội vàng ra đón xe để xuống Khánh Hoà nhận xác con. Đã vậy, khi ra bến xe hai người trong nhóm còn bị móc túi không còn một đồng nên chỉ có mẹ con bà đi. Những người còn lại được người dân giúp đỡ đón xe về Bình Định để chuẩn bị hậu sự.
"Nhà tôi năm vừa rồi bị bão đánh sập, Nhà nước phải cho tiền để sửa ở tạm. Hai con của nó (Khoa) đi học cũng được Nhà nước nuôi. Nay nó mất đi không biết vợ con nó sống sao", dứt lời, bà Lạnh ôm lấy gương mặt dúm dó.
Cũng ngồi ngoài phòng đại thể chờ nhận xác con, ông Ngô Văn Vàng (61 tuổi) căng người để cố nén nỗi đau. Lúc nghe tin con trai Ngô Hữu Phước (27 tuổi) tử nạn, ông tức tốc cùng gia đình đón xe ra Nha Trang.
Ông bảo quê ở Quảng Ngãi nhưng vào Đồng Nai sinh sống, Phước xin vào làm phụ xe cho hãng Chín Nghĩa được 4 năm. Tết vừa rồi cả nhà về quê, ăn Tết xong ông nói con ở lại đến hết tháng giêng rồi đi làm. Ở nhà đến ngày 7/3, Phước quay lại chỗ làm và gặp nạn.
Kể về con, ông Vàng bảo Phước rất hiền lành, không hút thuốc hay bia rượu nên được nhà xe rất thương. Làm được bao nhiêu tiền anh đều mang về phụ giúp cha mẹ bởi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ông Vàng phải chạy xe thồ, còn chị và em trai Phước thì đi làm mướn. "Mẹ nó vừa mất chưa được trăm ngày thì nay nó lại bỏ tôi mà đi", người đàn ông nói đầy khó nhọc.
Cha Phước mếu máo chờ gặp mặt con. Ảnh: H.V. |
Đau xót hơn là hai chị em Đặng Thị Thơm và Đặng Thị Kim Hoa ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Do cuộc sống khó khăn, hai chị phải vào Sài Gòn bán nem chả nuôi các con nhỏ ăn học. Cả năm họ chỉ về thăm nhà vào mỗi dịp Tết. Quyến luyến các con nên mãi đến ngày 7/3 các chị mới khăn gói vào Sài Gòn tiếp tục mưu sinh và không may thiệt mạng.
Trong chiều 8/3, Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa Trần Sơn Hải; ông Lê Đình Thọ (Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ, Bộ GTVT) và Ban an toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa đã có mặt tại nhà tang lễ để chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.
Ông Thọ chia sẻ: “Tai nạn xảy ra không ai mong muốn, gia đình nên nén đau thương vượt qua nỗi đau này, động viên những người còn lại sống học tập cho tốt”.
Ông Thọ cũng cho biết đã đến thăm những người bị thương, thị sát nơi xảy ra tai nạn thảm khốc và nhận thấy đoạn đường này đảm bảo an toàn giao thông. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy lái xe Võ Ngọc Phương đã không làm chủ tốc độ, lấn đường mới xảy ra cơ sự.
Đến 18h cùng ngày đã có 7 gia đình đến nhận xác thân nhân.
Khoảng 0h40 ngày 8/3, xe khách biển Quảng Ngãi do tài xế Võ Ngọc Phương (31 tuổi) cầm lái chạy trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam. Đến phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), xe của Phương đâm trực diện vào xe khách giường nằm biển Bình Định do anh Lý Thanh Dũng (42 tuổi, quê Bình Định) điều khiển hướng ngược lại. Cú đâm rất mạnh khiến 9 hành khách tử vong tại chỗ (trong đó có tài xế 2 xe), 2 nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu và hơn 60 người bị thương. Hai xe khách bẹp dúm, dính chặt vào nhau, cơ quan chức năng phải dùng máy cắt khung xe mới đưa được người ra. Ngay sau đó Thủ tướng có công điện yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương cấp cứu người bị nạn, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn. |
Theo VNE