Báo JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) ngày 14/3 dẫn nguồn tin tình báo ở Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un từng bị mưu sát hồi tháng 11/2012 ở Bình Nhưỡng. Nguồn tin không tiết lộ thêm về vụ mưu sát và ai chủ mưu nhưng khẳng định có liên quan đến Giám đốc Tổng cục Tình báo Kim Yong-chol.
Đấu đá giành quyền lực
Tổng cục Tình báo được thành lập năm 2009 sau khi văn phòng tình báo của Đảng Lao động Triều Tiên và Văn phòng tác chiến chống Hàn Quốc thuộc Cục Lực lượng vũ trang nhân dân sáp nhập với nhau.
Các chỉ huy của hai cơ quan sáp nhập đã đấu đá để tranh giành quyền lãnh đạo Tổng cục Tình báo, vì vậy hồi tháng 7/2012 đã xảy ra đấu súng tại Tổng cục Tình báo. Nguồn tin nêu trên cho biết những người bị thanh trừng sau vụ đấu súng có thể liên quan đến vụ mưu sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo báo JoongAng Ilbo, Giám đốc Tổng cục Tình báo Kim Yong-chol được xem là người thân tín của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đã chỉ huy vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3/2010 và nã pháo vào đảo Yeonpyeong vào tháng 11 cùng năm. Tuần trước, ông đã xuất hiện trên truyền hình tuyên bố Bình Nhưỡng có thể hủy hiệp ước đình chiến năm 1953 với Hàn Quốc.
Ngày 14-3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát pháo binh tập bắn đạn thật ở khu vực tiền tuyến phía Tây. Ảnh: KCNA |
Ông được phong đại tướng hồi tháng 2/2012. Sau vụ đấu súng ở Tổng cục Tình báo, ông bị giáng xuống hàm thượng tướng và tiếp tục bị giáng cấp xuống trung tướng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị mưu sát.
Tuy nhiên, sau này ông đã được phục hồi hàm đại tướng. Trong ảnh chụp ông tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi xem biểu diễn hợp xướng ở Bình Nhưỡng ngày 26/2, ông mặc quân phục gắn quân hàm bốn sao.
Đe dọa để củng cố nội bộ
Báo JoongAng Ilbo dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết các động thái đe dọa chiến tranh gần đây của CHDCND Triều Tiên có liên quan đến vụ mưu sát vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn dựa vào các tướng lĩnh cứng rắn để củng cố chế độ và đoàn kết nội bộ.
Nguồn tin cho biết để thực hiện mục đích này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã phục hồi quân hàm cho Giám đốc Tổng cục Tình báo Kim Yong-chol và dựng lên kịch bản gieo rắc nỗi sợ chiến tranh ở hai miền Triều Tiên.
Kịch bản gồm ba giai đoạn: Đe dọa tuyên chiến với Hàn Quốc; thông báo cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài sơ tán công dân khỏi CHDCND Triều Tiên để bảo đảm an toàn khi chiến tranh xảy ra; tấn công vào một cơ sở công cộng nào đó ở Seoul như sân bay hoặc tấn công quân sự giống vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan.
Nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sợ bất ổn xã hội xảy ra khi nạn thiếu lương thực xảy ra vào tháng 4 tới. Nguồn tin này nói nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn leo thang căng thẳng để đoàn kết nhân dân và tìm kiếm giải pháp sau khi bị Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt.
Châu Âu vẫn viện trợ
Trong khi đó, ngày 14/3 (giờ địa phương), Quốc hội châu Âu đã thông qua nghị quyết ủng hộ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên của chính phủ các nước Liên minh châu Âu và của Hội đồng Bảo an LHQ sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2. Nghị quyết nêu lên các yêu cầu chính như sau:
● Yêu cầu CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện các cam kết. Nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thì sẽ có nguy cơ gây căng thẳng cho khu vực.
● Yêu cầu CHDCND Triều Tiên hạn chế có hành động khiêu khích và đe dọa mới, đồng thời phải phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
● Yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng là đối tác thương mại chủ chốt của CHDCND Triều Tiên để tránh tình hình căng thẳng thêm nghiêm trọng.
● CHDCND Triều Tiên phải tuyên bố hoãn mọi bản án tử hình, chấm dứt xử tử ngoài bản án tòa, chấm dứt sử dụng vũ lực đưa người đi mất tích và trả tự do cho tù chính trị.
Nghị quyết lo ngại tình hình nhân quyền đang diễn biến xấu ở CHDCND Triều Tiên. Quốc hội châu Âu khen ngợi việc thành lập một ủy ban điều tra về vi phạm nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên.
Nghị quyết đã đề nghị Ủy ban châu Âu phải duy trì các chương trình viện trợ nhân đạo và các hình thức thông tin liên lạc sẵn có với CHDCND Triều Tiên để ngăn chặn khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. CHDCND Triều Tiên cũng phải bảo đảm mọi công dân được tiếp cận với nguồn viện trợ lương thực và viện trợ nhân đạo.
Ngày 15/3, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng tố cáo trong tuần này, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức các vụ tấn công mạng hằng ngày mang tính chất căng thẳng và kéo dài đối với các trang web của chính phủ CHDCND Triều Tiên. Thông tấn xã KCNA (CHDCND Triều Tiên) nhận định các vụ tấn công mạng đã đạt đến mức độ cực kỳ vô trách nhiệm và rất nghiêm trọng. Hãng tin Itar-Tass (Nga) dẫn nguồn tin từ Bình Nhưỡng cho biết các vụ tấn công mạng xuất phát từ tin tặc nước ngoài. Từ sáng 13 đến tối 14/3, người truy cập gần như không thể vào được các trang web của KCNA, báo Rodong Sinmun và hãng hàng không Air Koryo. |
Theo PLTP