8 giờ thứ sáu, quán cà phê Hương Việt trên đường Nguyễn Lương Bằng, TP Quy Nhơn - Bình Định đông nghịt người. Trong số đó không hiếm “quan chức” của các sở, ban, ngành ngồi nhâm nhi cà phê “tám” chuyện.
Trốn việc đi “tán dóc”
Anh Nguyễn Văn T., cán bộ ngành GTVT tỉnh Bình Định, cho biết: “Uống cà phê buổi sáng đối với công chức tụi tôi đã thành thói quen. Sau khi vào cơ quan bật điện, mở máy tính, anh em tranh thủ tụ tập uống cà phê ở quán gần cơ quan đến hơn 8 giờ mới vào làm việc”.
Trễ hơn một chút, 9 giờ 30 phút, nhiều bác sĩ làm việc tại các bệnh viện công bắt đầu hẹn nhau ra quán cà phê. Theo bác sĩ Trần Văn K., ngoài những ngày đi họp hoặc phẫu thuật, sáng nào cũng vậy, sau khi thăm khám bệnh xong, các bác sĩ uống cà phê đến 10 giờ 30 phút rồi tranh thủ về phòng mạch tư để khám, chữa bệnh ngoài giờ.
Khoảng 15 giờ ngày 25/3, tại quán cà phê Cây Nhãn trên đường Ngô Gia Tự, TP Thủ Dầu Một - Bình Dương, một người đàn ông mặc sắc phục công an ngồi mải mê truy cập mạng qua điện thoại. Ở một góc bàn khác, một số người mặc sắc phục hải quan vừa uống cà phê vừa “tán dóc”.
Anh Đ., làm việc kinh doanh gần quán này, cho biết gần như ngày nào anh cũng thấy công chức tụm năm, tụm bảy trong quán, không chút sốt ruột khi thời gian qua đi.
Nhiều công chức tán gẫu trong quán cà phê Tí Tách ở đường Nguyễn Huệ,TP Tuy Hòa - Phú Yên lúc 9 giờ ngày 25/3. |
Tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tiền Giang, Đồng Nai… tình trạng công chức, viên chức thảnh thơi la cà quán xá trong giờ hành chính không phải hiếm gặp.
8 giờ 45 phút ngày 25/3, trong quán cà phê trên đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê - Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến nhiều công chức đang làm việc cho UBND các quận vào quán nhâm nhi một lúc mới trở về cơ quan.
Cùng thời điểm này, quán cà phê Bảo Tàng và cà phê Tâm (TP Mỹ Tho - Tiền Giang) cũng có hàng chục công chức tụ tập, vô tư cười đùa.
Việc cán bộ dùng xe công đi nhậu trong giờ hành chính cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, thậm chí có trường hợp sau khi nhậu say đã lái xe cơ quan gây tai nạn chết người như vụ nguyên chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Dầu Tiếng - Bình Dương.
Tìm hiểu việc công chức nhậu trong giờ hành chính, ngày 25/3, chúng tôi đến quán nhậu 18E (đại lộ Bình Dương, TP Thủ Dầu Một). Dù đồng hồ đang chỉ 13 giờ 38 phút nhưng rất nhiều ôtô biển số xanh vẫn nằm trong bãi giữ xe của quán.
Trên đường Bạch Đằng (TP Tuy Hòa - Phú Yên), chưa đến 16 giờ, các quán nhậu đã đông nghịt khách, không ít người vẫn mặc đồ công sở.
“Tranh thủ bù khú một chút với bạn bè rồi còn về với vợ con. Ăn gian giờ Nhà nước gì đâu…” - một công chức đứng tuổi tỏ vẻ khó chịu khi chúng tôi đề cập chuyện “đi trễ, về sớm”.
Còn một công chức ở Đồng Nai bộc bạch: “Giờ làm việc cũng phải tranh thủ giúp vợ con, tìm kế làm ăn bên ngoài hoặc làm cò đất, chứ làm Nhà nước sao đủ sống?”.
Bỏ mặc dân
Trong vai người dân đến liên hệ công tác, chúng tôi có mặt tại văn phòng Sở NN - PTNT tỉnh Khánh Hòa lúc hơn 8h. Cô nhân viên tạp vụ cho biết “sếp” đi ăn sáng, uống cà phê chưa về. Nếu cần giải quyết công việc, phải chịu khó chờ. Chắc phải gần 9h, “sếp” mới về.
Một ngày khác, khoảng 15 giờ, chúng tôi đến UBND xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh - Khánh Hòa. Theo lời nhân viên ở đây, ông phó chủ tịch xã đi vắng.
Khi chúng tôi gọi vào điện thoại di động, vị này nghe máy với giọng lè nhè, bảo ngày mai quay lại vì… đang tiếp khách, không về được. Các cán bộ của xã tiết lộ muốn gặp được lãnh đạo phải hẹn trước. “Các anh không nên đến vào chiều thứ sáu vì mấy ổng đi nhậu sớm lắm” - một cán bộ xã mách nước.
Tình trạng cán bộ, công chức đi trễ, về sớm, sao nhãng công việc diễn ra phổ biến từ cơ quan cấp tỉnh, TP đến xã, phường.
Theo phản ánh của nhiều người dân tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương..., họ phải đợi hàng giờ mà không thấy cán bộ tiếp đón, hỏi thăm; thậm chí, cán bộ chỉ làm vào buổi sáng, còn buổi chiều đóng cửa cơ quan. Người dân có việc đến liên hệ, chứng thực hồ sơ đành quay về, hôm khác lại đến.
Khó quản lý vì quán xá… mọc như nấm
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, việc cán bộ công chức “ắn cắp” giờ công diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó xử lý.
UBND tỉnh này từng ra văn bản cấm cán bộ công chức uống rượu trong giờ nghỉ trưa vào những ngày làm việc (trừ tiếp khách ngoài tỉnh) nhưng cũng chỉ thực hiện được một thời gian ngắn.
Cùng chung ý kiến, ông Phạm Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên, cho rằng việc chấn chỉnh tình trạng “ăn cắp” giờ công chỉ mang tính tương đối.
“Hàng vạn cán bộ công chức làm sao có thể theo dõi hết được? Muốn chấn chỉnh điều này phải thay đổi cả ý thức hệ của những người làm công ăn lương. Mà điều ấy thì rất khó!” - ông Chu phân trần.
Cũng theo ông Chu, sở sẽ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc ở các cơ quan nhưng sẽ không thể kiểm tra cán bộ công chức khi ra ngoài vì hàng quán nhiều như nấm.
Thừa nhận thực trạng này nhưng ông Đào Huy Hiệu, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc quản lý giờ làm việc của nhân viên là trách nhiệm của lãnh đạo từng cơ quan.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, lại phân bua UBND tỉnh chưa giao nhiệm vụ cho sở kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện giờ giấc của công chức nên không nắm rõ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chuyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho rằng hiện chưa nghe dư luận phản ánh việc công chức trốn cơ quan ra ngoài làm việc riêng. “Nếu việc này xảy ra như phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra để xử lý” - ông Chuyện khẳng định.
Anh T.V.Đ, một công chức làm việc ở tỉnh Đắk Lắk, tâm sự: Theo quy định, từ 7 giờ, cơ quan anh bắt đầu làm việc nhưng may lắm chỉ khoảng 30% nhân viên có mặt. Các đồng nghiệp đã lập gia đình thường đưa con tới trường rồi mới đến cơ quan. Một số khác đến cơ quan đúng giờ, sau đó cất xe rồi ra quán ăn sáng, uống cà phê. Cứ thế, đầu giờ sáng đến trễ 40 phút, trưa về sớm 20 phút, đầu giờ chiều đến trễ 30 phút, chiều về sớm 30 phút. Quy định ngày làm việc 8 giờ nhưng thực làm chỉ hơn 6 giờ. Nếu tính trung bình mỗi ngày, một công chức “mượn” của Nhà nước nửa giờ, một sự lãng phí không nhỏ. |
Người nhiều việc, kẻ ngồi chơi Ông Nguyễn Đém, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh này cũng đã 2 lần tổ chức các đợt chấn chỉnh tác phong, cách thức làm việc của cán bộ công chức vào năm 2007 và 2012 nhưng không thể khắc phục nhanh chóng. Theo ông Đém, tình trạng “ăn cắp” giờ công của cán bộ công chức tùy theo đặc thù công việc và diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, địa phương chưa có đợt “ra quân” chấn chỉnh nào thật sự quyết liệt cũng như xử lý, nhắc nhở trường hợp cụ thể. “Chính phủ đang có đề án sắp xếp lại cho phù hợp. Tình trạng chung trong cả nước là vừa thiếu vừa thừa. Có người nhiều việc nhưng có người chẳng có việc gì làm. Bên cạnh đó, về mặt chuyên môn giữa các công chức cũng còn chênh lệch. Vì vậy, việc sắp xếp lại trong cả hệ thống để chất và lượng công việc phù hợp với năng lực và mức lương mỗi người rất cần thiết” - ông Đém nói. |