TP.HCM và Đà Nẵng thời gian qua đã đề xuất được áp dụng mô hình chính quyền đô thị. Trong ảnh: một khu dân cư ở Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM. |
Theo ông Nguyễn Hữu Đức - vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ, dự thảo Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đề xuất ba phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Tòa thị chính, thị trưởng, tỉnh trưởng
Phương án 1 là không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước. Chính quyền đô thị được tổ chức trong phạm vi nội thành của thành phố trực thuộc trung ương và nội thành, nội thị của thành phố thuộc tỉnh và của thị xã.
Đối với thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền đô thị chỉ có một cơ quan đại diện là HĐND thành phố và có đủ ba cấp hành chính là ủy ban hành chính thành phố, ủy ban hành chính quận và ủy ban hành chính phường.
Chính quyền nông thôn được tổ chức ở tỉnh, huyện, thị xã, thị trấn (bao gồm cả khu vực ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương và khu vực ngoại thành, ngoại thị của thành phố thuộc tỉnh và thị xã). Ở nông thôn có hai cơ quan đại diện là HĐND tỉnh và HĐND xã, thị trấn và có đủ ba cấp hành chính.
Mô hình “chính quyền chùm đô thị” Liên quan đến năm thành phố trực thuộc trung ương, hiện có hai nhóm ý kiến, trong đó nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị đối với Hà Nội và TP.HCM cần thiết áp dụng mô hình “chính quyền chùm đô thị”. Cụ thể là toàn bộ thành phố trực thuộc trung ương là một đô thị thống nhất, bao gồm các đô thị cấp dưới là các thành phố trực thuộc (thành phố nhỏ trong thành phố lớn). Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng hiện nay mức độ và tốc độ đô thị hóa ở năm thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, do vậy đề nghị áp dụng phương án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đối với Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ, riêng Đà Nẵng và TP.HCM áp dụng phương án không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc. Dự thảo đề án cho hay Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đồng tình với nhóm ý kiến thứ nhất và vẫn tổ chức ba cấp hành chính ở thành phố trực thuộc trung ương. |
Phương án 2 không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, thị xã, thị trấn trong cả nước (mở rộng phạm vi so với phương án nêu trên là xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND).
Chính quyền đô thị được tổ chức trong phạm vi toàn bộ địa giới hành chính của thành phố trực thuộc trung ương (không phân biệt nội thành với ngoại thành) và toàn bộ địa giới hành chính của thành phố thuộc tỉnh và thị xã.
Phương án 3 là tổ chức chính quyền đô thị áp dụng thiết chế tòa thị chính và thị trưởng.
Đại diện lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương cho biết theo phương án này, cơ quan đại diện (HĐND) của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn được tổ chức như phương án 2, nghĩa là các đơn vị hành chính quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong cả nước đều không tổ chức HĐND.
Cơ quan hành chính tuy vẫn tổ chức ở cả ba cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) nhưng áp dụng mô hình hành chính hiện đại của nhiều nước.
Cụ thể, cơ quan hành chính thành phố, thị xã tổ chức theo mô hình tòa thị chính, các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố, thị xã tổ chức theo mô hình văn phòng hoặc ban hành chính.
Người đứng đầu tòa thị chính gọi là thị trưởng, người đứng đầu văn phòng hoặc ban hành chính gọi là quận trưởng, huyện trưởng, xã trưởng, trưởng phường, trưởng thị trấn.
Thị trưởng do cử tri của địa bàn bầu trực tiếp, người đứng đầu văn phòng hoặc ban hành chính ở các đơn vị hành chính trực thuộc do thị trưởng bổ nhiệm.
Đối với chính quyền nông thôn, cơ quan hành chính của tỉnh tổ chức theo mô hình ủy ban hành chính. Người đứng đầu ủy ban hành chính gọi là tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng do HĐND bầu và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
“Đã chín muồi”
Dự thảo đề án nêu rõ ưu điểm của phương án áp dụng thiết chế tòa thị chính và thị trưởng là thay đổi cơ bản mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, trên cơ sở phân biệt rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn theo mô hình chính quyền đô thị hiện đại của nhiều nước trên thế giới.
Đồng thời thực hiện hình thức tổ chức mới gắn với cơ chế bầu thị trưởng và bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính sẽ nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, làm rõ chế độ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong hoạt động quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này nằm ở chỗ đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử tổ chức chính quyền nhân dân ở nước ta, vì vậy sẽ khó tạo đồng thuận.
Cũng theo dự thảo đề án, căn cứ ưu điểm, hạn chế và điều kiện thực hiện của cả ba phương án, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện phương án 1.
Một trong những lý do được đưa ra là phương án đầu tiên phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng và thích hợp của hệ thống chính trị địa phương theo lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ông Trần Hữu Thắng - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị hiện nay đã chín muồi nhiều yếu tố, từ lâu nay Đà Nẵng và TP.HCM đã xây dựng các văn bản có liên quan. Một trong những vấn đề cần làm rõ là phân cấp quản lý, một thành phố có 7-8 triệu dân mà phân cấp quản lý cũng như một tỉnh có dưới 1 triệu dân thì rõ ràng là bất cập.
Tuy nhiên, điều khó xử lý trong đề án chính quyền đô thị là nhiều đô thị ở VN vẫn lẫn phần nông thôn tương đối nhiều, ví dụ Hà Nội sau khi sáp nhập với Hà Tây thì chỉ có 10 quận mà có tới 18 huyện, nghĩa là số huyện nhiều gần gấp đôi số quận, vậy thì tổ chức chính quyền đô thị ở vùng nông thôn rộng lớn như thế nào cũng là vấn đề cần tính toán kỹ. Riêng TP.HCM và Đà Nẵng hiện nay tương đối phù hợp với việc xây dựng chính quyền đô thị.
Theo Tuoitre