Mở đường cho chính quyền đô thị

Thứ ba, 05/03/2013, 11:49
Một mô hình chính quyền đô thị phù hợp cần được thiết lập để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.

TP.HCM là một trong những đô thị đặc biệt, một trong những trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... TP.HCM cũng là động lực, có sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng của cả nước.

Song, trên thực tế mô hình tổ chức chính quyền của TP.HCM (theo đơn vị hành chính - lãnh thổ) chưa phù hợp với thực tiễn về quy mô, tính chất của nền kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dân số…

Vì lẽ đó, một mô hình chính quyền đô thị phù hợp cần được thiết lập để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững với bộ máy, nhân sự, thẩm quyền tương ứng là việc hết sức cần thiết và cấp bách.

Chính quyền đô thị
Khu vực trung tâm TP.HCM.

Có 4 thành phố vệ tinh

Đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT), UBND TP.HCM cho biết CQĐT TP.HCM có thể được tổ chức thành 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh: cấp TP.HCM và cấp đô thị trực thuộc.

Theo mức độ đô thị hóa hiện nay, TP.HCM hình thành và phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn: địa bàn đã đô thị hóa, đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn trong đô thị.

Theo đó, địa bàn đô thị hóa bao gồm 13 quận nội thành cũ: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú. Định hướng phát triển lộ trình khoảng 10-15 năm.

Khu vực này sẽ thực hiện chỉnh trang đô thị, điều tiết lại dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đô thị văn minh hiện đại.

Sau khi hoàn chỉnh định hướng, sẽ được tổ chức lại các đơn vị hành chính theo mô hình cấp chính quyền đô thị hoàn chỉnh dựa theo đặc điểm các khu đô thị đã được quy hoạch và chỉnh trang.

Địa bàn đang đô thị hóa gồm 6 quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện: Hóc Môn, Nhà Bè. Định hướng phát triển lộ trình từ 10-15 năm, quy hoạch ưu tiên phát triển khu đô thị mới, mở rộng không gian đô thị đến năm 2025.

Trên địa bàn này dự kiến tổ chức thành 4 khu đô thị: Đông (hoặc gọi là TP Đông, gồm quận 2, 9 và Thủ Đức; Nam (TP Nam, gồm quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần quận 8 và huyện Bình Chánh); Tây (TP Tây, gồm quận Bình Tân và điều chỉnh một phần diện tích của quận 8 và một phần diện tích huyện Bình Chánh); Bắc (hay TP Bắc, gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn).

Địa bàn nông thôn trong đô thị bao gồm 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ. Trong xu thế phát triển hiện nay, nếu các huyện có đủ điều kiện đô thị hóa trên 50% diện tích và dân số trên 300.000 sẽ được chuyển thành quận. Tương tự, đối với các xã đủ điều kiện như trên sẽ chuyển thành phường.

Chính quyền đô thị
Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hiện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.Theo đề án tổ chức chính quyền đô thị, khu vực này sẽ là 1 trong 4 thành phố vệ tinh.

Chính quyền đô thị 2 cấp

Về cơ cấu chính quyền của địa bàn đô thị hóa, trước mắt, đối với cấp quận vẫn duy trì cấp hành chính như hiện nay (không tổ chức HĐND) và thực hiện một phần chức năng của chính quyền cấp TP.HCM.

Cấp phường cũng được tổ chức như hiện nay. Công chức phường là công chức của quận  được phân bổ trên địa bàn phường và tùy theo yêu cầu quản lý, đặc thù của từng phường sẽ bố trí cán bộ với số lượng và chuyên môn phù hợp.

Với địa bàn đang đô thị hóa, mỗi khu đô thị là một cấp chính quyền đô thị trực thuộc CQĐT TP.HCM. Do tầm quan trọng của 4 khu đô thị mới này và do sự phân cấp, tự chịu trách nhiệm cao của CQĐT nên cần nâng cao vị trí, vai trò của chủ tịch HĐND và thủ trưởng cơ quan hành chính các khu đô thị này cao hơn so với các quận nội thành.

Cụ thể, Chủ tịch HĐND và thủ trưởng cơ quan hành chính 4 khu đô thị mới có cấp bậc tương đương phó thủ trưởng cơ quan hành chính của TP.HCM.

Như vậy, chính quyền các khu đô thị được thiết kế theo  hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong ngân sách, xây dựng và quản lý, phát triển dịch vụ đô thị. Địa bàn này cũng thực hiện 2 cấp chính quyền như cơ cấu chính quyền TP trực thuộc Trung ương. 

Dưới cấp chính quyền TP sẽ tổ chức các cơ quan hành chính phường (có thể tồn tại hình thức chính quyền xã trong một thời gian dài ở địa bàn xã còn là nông thôn thuộc huyện Nhà Bè, Hóc Môn).

Riêng địa bàn nông thôn, TP đề xuất đổi mới mô hình tổ chức chính quyền theo hướng: chuyển cấp chính quyền hiện nay thành cấp hành chính, tức là không tổ chức HĐND cấp huyện  mà chỉ có cơ quan hành chính huyện như “cánh tay nối dài” của cấp chính quyền TP.HCM.

Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hành chính huyện sẽ thực hiện theo cơ chế ủy quyền của cấp chính quyền TP.HCM.

Định hướng mô hình tổ chức

CQĐT cấp TP.HCM được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị và có nhiều đô thị bên trong đô thị.

Bộ máy CQĐT (TP.HCM và các đô thị trực thuộc TP.HCM) 1 cấp gồm cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan hành chính thuộc hệ thống hành pháp là một hình thức của chính quyền địa phương.

Vai trò của thủ trưởng cơ quan hành chính được nâng cao, tăng thẩm quyền điều hành, thiết lập chế độ thủ trưởng triệt để.

CQĐT được tự chủ ngân sách. Tăng cường phân cấp của Chính phủ cho CQĐT.

Bộ máy tổ chức được thiết kế theo đặc điểm của địa bàn đô thị, bảo đảm chức năng nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng cộng đồng dân cư và lãnh thổ (tự nhiên, kết cấu hạ tầng…) và không bị giới hạn về địa giới hành chính nhân tạo.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn