Đó là chuyện tình cảm động mà chúng tôi muốn nói về đôi vợ chồng đặc biệt Nguyễn Văn Cường (SN 1980) và chị Chế Thị Ngân (SN 1985) trú tại phường Trường An, TP. Huế (Thừa Thiên Huế).
Khi người điên yêu
Tìm gặp mái ấm nhỏ của đôi vợ chồng đặc biệt nằm nép mình khiêm tốn bên cạnh con đường Nguyễn Huệ, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là hình ảnh người đàn ông gầy gò đang lúi húi dọn dẹp quán ăn. Thấy người lạ vào nhà anh ta có vẻ run sợ, miệng lẩm bẩm điều gì đó rồi lại cặm cụi làm việc. Lúc sau, bà mẹ ướt đẫm mồ hôi mới đon đả ra tiếp khách.
Bà cười hiền và nói: "Thằng Cường con tui đó. Nhìn nó rứa thôi chứ hiền lắm, không đánh đập ai bao giờ mô. Ai sai gì nó làm việc nấy, chỉ tội nghiệp con vợ hàng ngày quần quật bên mớ rau ngoài chợ nhưng vẫn không đủ nuôi gia đình".
Sau khi sắp xếp qua loa mấy chiếc ghế nhựa trong quán phở cho mẹ mình xong, Cường xin phép ra chợ đón vợ về. Nhìn dáng người đàn ông đó lúc cúc đi bộ trong cái nắng gay gắt đầu hạ ở Quảng Trị trông cứ liêu xiêu, thế nhưng trên miệng anh ấy lại nở một nụ cười rất tươi.
Ngồi mân mê những bức ảnh của đứa con mình, bà Ngô Thị Lợi (SN 1951) kể lại quá khứ đau khổ của đứa con trai. Nguyễn Văn Cường là người con thứ tư trong gia đình có năm anh em. Lúc còn nhỏ, Cường là một cậu bé rất thông minh, hiếu động. Lên lớp 3, trong một lần vui chơi với bạn bè cùng xóm, em vô tình bị xe máy tông vào, hậu quả là cậu bé phải nằm điều trị trong bệnh viện suốt thời gian dài.
Thế nhưng, vừa xuất viện chưa bao lâu, Cường lại bị xe máy tông lần hai. Lần này do cú va chạm quá mạnh, cộng với di chứng về vụ tai nạn lần trước khiến cậu bé bị hôn mê mấy tháng trời. Thoát khỏi trận thập tử nhất sinh, cậu bé vẫn cố gắng đến trường để bằng bạn bằng bè.
Học đến lớp 11, bệnh tình của Cường tái phát liên tục, những cơn đau đầu, co giật xảy ra với tần suất dày đặc. Vật lộn với bệnh tật, khiến Cường không làm chủ được bản thân, rồi đánh đập những người trong gia đình kể cả bố mẹ đẻ của mình.
Cũng từ đó Cường chính thức nghỉ học. Những lần lên cơn điên, chàng trai đó lại đi lang thang khắp nơi. "Có đợt nó đi tận 21 ngày, cả nhà tôi vội đổ xô đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không có tin tức nào cả. Hốt hoảng, chúng tôi nhờ người đăng tin tìm người lạc trên kênh truyền hình VTV1. Sau đó ít ngày, thấy một người đàn ông lạ nói giọng miền Nam dẫn nó về đây", bà Lợi nhớ lại.
Mặc dù, gia đình luôn túc trực sát sao, thế nhưng sơ suất một chút là anh ta lại bỏ chạy khắp nơi. "Có lần nó mặc quần áo đẹp rồi bắt xe taxi đi chơi cho thỏa thuê, về đến nhà mới co giò chạy trốn, bắt mẹ phải è cổ trả tiền", bà mẹ vừa kể vừa trách yêu đứa con trai khù khờ.
Anh Nguyễn Văn Cường và chị Chế Thị Ngân hạnh phúc bên mẹt hàng rong của mình. Ảnh Long Nguyễn. |
Không còn cách nào khác, gia đình vội đưa Cường đến bệnh viện Tâm thần Ngô Quyền, TP.Huế để chữa trị. Đó là khoảng thời gian khổ cực nhất của gia đình khi phải chứng kiến đứa con trai chống chọi với những cơn điên. Nhưng cũng chính từ đây, Cường đã có cuộc sống mới.
Mặc dù tâm tính không bình thường, nhưng Cường được trời phú cho tài lẻ đàn hát, kể chuyện. Trong bệnh viện, mỗi khi bệnh chưa tái phát, Cường lại ôm đàn ra sân làm cây văn nghệ "mua vui" cho mọi người. Tiếng hát truyền cảm của anh cất lên khiến mọi người phải để ý, trong số đó có người con gái mắc bệnh tâm thần Chế Thị Ngân.
Ngân sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà. Không như bao chúng bạn cùng trang lứa, cuộc sống của Ngân chỉ thu hẹp trong xóm nghèo. Hàng ngày, Ngân cặm cụi ngoài đồng, thỉnh thoảng có bó rau con cá lại mang ra chợ bán.
Năm 20 tuổi Ngân bắt đầu phát bệnh, đột ngột thay đổi tính cách như hay đánh đập mẹ, ai nói nặng lời một chút là la hét ầm ĩ, đập phá đồ đạc trong nhà. Bà Hoàng Thị Lụa, mẹ của Ngân bộc bạch: "Sau khi đưa nó đi khám, các bác sỹ đã kết luận nó mắc bệnh tâm thần phân liệt do gen di truyền từ người bố".
Trải qua một thời gian điều trị "bệnh điên truyền đời" tại cơ sở y tế, không hiểu sao cô gái thuyên giảm thấy rõ, được cho về điều trị tại gia. "Thời gian này con bé khỏe ra trông thấy, còn buôn bán rau quả ngoài chợ, giúp tôi đỡ đần việc nhà", người mẹ kể.
Lần trở về nhà này, bố mẹ đẻ của Ngân thấy con gái rất lạ. Ngoài việc thuyên giảm hẳn bệnh tình, Ngân rất hay nhắc đến bệnh viện Ngô Quyền với một tâm trạng háo hức, vui thích. Bà mẹ liền bí mật theo dõi thì phát hiện con gái mình còn lui tới bệnh viện để thăm ai đó.
"Với em thế là đủ"
Ngày 26/1/2005 (âm lịch), người dân TP.Huế được chứng kiến đám cưới có một không hai. Đám cưới diễn ra khiến xóm giềng hai bên ai nấy cũng trố mắt ngạc nhiên.
"Lễ cưới đông người lắm, họ hàng ai cũng mừng cho con Ngân kiếm được tấm chồng. Có người không được mời cũng đem quà đến tặng", bà mẹ vợ chia sẻ.
Bà mẹ chồng cũng vui vẻ không kém: "Người đến xem rước dâu tắc cả đường, không ai tin được thằng "dở điên" như con tôi vẫn có ngày cưới vợ, mà cô vợ cũng... mắc bệnh tương tự".
Đám cưới hôm đó ngoài họ hàng hai bên, bà con láng giềng còn có nhiều y bác sỹ, những người đã trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân này. Niềm hạnh phúc vỡ ào không chỉ trên khuôn mặt cô dâu, chú rể mà còn trên những vị khách đến tham dự.
Cuộc sống vợ chồng đã cho họ nhiều niềm vui, hạnh phúc, giúp đôi trẻ cảm thấy yêu đời hơn. Cũng từ đây, gia đình hai bên đã bắt đầu cảm nhận những thuyên giảm rõ rệt trong bệnh tình của các con mình. Thế nhưng, cuộc sống không như họ suy nghĩ, cơm áo gạo tiền luôn là gánh nặng đè lên vai hai con người bệnh tật ấy, nhất là khi người chồng hầu như không làm được gì, lại thường xuyên tái phát bệnh.
"Cưới nhau hơn một năm, anh bỗng lên cơn điên đánh đập nhiều người, chúng tôi vội đưa anh vào bệnh viện tâm thần điều trị. Lần đó mặc dù tôi đang mang thai, nhưng vì mọi người trong gia đình bận việc nên tôi đành vác bụng bầu vào bệnh viện chăm sóc anh. Thấy vậy, ai cũng lo sợ cho tính mạng của hai mẹ con, thế nhưng hơn một tháng ở bệnh viện, chồng tôi không hề đánh đập vợ lần nào", Ngân hồi nhớ lại.
Có một sự thật không ai phủ nhận là từ ngày nên vợ nên chồng, bệnh tình của cả hai đều thuyên giảm rõ rệt. Người nhà Cường cho biết, từ khi lấy vợ, anh bắt đầu biết lo lắng, suy nghĩ cho vợ con. "Những lúc vợ hay con đau ốm, nó lại chạy khắp nơi mua thuốc, rồi lại kiêng cữ bia rượu để có sức khỏe chăm sóc gia đình", bà Lợi kể lại với vẻ tự hào.
Gặp đôi vợ chồng Cường với mẹt rau đang bán ven đường, mặc dù ngồi dưới nắng và bụi, nhưng họ vẫn luôn nở nụ cười với khách hàng. Những mặt hàng Ngân bán chỉ là bó rau, trái ớt, lời chẳng đáng là bao, thế nhưng họ vẫn nhiệt tình, đon đả với khách.
Khi được chúng tôi hỏi thăm, người phụ nữ này vội gạt mồ hôi trên trán rồi nói: "Cuộc sống vật chất tuy thiếu thốn trăm bề, nhưng đối với em, có được mái ấm nhỏ, người chồng luôn thương yêu mình, con cái chăm ngoan là em hạnh phúc lắm rồi. Với em thế là đủ chị ạ". Nụ cười mãn nguyện lại nở trên môi đôi vợ chồng ấy.
Hạnh phúc đã mỉm cườiSau hơn 7 năm sinh sống với nhau, hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi có đứa con 5 tuổi rất thông minh, kháu khỉnh và tuyệt đối không có dấu hiệu "biêng biêng" như cha mẹ. Chị Ngân tâm sự: "Mặc dù anh ấy chưa khỏi hẳn bệnh, nhưng đối với vợ con, anh chưa bao giờ quát mắng. Thấy tôi làm việc gì anh ấy cũng tranh làm cho bằng được, vợ đi đâu xa chưa về là anh ấy lại cuốc bộ đi tìm", người vợ nở nụ cười mãn nguyện. |
Sự kỳ diệu của tình yêuBẵng một thời gian, bà sửng sốt khi thấy đứa con gái của mình dẫn về nhà một "thằng dở hơi" rồi giới thiệu là người yêu. Biết chuyện, bà Lụa một mực phản đối, bà còn nói: "Thà mi xin ai đó sinh một đứa con để nuôi còn hơn lấy thằng điên đó. Tụi bay định lấy nhau về rồi cạp đất mà ăn à?". Bị hai gia đình phản đối quyết liệt, thế nhưng hai con người không bình thường đó quyết không rời xa nhau. |
Theo Nguoiduatin