Ông Ali Wyne mở đầu bài viết của mình bằng việc nhắc lại bài diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-La năm nay của Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó ông Abe đã thúc giục các nước láng giềng của Trung Quốc thách thức các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc bằng cách viện dẫn luật pháp quốc tế.
Ông Abe đã kêu gọi tuân thủ luật lệ trên biển với 3 nguyên tắc cơ bản: tất cả các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương “tuyên bố và làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên luật pháp quốc tế”, “không dùng vũ lực hay hăm dọa nhằm để khẳng định chủ quyền” và “tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong bài diễn văn tại Shangri-La cũng đã có phát biểu tương tự về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Ông Hagel nói rằng, một phép thử quan trọng đối với châu Á – Thái Bình Dương là việc “liệu các nước sẽ chọn giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đã được hình thành hay bằng cách đe dọa và ép buộc”.
Các phát biểu của ông Abe và ông Hagel được đưa ra dựa trên quyết định của Philippines gửi đơn kiện tới một Tòa án gồm 5 thành viên hoạt động dưới sự bảo trợ của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) để phản đối các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Việt Nam cũng đang cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc trong trường hợp tất cả các kênh đối thoại với Bắc Kinh đều không đi đến kết quả. Hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ đã lần đầu tiên chính thức bác bỏ tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự đưa ra để khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Theo ông Ali Wyne, trên sân chơi luật pháp quốc tế, lợi thế sẽ nghiêng về các nước láng giềng của Trung Quốc. Sau vài năm xem xét, nếu vụ việc được Tòa chấp nhận xem xét, một số phán quyết khác nhau có thể được đưa ra trong vụ việc này. Trong trường hợp Tòa cho rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là hợp pháp, các nước khác sẽ không thể phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng các biện pháp không dùng đến vũ lực. Song, trong vụ việc này, nhiều khả năng Tòa sẽ ra phán quyết cho rằng đường biên giới mà Trung Quốc tự vẽ ra một phần hoặc hoàn toàn bất hợp pháp.
Trong trường hợp Tòa đưa ra phán quyết thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng theo 3 cách. Khả năng đầu tiên là Trung Quốc chấp nhận phán quyết và đưa ra các tuyên bố chủ quyền hẹp hơn, nhưng khả năng này rất xa vời dù theo Luật sư Foley Hoag, trong hơn 95% các vụ việc các nước, trong đó có một số nước lớn như Mỹ, đều tuân thủ các quyết định, các phán quyết của Tòa án quốc tế và Tòa Trọng tài.
Khả năng thứ hai là Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết, là điều dễ xảy ra nhất. Ông Eric Posner – Giáo sư tại Trường Đại học Luật Chicago kết luận rằng, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào phiên xử trọng tài và sẽ bác bỏ bất kỳ phán quyết nào chống lại họ. Các thẩm phán sẽ không thể ép Trung Quốc trao trả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam.
Phản ứng thứ ba mà Trung Quốc có thể đưa ra trong trường hợp Tòa Trọng tài ra phán quyết cho rằng tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông là bất hợp pháp là việc Bắc Kinh có thể cam kết sẽ xem xét phán quyết này. Đây sẽ được xem là một sự nhượng bộ ngầm từ phía Trung Quốc rằng “đường 9 đoạn” là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, việc để cho Trung Quốc được đơn phương quyết định có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không có thể sẽ là sai lầm. Ông Jerome Cohen – Giáo sư tại Trường Đại học Luật New York – cho rằng, Việt Nam cần phải rõ ràng về ý chí đưa các tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm cả các đảo và các thực thể mà Việt Nam hiện đang quản lý, lên Tòa án Công lý quốc tế ICJ để Tòa này đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Ali Wyne cũng cho rằng, dù Mỹ không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng việc nước này không phê chuẩn UNCLOS đã làm giảm sức nặng của Mỹ trong việc thúc giục Trung Quốc tuân thủ Luật pháp Quốc tế.
Ông Taylor Fravel – một học giả hàng đầu về các tranh chấp hàng hải của Trung Quốc cho rằng, việc Philippines đệ đơn tới Tòa án theo UNCLOS có thể gia tăng áp lực buộc Chính phủ Trung Quốc đưa ra giải thích mạch lạc về “đường 9 đoạn” của họ. Ông Fravel cũng cho rằng việc đưa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra Tòa án của luật pháp quốc tế và rộng hơn là Tòa án dư luận quốc tế nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Theo ông Fravel, Trung Quốc từ lâu bày tỏ cam kết “trỗi dậy hòa bình”. Nhưng hiện nay, Bắc Kinh đã khiến hầu hết các nước láng giềng xa lánh. Nếu UNCLOS cho thấy “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bất hợp pháp, một phần hoặc hoàn toàn, và Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa, sự xa lánh sẽ càng mở rộng hơn. Sự ưu việt của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương mà nước này đạt được nhờ việc đi ngược lại mong muốn của các nước láng giềng cũng như phán quyết của Luật pháp quốc tế sẽ trở nên bất ổn và đắt hơn so với sự ưu việt mà nước này có thể đạt được thông qua con đường thuyết phục.
Theo Báo Pháp luật