TP.HCM càng chống, ngập càng nặng?

Thứ hai, 18/08/2014, 15:20
Như chúng tôi đã thông tin, tối 15/8, triều cường xuống rất thấp (đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An - sông Sài Gòn là 1,20m), sự tiêu thoát nước tại các cửa xả ra kênh rạch không bị hạn chế, song vì sao TP.HCM vẫn ngập nặng bởi cơn mưa chỉ kéo dài hơn nửa giờ?

Theo một số chuyên gia, TP.HCM đang lún, thực trạng ao, hồ, kênh rạch bị san lấp làm giảm khả năng thoát nước, còn Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước cho rằng ngập do… mưa lớn, cống thoát nước nhiều nơi chưa có hoặc bị xâm hại.

TP.HCM càng chống, ngập càng nặng?
Ngập nặng trên đường Hòa Bình (quận 11).

Nâng đường: nhà dân ngập nặng hơn

Bà Đỗ Thị Bảy (ngụ 329/47 Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) nói: Các nhà chức trách chống ngập chỉ có một cách duy nhất là nâng đường, tốn bao nhiêu tiền của. Đoạn đường Kha Vạn Cân từ phường Linh Đông đến phường Hiệp Bình Chánh trước kia trời mưa là ngoài đường ngập đến yên xe máy.

Bây giờ đường nâng rồi, chỉ ngập nửa bánh xe nhưng nhà dân hai bên đường lãnh đủ. Nhiều căn bị ngập sâu đến nửa nhà. Sau này nếu người dân nâng nền, nước không đổ vào nhà nữa thì chắc chắn đường vẫn ngập như cũ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều nơi, mặt đường Kha Vạn Cân sau khi nâng đang cao hơn… cửa sổ nhà dân. Tình trạng này cũng diễn ra trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài). Nhiều căn nhà mặt tiền và khu dân cư lân cận thuộc phường 11 (quận Bình Thạnh), nền nhà, đường nội bộ thấp hơn mặt đường Phạm Văn Đồng khoảng một mét.

Một số người dân hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) cũng cho biết từ khi nâng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, con hẻm bắt đầu bị ngập. Gần đây, hẻm càng ngập sâu hơn sau khi mở đường Hoàng Sa, nước mưa không còn lối thoát tự nhiên ra kênh Nhiêu Lộc.

Có cống cũng… như không

Theo Trung tâm chống ngập TP.HCM, mới đây, trung tâm phát hiện đơn vị thi công cầu Kiệu đã làm bùn đất tràn xuống khu vực cửa xả D1000 tại chân cầu, gây tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng khả năng thoát nước của hệ thống cống trên đường Phan Đình Phùng.

Khu vực các quận: 6, 11, Tân Bình, Tân Phú, … bị ngập nặng do kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang trong quá trình thi công, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước tự nhiên. Xa lộ Hà Nội vừa được đầu tư nâng cấp song gần đây nhiều đoạn bị ngập sâu, đặc biệt là đoạn dưới chân cầu Rạch Chiếc (quận 9) và đối diện siêu thị Metro đến đường Thảo Điền (quận 2).

Theo ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm chống ngập), nguyên nhân ngập là do nhà thầu trong quá trình thi công dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên đã chặn cửa xả hệ thống thoát nước xa lộ Hà Nội.

Trung tâm đã yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu nạo vét mương dẫn dòng cửa xả song do mương nằm trong phạm vi thi công nên bị bồi lắng nhanh, không đảm bảo thoát nước.

Theo thiết kế, cống có khả năng thoát nếu cơn mưa có vũ lượng 85mm kéo dài trong ba giờ. Cơn mưa tối 15/8 kéo dài khoảng 35 phút song vũ lượng đo được tại trạm Cầu Bông (quận 1) lên đến gần 80mm, tại trạm Tân Sơn Hòa (quận Tân Bình) là 67,2mm,... đã gây ngập nhiều tuyến đường.

Mới đây, Trung tâm chống ngập đã đề xuất HĐND TP.HCM thông qua 12 dự án đầu tư các công trình chống ngập cho TP.HCM trong năm 2014 và 2015 với tổng vốn gần 1.860 tỷ đồng. Các dự án được đề xuất là nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước trên một số tuyến đường. Ngoài ra, ông Long cho biết TPHCM dự kiến sẽ xây dựng hàng chục hồ điều tiết để giảm tải cho hệ thống cống thoát nước mỗi khi gặp mưa lớn kết hợp với triều cường.

TP.HCM đang lún?

Theo TS Vũ Văn Nghi (Hội Địa chất Việt Nam), mực triều nhiều năm qua ở khu vực Đông Nam Á dao động không đáng kể. TP.HCM bị ngập ngày càng nặng, chứng tỏ một số khu vực bị lún cục bộ do áp lực của công trình xây dựng.

Sử dụng kỹ thuật InSAR vi phân để đánh giá, TS Lê Văn Trung (Trung tâm Địa tin học, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM) khẳng định TP.HCM đang lún trên diện rộng. Nguyên nhân lún là do sự phát triển nhanh của các công trình xây dựng trên mặt đất, cấu tạo địa chất yếu và tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.

Theo thạc sĩ Hồ Long Phi (Đại học Quốc gia TP.HCM), tình trạng lún không chỉ đe dọa các công trình thoát nước, làm nhiều khu vực ngập sâu hơn mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình xây dựng.

Sử dụng kỹ thuật InSAR vi phân để đánh giá, TS Lê Văn Trung (Trung tâm Địa tin học, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM) khẳng định TP.HCM đang lún trên diện rộng. Nguyên nhân lún là do sự phát triển nhanh của các công trình xây dựng trên mặt đất, cấu tạo địa chất yếu và tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn