|
“Phố đèn đỏ” ở thành phố Seoul. |
Những phận đời bi đát
Sinh ra trong một gia đình khó khăn tại làng quê nghèo ở Hàn Quốc thời chiến tranh, Kim Kyeong-sun luôn khao khát tìm được việc làm để có thể giúp đỡ gia đình và bản thân thoát khỏi nghèo đói. Kim Kyeong-sun đã gặp một nhà tuyển dụng và người đàn ông này hứa hẹn sẽ giúp cô tìm việc làm. Tuy nhiên, công việc thực sự của Kim Kyeong-sun là gái mại dâm cho lính Mỹ.
Trong khu nhà ổ chuột cũ với ánh đèn neon leo lét chỉ đủ chiếu sáng khoảng không gian nhỏ, Kim Kyeong-sun đã sống và kiếm tiền từ những cuộc tình với lĩnh Mỹ. Thu nhập giảm dần qua thời gian khi sắc đẹp của người phụ nữ không còn nữa, Kim Kyeong-sun rơi vào cuộc sống khó khăn, nợ nần. Kim Kyeong-sun đã tìm lối thoát bằng cách kết hôn với một lính Mỹ nhưng sau đó, người đàn ông đã bỏ rơi cô và đứa con của hai người. "Có rất nhiều điều phải hối tiếc, cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn", bà Kim nói.
Bà Kim cũng như rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc khác từng làm nghề mua vui cho lính Mỹ tại khu căn cứ gần doanh trại Humphreys ở thành phố cảng Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul gần 60 km giờ đây đã bước vào tuổi 60, 70 thậm chí là 80 tuổi. Phần lớn trong số họ đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Bà Jang Young mi, 67 tuổi, một cựu gái mại dâm Hàn Quốc từng phục vụ cho lính Mỹ tâm sự: “Cuộc sống của tôi giờ chỉ là sự cô đơn, bệnh tật và nỗi lo sợ hoài nghi. Tài sản lớn nhất của tôi là 3 con chó”.
Con đường tìm kiếm công lý gian nan
Theo bà Kim, cuộc sống khốn khó của những phụ nữ từng mua vui cho lính Mỹ không hoàn toàn do lính Mỹ gây nên. “Những người đàn ông trẻ tuổi, họ có quyền được vui vẻ. Tình yêu hoàn toàn không có tội. Chính phủ Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm vì họ đã khuyến khích hoạt động này”, bà Kim nói.
Bà Kim đã tham gia vào nhóm gồm 121 phụ nữ khác đệ đơn kiện chính phủ vì đã khuyến khích mại dâm và hủy hoại cuộc sống của họ. Những phụ nữ cáo buộc rằng, từ năm 1957, phụ nữ Hàn Quốc nghèo và thất học bị ép làm gái mại dâm ở một số khu vực xung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ.
Thậm chí, chính phủ còn tài trợ các lớp học giao tiếp tiếng Anh cho nữ tiếp viên với mục đích “góp phần phát triển kinh tế và an ninh quốc gia”. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về cuộc sống khó khăn của cựu gái mại dâm thay vì nhắm mắt làm ngơ như hiện nay.
Những người phụ nữ này hy vọng sẽ được bồi thường khoản tiền 10 nghìn USD/người kèm theo lời xin lỗi công khai từ chính phủ. “Số tiền bồi thường có thể rất nhỏ nhưng ý nghĩa quan trọng hơn là niềm tin chiến thắng và công lý sẽ được thực thi. Chính phủ phải thừa nhận trách nhiệm về việc khuyến khích phụ nữ Hàn Quốc hoạt động mại dâm cho lính Mỹ”, bà Kim nói.
“Những người phụ nữ đã tham gia vào tệ nạn mại dâm xung quanh căn cứ quân sự của Mỹ phần lớn bị xã hội bỏ quên. Gần đây họ mới công khai đứng lên đấu tranh tìm kiếm công lý cho chính mình. Lúc đầu, nhiều cựu gái mại dâm lo lắng về con đường tìm kiếm công lý rất dài ở phía trước. Sau đó, họ nhận ra rằng, đây không chỉ là vấn đề mang tính cá nhân mà còn phản ánh thái độ của chính phủ đối với các quyền cơ bản của con người", Ha Ju-hee - luật sư của Văn phòng luật sư Công lý và Hòa bình cho biết.
Các học giả cho rằng, chính phủ Hàn Quốc trong hai thập niên từ năm 1960 - 1980 luôn tìm cách làm hài lòng quân đội Mỹ và việc khuyến khích gái mại dâm phục vụ lính Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra. Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về vụ kiện này.