Ông Tarik Kafala, Giám đốc điều hành BBC Arập cho rằng từ “kẻ khủng bố” có nghĩa “rất rộng” và không nên được dùng để mô tả hành động của hai tay súng tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo khiến 12 người bị thiệt mạng hôm 07/01.
“Chúng ta cần tránh mô tả bất kỳ ai như một kẻ khủng bố hay hành động nào đó là hành động khủng bố. Những gì chúng ta nên làm là nói rằng “Hai người đàn ông giết chết 12 người trong một vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí trào phúng. Thế là đủ, chúng ta biết đó là gì và nó có ý nghĩa như thế nào”, The Independent dẫn lời ông Tark Kafala.
Ông Tarik Kafala, Giám đốc điều hành BBC Arập
Ông Kafala nói thêm: “Khủng bố là một từ có nghĩa rất rộng. Liên hiệp quốc đã mất hơn một thập kỷ để cố gắng định nghĩa từ này nhưng họ vẫn chưa làm được. Đây là một việc rất khó. Chúng ta biết bạo lực chính trị là gì, chúng ta biết mưu sát, đánh bom và nổ súng là gì và có thể mô tả được chúng. Chúng tôi tin rằng những từ đó có tính liên tưởng nhiều hơn so với việc sử dụng một từ như “khủng bố” mà nhiều người cho là bao hàm ý nghĩa sâu rộng”.
Về vụ tấn công ở Thủ đô Paris, ông Kafala cho biết: “Chúng tôi tránh dùng từ “khủng bố”. "Đây là vụ tấn công khủng bố, lực lượng cảnh sát khủng bố được triển khai trên đường phố Paris". Rõ ràng tất cả các quan chức và những người thuyết minh đều dùng từ này, và chúng tôi vẫn phải phát sóng”.
Anh em Said (trái) và Cherif Kouachi, hai tay súng tấn công tòa soạn Charlie Hebdo hôm 07/01
Tay súng Amedy Coulibaly gây ra vụ tấn công siêu thị thực phẩm của người Do Thái hôm 09/01 và cũng bị cáo buộc đã xả súng bắn chết một nữ nhân viên cảnh sát bảo vệ tòa soạn Charlie Hebdo trước đó một ngày
Phát ngôn của ông Kafala gây ra nhiều tranh cãi tại thời điểm các vụ biểu tình, tấn công của tín đồ Hồi giáo nhiều nước trên thế giới nhằm phản đối Charlie Hebdo tiếp tục phát hành ấn bản mới nhất với bức hình biếm họa nhà tiên tri Muhammad hôm 14/01, và quan chức các quốc gia đều xem đây là hành động khủng bố của các phần tử cực đoan. Tuy nhiên, điều này lại phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo của ban biên tập của BBC khi đưa tin về khủng bố.
“Chúng ta cần đưa tin về vụ tấn công một cách nhanh chóng, chính xác, có trách nhiệm. BBC không cấm sử dụng từ này. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu người sử dụng cần phải cân nhắc trước khi đưa thành tin của BBC. Có nhiều cách để diễn tả sự bi thương và những hậu quả của vụ việc mà không phải dùng từ “kẻ khủng bố” để mô tả thủ phạm".
"Ý nghĩa ẩn sau những từ ngữ như “kẻ khủng bố” hay “nhóm khủng bố” có thể gây ra sự thiếu nhất quán trong sử dụng ngôn ngữ, hoặc khán giả có thể sẽ nghi ngờ về tính trung lập trong đưa tin của hãng. Có lẽ nói một hành động cụ thể là hành động khủng bố hoặc chủ nghĩa khủng bố thì chính xác hơn là áp dụng từ này đối với tất cả các cá thể hay một nhóm người cụ thể”.
Khi đưa tin về một vụ tấn công, nguyên tắc của BBC là nên sử dụng những từ cụ thể để mô tả hung thủ, chẳng hạn như “kẻ đánh bom”, “kẻ tấn công”, “tay súng”, “kẻ bắt cóc”, hay “phiến quân”.
Một phát ngôn viên BBC cho biết: “BBC không cấm từ “kẻ khủng bố” được dùng để đưa các bản tin về vụ tấn công tại Thủ đô Paris, mặc dù chúng tôi muốn có một sự mô tả chính xác hơn, nếu có thể. Người đứng đầu BBC Arập đơn giản chỉ phản ánh nguyên tắc đưa tin của hãng mà thôi”.
BBC Arập là một phần của dịch vụ quốc tế của hãng thông tấn BBC của Anh ở khu vực Trung Đông. Các dịch vụ cung cấp tin tức phát thanh và qua mạng của hãng thu hút tới 36 triệu khán giả mỗi tuần.
Theo Congly