Sáng 26-3, thi thể 6 công nhân xấu số người Quảng Bình trong vụ sập giàn giáo ở dự án Formosa đã được đưa về quê nhà để lo mai táng. Tiếng khóc ai oán của người thân các nạn nhân khiến ai chứng kiến cũng đều quặn thắt.
“Ba cháu có mua kẹo không?”
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại thôn 1 và thôn 2, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi có 3 công nhân tử vong. Nằm trên con đường liên thôn tại xóm 1, xã Lâm Trạch, 2 căn nhà đối diện dựng lên 2 rạp tang. Đó là nhà của 2 công nhân Nguyễn Văn Bảo (SN 1983) và Nguyễn Văn Dũng (SN 1982).
Khoảng 7 giờ, khi chiếc xe cứu thương vừa đến chở theo thi thể 2 nạn nhân xấu số này, bà Hoàng Thị Hiều (SN 1954, mẹ của anh Bảo) liền khụy gối xuống đất, gào thét: “Con ơi, sao con nỡ bỏ mẹ mà đi... Từ nay, mẹ biết sống với ai bây chừ...”. Nỗi đau mất con chất chứa, bà Hiều ngất lịm.
Ở rạp tang đối diện, khi chiếc cáng đưa thi thể anh Dũng vào nhà, vợ anh, chị Đinh Thị Phương, lao vào ôm chặt rồi hét lên như điên dại. Nhiều người chứng kiến cảnh này không ai cầm được nước mắt.
Hàng trăm người thân của 2 nạn nhân đều bàng hoàng trước sự việc đau lòng. Những tiếng khóc của người già, phụ nữ, trẻ em kinh động cả một vùng quê yên bình.
Cách đó không xa, tiếng kèn đám tang ở gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Lịch tại xóm 2 vang lên não nề. Trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, chị Nguyễn Thị Thương, vợ anh Lịch, ngồi bất động bên thi thể chồng. “Khi nghe tin chồng mất, từ hôm qua tới giờ, Thương hết xỉu rồi lại khóc. Đau xót quá chú ơi !” - bà Hồng, một người hàng xóm, nghẹn ngào.
Ở ngoài sân, 2 đứa con nhỏ của anh Lịch chưa hiểu sự việc, lâu lâu lại hỏi mọi người: “Nhà cháu hôm nay đông quá! Không biết ba có mua kẹo về cho cháu không?”... khiến nhiều người rơi nước mắt.
Ông Nguyễn Ngọc Khai, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch, cho biết gia đình các anh Bảo, Dũng và Lịch đều thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Các anh thường đi rừng kiếm củi bán để nuôi sống gia đình. Vừa rồi, bên Formasa - Vũng Áng tuyển lao động nên họ nộp hồ sơ và đi làm chỉ cách đây 3 ngày. Ngày đầu tiên các anh vào làm công nhân thì xảy ra tai nạn”.
“Con ơi, tỉnh lại đi…”
Từ sáng sớm 26-3, khi nghe tin công nhân Nguyễn Văn Chiến (SN 1987, ngụ thôn Đại Nam 3, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) gặp nạn, rất nhiều người thân và bạn bè đã có mặt tại nhà để chuẩn bị tang lễ rồi ngóng chờ thi thể anh.
Ông Nguyễn Văn Hữu (SN 1963, bố anh Chiến) dường như vẫn chưa tin con mình đã chết. “Thằng Chiến mới đi hôm qua đó chứ mấy, răng lại chết nhanh rứa được. Chiến ơi…, về đây với ba nhanh, con ơi” - ông Hữu òa khóc. Bà Trần Thị Hiểu (mẹ anh Chiến) ngồi bất động, khóc cạn nước mắt: “Hôm qua, Chiến còn ăn cơm ở nhà. Nó còn nói với tôi ít ngày nữa nhận lương sẽ gửi về cho mẹ. Sao con tôi lại ra đi nhanh quá vậy trời.... Con ơi, tỉnh lại đi...”.
Đến 11 giờ, thi thể anh Chiến về tới gia đình. Khi thấy thi thể anh nằm im lìm trên chiếc cáng, thân quyến òa khóc vì một thanh niên hiền lành, tốt bụng lại vắn số đến vậy.
Trưa cùng ngày, gia đình anh Trương Đình Tuấn (SN 1976, trú xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận thi thể anh. Không khí tang thương bao trùm căn nhà nhỏ. Chị Trương Thị Mận (SN 1974, vợ anh Tuấn) giàn giụa nước mắt: “Anh ấy gọi điện về hứa với tôi sẽ tranh thủ làm ca đêm xong, sáng về liền để thăm đứa con út đang ốm. Vậy mà anh bỏ vợ con ra đi mãi như thế. Mất anh rồi, gia đình tôi biết sống sao đây…” - chị Mận thảng thốt.
Hỗ trợ người gặp nạn Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết bộ này đã chi hỗ trợ ban đầu 150 triệu đồng cho các gia đình có người bị nạn. Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân tử vong 5 triệu đồng, người bị thương 2 triệu đồng. Công ty Samsung C&T Việt Nam, nhà thầu chính thi công công trình, hỗ trợ ban đầu gia đình mỗi nạn nhân tử vong 30 triệu đồng để lo mai táng. |
Theo NLĐ