Trung Quốc có thể dùng Biển Đông để giấu tàu ngầm

Thứ ba, 23/06/2015, 15:48
Ráo riết cải tạo các bãi đá trên Biển Đông, Trung Quốc dường như muốn biến vùng biển này thành pháo đài kiên cố để triển khai tàu ngầm hạt nhân, răn đe Mỹ và các nước trong khu vực.
Một tàu ngầm Trung Quốc neo tại căn cứ hải quân Ngong Shuen Chau của Hong Kong.

Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang mở rộng phi pháp cùng công trình mà Bắc Kinh xây dựng trên các thực thể này khiến Mỹ và các nước láng giềng lo ngại.

Không chỉ mặt biển nổi sóng, những gì xảy ra dưới lòng đại dương cũng là điều khiến các chuyên gia quân sự phải lưu tâm, theo phòng nghiên cứu quốc tế của nhà xuất bản McClatchy. Trung Quốc hiện sở hữu đội tàu ngầm nguyên tử đang phát triển, được đầu tư mạnh, sở hữu nhiều vũ khí hiện đại. Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc tăng hiện diện Biển Đông nhằm tạo ra một vùng an toàn ở các khu vực nước sâu, giúp đội tàu ngầm Trung Quốc tự do hoạt động mà không bị phát hiện.

Pháo đài ngầm

"Biển Đông sẽ là địa điểm lý tưởng để Trung Quốc giấu tàu ngầm", ông Carl Thayer, chuyên gia an ninh giàu kinh nghiệm, giảng viên Đại học New South Wales, Australia, nhận xét. Theo ông, đáy biển ở đây rất sâu. Thêm vào đó, những hẻm núi dưới nước tại khu vực này còn là nơi trú ẩn tương đối tốt cho tàu ngầm.

Trung Quốc tuần trước thông báo sắp ngừng cải tạo các bãi đá ở Biển Đông nhưng tuyên bố này không được các quan chức Washington đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người vẫn hoài nghi về mưu đồ thật sự của Bắc Kinh đằng sau sự thay đổi giọng điệu đột ngột.

Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương, cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, thậm chí cả căn cứ quân sự, trên những đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép. Động thái này "rất đáng lo ngại", ông đánh giá.

"Khả năng quân sự hóa những tiền đồn này đi ngược lại mục tiêu giảm căng thẳng trên biển", Russel hôm 18/6 nói trong một cuộc họp báo ở Washington. "Đó là nguyên nhân vì sao chúng ta không ngừng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc cải tạo, dừng xây dựng cơ sở hạ tầng và chắc chắn là không được tiếp tục quân sự hóa những tiền đồn trên Biển Đông".

Theo ông Thayer, đối với Bắc Kinh, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Vùng biển này bao bọc sườn phía Nam Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đặt căn cứ tàu ngầm Tam Á trên đảo Hải Nam. Quân đội Trung Quốc đã xây dựng những cơ sở nằm sâu dưới mặt nước để có thể neo đậu tàu ngầm của họ một cách thầm lặng. Trong các tàu ngầm này có những mẫu được trang bị tên lửa đạn đạo.

Bắc Kinh năm 2014 nắm trong tay 56 tàu ngầm,  bao gồm 5 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc cũng sở hữu ít nhất ba tàu ngầm hạt nhân có khả năng khai hỏa tên lửa đạn đạo. Họ đang lên kế hoạch bổ sung 5 chiếc tương tự vào đội tàu ngầm của mình, theo một báo cáo được đưa ra hồi năm ngoái của Lầu Năm Góc.

Một quan chức hải quân Mỹ hồi tháng 4 cho hay Lầu Năm Góc đang theo dõi "rất sát sao" động thái của các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trung Quốc. "Việc một quốc gia phát triển vũ khí nguyên tử và triển khai những nền tảng vũ khí có thể ảnh hưởng tới Mỹ luôn là điều khiến chúng tôi lo lắng", đô đốc William Gortney, lãnh đạo Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), nói.

Tầm xa của tên lửa

Trung Quốc vài thập kỷ gần đây ráo riết gây dựng khả năng răn đe hạt nhân để chạy đua với Mỹ và Nga. Chương trình tàu ngầm cũng là một phần quan trọng của kế hoạch trên. Vì tàu ngầm có thể hoạt động bí mật hơn nên chúng ít có nguy cơ trở thành mục tiêu bị tấn công nếu so với các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền hay máy bay ném bom hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo JL2 trang bị cho tàu ngầm của Trung Quốc hiện chưa thể vươn tới Mỹ từ Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đang ôm tham vọng cải thiện tầm hoạt động của mẫu tên lửa này trong những năm sắp tới. Lý do này khiến giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang coi Biển Đông như một "pháo đài" tương lai cho tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm Trung Quốc hiện tại được nhận xét là hoạt động tương đối ồn nên dễ bị phát hiện. Nhược điểm này khiến tàu của Bắc Kinh khó có thể âm thầm lẻn vào vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Nhưng nếu Trung Quốc thành công trong việc nâng cao tầm bắn của tên lửa, họ sẽ không cần thiết phải đưa tàu ngầm ra khỏi Biển Đông để khai hỏa đến Mỹ, tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Washington.

"Kết luận của tôi lúc này là Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược xây pháo đài ngầm ở Biển Đông", Bernard D.Cole, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, bình luận. Sự thành bại của chiến lược này phụ thuộc nhiều vào quá trình nâng cấp tầm bắn của tên lửa đạn đạo tàu ngầm, ông cho biết thêm.

Về địa lý, Trung Quốc giáp vùng biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Điều này có nghĩa, để tới Thái Bình Dương, tàu của Bắc Kinh phải đi qua các eo biển tương đối hẹp bao quanh bởi Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia. Nhiều quốc gia trong số này có mối quan hệ thân thiết và thường xuyên tập trận chung với Mỹ ở các vùng biển trên.

Brad Glosserman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Honolulu, nhận định một trong những lý do khiến Trung Quốc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với hầu hết các bãi đá ngầm, đá trên Biển Đông là mong muốn đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực.

Theo Washington Post, Trung Quốc "quan ngại nhất" việc tình báo Mỹ thu thập thông tin tại Biển Đông. Nếu Bắc Kinh có thể đánh bật các tàu, máy bay do thám của Washington ra xa bằng cách tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, các tàu ngầm Trung Quốc sẽ dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương.

Tàu ngầm Trung Quốc thực tế không phát huy giá trị nếu xảy ra tranh chấp với các nước láng giềng, nhưng lại có ý nghĩa trong trường hợp đối phó với cuộc tấn công từ Mỹ.

Trung Quốc rõ ràng đang theo đuổi chiến thuật dựng "thành trì" và Biển Đông là "pháo đài" kiên cố nhất để nước này phát triển tàu ngầm hạt nhân, nhà phân tích Tong Zhao từ Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh bình luận.

Theo VNE

Các tin cũ hơn