Tại phiên thảo luận hội trường về Luật tố tụng hành chính, vấn đề nóng nhất là có nên giao cho tòa án cấp huyện xử vụ án hành chính liên quan cấp huyện hay không. Thực tế, người dân nhìn thấy, nếu để cấp huyện xử không khác gì giao cho tòa án cấp huyện xét xử hành vi hành chính của chủ tịch huyện.
Cho rằng giao cấp huyện xét xử hành vi hành chính của chính quyền cùng cấp là không ổn, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, trong nhiều năm qua, đặc biệt ngay 3 năm vừa rồi khi giao thủ tục tố tụng hành chính mới thì án hành chính bị sửa, bị hủy vẫn rất cao. "Bị hủy hàng năm đến 45% và không giảm. Tại sao như vậy? Tôi nghĩ không phải thuộc năng lực của thẩm phán cấp huyện mà việc quan trọng ở đây là áp lực cho thẩm phán khi giải quyết các vụ án đối với khiếu kiện, đối với người lãnh đạo các cấp của cấp huyện, của cấp tỉnh. Nếu quyết định giao các án đó thuộc thẩm quyền cấp huyện cho cấp tỉnh, vậy án thuộc cấp tỉnh giải quyết giao cho ai? Rõ ràng không thể làm được vấn đề đó".
ĐBQH Trần Văn Độ nêu ý kiến: “Tôi cũng đã đề nghị ý kiến này khi thảo luận và ban hành Luật tố tụng hành chính năm 2010 nhưng không được chấp nhận. Tôi đề nghị đối với Tòa án hành chính nên giao quyết định, giao thẩm quyền chéo. Tức là thẩm quyền của Tòa án huyện này khiếu kiện hành chính đối với huyện kia. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện này có quyền lựa chọn một tòa án huyện khác trong phạm vi tỉnh đó để khởi kiện. Như vậy, chúng ta vẫn mở rộng được thẩm quyền của tòa án cấp huyện, đồng thời tránh được áp lực không cần thiết và đảm bảo sự độc lập của thẩm phán”.
Theo ông Trần Văn Độ, Ủy ban tư pháp và một số ý kiến cho rằng nếu quy định vẫn thẩm quyền cấp huyện, thẩm quyền cấp tỉnh thì chúng ta sẽ làm gì để nâng cao được bản lĩnh thẩm phán. "Xin nói với các đồng chí, chúng ta nâng cao bản lĩnh lúc nào trong khi áp lực về tổ chức cán bộ, áp lực về tái bổ nhiệm v.v... vẫn của thường vụ, của lãnh đạo các huyện, tỉnh đó".
“Cho nên tôi nghĩ chúng ta phải giao thẩm quyền chéo và người khởi kiện có quyền lựa chọn để khởi kiện và làm thế nào để phạm vi đi lại không lớn, không rộng. Có như vậy chúng ta mới tạo ra một cơ chế và Hiến pháp đã quy định rồi là thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nếu các Luật tố tụng cụ thể mà không có những cơ chế để đảm bảo cho sự độc lập đó thì quy định của Hiến pháp chỉ nằm trên giấy.
Tôi đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo phải xem xét lại thủ tục đối với án hành chính thì nên chăng chúng ta quy định thẩm quyền chéo, tức là án của huyện này, khởi kiện của huyện này thì có thể khởi kiện ở huyện khác, của tỉnh này có thể khởi kiện ở tỉnh khác. Có như vậy thì thẩm phán mới tránh được áp lực và đảm bảo được khách quan, đảm bảo sự độc lập của mình trong phán quyết của mình”- đại biểu Trần Văn Độ nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với đại biểu Trần Văn Độ, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) cho rằng: “Tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu thì càng tốt, nhất là đối với án hành chính thường yếu thế hơn. Rõ ràng thực tế chỉ ra nguyên nhân chính mà án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do ngại va chạm với chính quyền, đấy là thực tế trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp nhiều năm chỉ ra như vậy”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương |
Đại biểu Đỗ Văn Đương lập luận, nếu bảo xa dân thì không phải, bởi vì 80% khiếu kiện ở cấp huyện này, cấp tỉnh này chủ yếu về đất đai mà khiếu kiện chủ yếu ở thành phố lớn, những tỉnh đô thị hóa mạnh mẽ, còn vùng sâu, vùng xa mấy khi kiện về đất đai. Cho nên việc phổ biến ta nên tôn trọng để quy thành luật pháp. Nếu như thẩm phán cấp huyện bị áp lực do áp lực của chính quyền thì cũng đúng nhưng thẩm phán cấp tỉnh cũng chịu áp lực.
Ông cũng chia sẻ: “Tôi đã biết được nhiều đồng chí nói rằng anh muốn làm thẩm phán hay kiểm sát viên thì trước hết anh phải làm được cán bộ ở huyện, đấy là thực tế. Bây giờ ta muốn đổi mới việc này, theo tôi hiện hành thì sơ thẩm hay phúc thẩm ở tỉnh cũng đều nằm trong tỉnh đó cả, bây giờ ta đổi mới đưa phần quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện lên cho tỉnh xử sơ thẩm và những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tỉnh thì tới đây đều đưa lên Tòa án cấp cao. Tòa án cấp cao thành lập theo luật mới thì tòa án này hoàn toàn độc lập với chính quyền địa phương”.
Mặt khác, theo ông Đương, số án hành chính này không nhiều, có 4.500 vụ chia đều cho 63 tỉnh thành, kể cả cấp huyện xử khi phúc thẩm vẫn lên tỉnh, hai cấp xét xử vẫn phải lên tỉnh. Ông Đương đồng ý với dự thảo ở điểm giao cho tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch hoặc của UBND huyện.
Theo Infonet