Nguy hiểm khôn lường từ hộp đựng thực phẩm bằng nhựa tái chế

Thứ tư, 24/06/2015, 09:05
Việc sử dụng nhựa tái chế, nhất là nhựa từ rác thải y tế để sản xuất các sản phẩm đựng thực phẩm là việc làm hết sức nguy hiểm và coi thường tính mạng người dân.

Thời gian gần đây thông tin sử dụng nhựa tái chế, trong đó có những loại nhựa được tái chế từ rác thải y tế để làm các đồ dùng đựng thực phẩm như: hộp nhựa, hộp đựng sữa chua, ống hút …khiến người dân hết sức hoang mang.

Trước thông tin này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất cũng như nguồn gốc các loại rác thải y tế này. Đồng thời, lấu mẫu sản phẩm kiểm nghiệm tồn dư chất độc hại.

Sau một thời gian kiểm nghiệm, ngày 22/6 Cục An toàn Thực phẩm cho biết, các mẫu sản phẩm gồm ống hút, hộp đựng thực phẩm không phát hiện có chất độc hại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dùng nhựa tái chế hoặc rác thải y tế để sản xuất đồ đựng thực phẩm là rất nguy hiểm.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định: “Việc dùng nhựa y tế hoặc tái chế nhựa nhằm sản xuất các đồ dùng trong thực phẩm là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng”.

Những đồ nhựa đã được phân loại chất cao thành đống để sẳn sàng cho quá trình tái sử dụng. Ảnh chụp tại xã Tân Triều - Thanh Trì - Hà Nội.

“Việc sử dụng các loại nhựa không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất để tái chế thành những dụng cụ dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm như thìa ăn, ống hút, lọ đựng thực phẩm là rất nguy hiểm.

Theo PGS Thịnh, đồ dùng nhựa hiện nay là một trong những nguyên nhân tạo nên chất hòa tan trong thực phẩm, và những chất hòa tan không rõ nguồn gốc này sẽ tạo nên những chất độc hại cho cơ thể. Tuy số lượng những chất độc hại này không lớn nhưng tích tụ lâu dần sẽ gây bệnh cho cơ thể. Trong đó đặc biệt nguy hiểm là những chất có thể gây bệnh ung thư.

Bởi, hiện nay nhất là các làng nghề truyền thống vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó nấu thành hạt nhựa bán cho người sản xuất, như vậy không thể loại bỏ được tạp chất độc hại có trong những loại nhựa này.

Và nếu sử dụng, nhựa sẽ bị thôi nhiễm ra thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng. Từ đó, những tạp chất độc hại này sẽ đi trực tiếp vào cơ thể con người và gây bệnh. Chính vì thế, người dân cần phải cảnh giác với những sản phẩm như: cốc, bát, thìa, dĩa, ống hút... nhất là những sản phẩm dùng một lần và những sản phẩm “hàng chợ” không rõ nguồn gốc”, PGS Thịnh cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: "Với công nghệ ở các làng nghề thì không thể xử lý hết chất độc hại trong nhựa tái chế".

Riêng vấn đề dùng nhựa rác thải y tế để tái chế thành đồ dùng trong thực phẩm, PGS Thịnh thẳng thắn: “Đây là việc làm trái với quy định của ngành y tế và cần phải kiểm tra, xử lý ngay lập tức để không gây hại cho người dân”.

Hiện nay, theo Quy chế quản lý chất thải y tế của Bộ Y tế, chất thải y tế được chia thành 5 loại, đó là: chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học nguy hại, chất thải phóng xạ, bình chứa áp suất, chất thải thông thường. Với các vật dụng như bơm kim tiêm, dây truyền dịch dính máu được Bộ Y tế xếp vào loại rác thải y tế nguy hại.

Cũng theo qui định này, biện pháp tiêu hủy các vật dụng trên là thiêu đốt hoặc chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thiêu đốt là phương pháp tốt nhất.

Như vậy, việc tái chế rác thải bao gồm cả ống, bịch, dây truyền và bơm kim tiêm để làm đồ gia dụng hoặc đồ dùng thực phẩm là hoàn toàn sai quy định của nhà nước.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích