Thuốc mê tràn lan thị trường chợ đen

Thứ tư, 24/06/2015, 10:15
Không cần bác sĩ kê đơn, chỉ cần có tiền và... một cuộc điện thoại là khách có thể mua được đủ loại thuốc mê dạng xịt, dạng hơi, dạng nước, dạng bột, thuốc gây mê cực mạnh...
Ảnh minh họa

Loại nào cũng có

Hơn một tuần liên hệ với một số trung gian giới thiệu các mối để mua thuốc mê, chúng tôi có được số điện thoại 01642578... Người sở hữu số điện thoại này tên Quang - được mệnh danh là "trùm thuốc mê" xứ Bắc.
Sau năm sáu cuộc điện thoại, nói rõ mục đích và nhu cầu cũng như tên tuổi, địa điểm cần giao hàng, Quang mới trò chuyện cởi mở với chúng tôi: "Chị cần mua loại thuốc mê gì, dùng cho bao nhiêu người, bọn em cũng có".
Tôi nói muốn gặp trực tiếp để xem hàng, Quang từ chối thẳng thừng: "Muốn gặp trực tiếp thì chị bay ra Hà Nội hoặc Hải Phòng, đến nơi gọi em, em sẽ đọc địa chỉ. Còn không, em sẽ gửi hàng rồi ra bến xe Miền Đông nhận".
Dân Sài Gòn mua nhiều lắm nhưng em không bán hàng trực tiếp. Bước đầu làm quen, em sẽ gửi chị dùng thử, nếu ổn thì ra gặp trực tiếp, em hứa sẽ giảm giá.
Tuy vậy, sau vài bước "làm quen", chúng tôi và Quang đã gặp nhau tại TP.HCM.  Y giới thiệu: "Ngoài các loại thuốc mê mà lần trước em nói, lần này em có cả thuốc gây mê thôi miên - GFN giá 5,1 triệu đồng, hàng Trung Quốc. Chỉ cần giả vờ hỏi vài câu, người được hỏi sẽ sớm bị "thôi miên". Lúc tỉnh sẽ ngơ ngác không nhớ chuyện gì".

"Cái đó chuyển tiền có ngay không?" tôi hỏi. Quang nói, "cái này hiếm lắm, phải đặt hàng hai, ba ngày mới có. Chị mua về, chỉ cần đốt lên, cho đối phương ngửi, đảm bảo nói gì, bảo gì người lạ cũng nghe theo hết".

Tuy vậy, sau khi gặp Quang, người môi giới còn đưa chúng tôi gặp vài trùm bán thuốc mê khác và cũng nhận được những lời giới thiệu tương tự, chỉ khác là giá cả chênh nhau chút ít.

Được "dẫn mối", chúng tôi liên hệ với một người tên Tài chuyên bán thuốc gây mê. Tài cho biết, nguồn thuốc được nhập từ Mỹ, Thái Lan, tùy hàm lượng và dạng đóng gói mà giá cả khác nhau, nhưng thấp nhất cũng từ 1,6 triệu đồng, loại mắc nhất là 5,1 triệu đồng/chai nên chất lượng tốt, đảm bảo hiệu quả 100%.
Theo Tài, giá rẻ nhất là thuốc gây mê For. dạng ngửi. Tài hướng dẫn, chỉ cần tẩm thuốc vào khăn là dụ được "con mồi". Thuốc nhập từ Thái Lan, có tác dụng ngay lập tức sau một - ba giây "ra tay" và thời gian hôn mê kéo dài suốt hai-ba giờ. Nếu chị không thích, có thể dùng thuốc Hal. tầm 3,2 triệu đồng. Thuốc này thường được dân gài bẫy tình thích thú; chỉ cần sau 5-10 phút mời nước là "con mồi" mê man sâu suốt ba giờ. Chị xài không tác dụng em trả lại tiền ngay".

Tôi cho biết mình muốn tìm loại "mạnh đô" hơn và đừng để "con mồi" nhớ lại những việc đã xảy ra, Tài cười lớn: "Nhiều lắm. Nếu chị muốn dùng loại mê ngay thì em có loại "hơi thở phù thủy" hoặc loại Sev. Nó là bình dạng nén, dung tích 50ml, chị có thể dùng được 15-20 lần. Trong vòng một đến ba giây, đối phương sẽ mê man và mê lâu trong khoảng một đến hai giờ. Nhưng giá mắc, ba triệu đồng".

Tàn “đời hoa" sau “ hơi thở phù thủy”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá của nhiều loại thuốc được "chợ đen” hét rất cao. Nếu như thuốc For. chỉ dùng trong phòng mổ do Anh sản xuất, giá 487.000 đồng/ lọ l00ml; 1.140.000 đồng/lọ 250ml thì thị trường bán đến 1,6 triệu đồng/lọ 100ml.
Còn thuốc ngủ Sed. có dạng ống 2ml và dạng viên 5mg do Đức và Hungary sản xuất. Dạng viên 5mg giá ở phòng mổ chưa tới 400 đồng/viên thì giới chợ đen bán với giá 100.000 đồng/viên. Riêng thuốc ngủ Lex. 6mg giá 3.000 đồng/viên thì được bán với giá 2,8 triệu đồng/10 viên...

Cách đây vài tháng, trong lúc trực đêm cùng nữ sinh viên thực tập T.T.D.K. (20 tuổi), y tá Lê Duy Cương (26 tuổi) làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông đã lừa cho K. sử dụng thuốc mê rồi thực hiện hành vi hiếp dâm.

Dược sĩ (DS) Trần Quang Thịnh, thành viên Hội Dược sĩ bệnh viện (BV) TP.HCM cảnh báo: những loại thuốc gây mê như For., Halo., Sev. được BV sử dụng trong phòng mổ; thời gian khởi mê nhanh chỉ sau 5-10 phút.
Tuy nhiên, sử dụng các thuốc này phải kèm với dụng cụ hỗ trợ như bình bốc hơi phù hợp, mặt nạ gây mê...; khó thực hiện bên ngoài BV. Nếu kẻ xấu sử dụng sẽ rất nguy hiểm; thủ phạm cũng có thể bị hôn mê trước nạn nhân.
Chưa kể, các thuốc trong phòng mổ phải được sử dụng đúng phác đồ, đủ liều lượng và phù hợp cân nặng, lứa tuổi, tình trạng bệnh. Nếu kẻ xấu sử dụng hàm lượng không đúng, người bị hại có thể bị tăng áp lực dịch não tủy, ức chế đường hô hấp, tổn thương gan, nhất là ở bệnh nhân viêm gan. Mặt khác, thuốc cũng có thể gây dãn tử cung, chảy máu tử cung, tử vong.

Còn đối với nhóm thuốc ngủ, thuốc an thần như Sed., Lex., Xan., Ro.,... chỉ cần sau 15-20 phút, người sử dụng sẽ ngủ mê từ bốn-sáu giờ. Do đó, thuốc là trợ thủ đắc lực cho một số kẻ xấu tấn công tình dục khi cho vào trong đồ uống của nạn nhân. Đặc biệt, thuốc còn có tác dụng cản trở khả năng nhớ những chuyện đã xảy ra.

Đáng lo nhất hiện nay là một số kẻ xấu đã bắt đầu sử dụng thuốc Sco., được mệnh danh là "hơi thở phù thủy". Thuốc không màu, không mùi vị, có thể gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác rất mạnh, ngăn chặn não bộ không ghi lại được những gì đã diễn ra trước đó.
Ở Việt Nam, thuốc Sco. chỉ có ở dạng miếng dán với hàm lượng 1,5mg, chủ yếu dùng cho người bị say tàu xe, giảm buồn nôn, chóng mặt. Tuy nhiên, ở nước ngoài có thêm dạng chất lỏng dùng phục hồi sau cơn mê và phẫu thuật nên hàng về Việt Nam có thể là hàng xách tay.
DS Trần Quang Thịnh cho biết: theo nghiên cứu của FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), chỉ cần hít phải 1mg thuốc Sco. thì sau hai-ba phút, thuốc sẽ đi qua các mao mạch trong niêm mạc mũi, rồi đi thẳng lên não khiến nạn nhân mất kiểm soát tri giác tạm thời, buồn ngủ, tạo ảo giác. Tương tự, nếu bị "đầu độc" thuốc GHB, GBL... sau khi tỉnh dậy, người bị hại sẽ không nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Ai quản lý?

Đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định: cũng giống như các nước phát triển, thuốc mê và thuốc tiền mê (thuốc ngủ, an thần) tại Việt Nam được quản lý rất chặt chẽ, không thể lọt ra ngoài. Những loại thuốc mê dùng trong phòng mổ chỉ có BV mới được sử dụng.
Để có nguồn thuốc này, các BV phải đăng ký số lượng và thông qua hình thức đấu thầu tập trung tại Sở. Riêng với nhóm thuốc ngủ, thuốc an thần (thuốc tiền mê) vốn thuộc vào nhóm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần nên càng được siết chặt theo thông tư 19/2014/TT-BYT; vì thuốc tiền mê này còn nguy hiểm hơn cả thuốc mê do ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh và gây lệ thuộc thuốc như: ảo giác, mất cảm giác, không còn ý thức hay phản xạ...
Ngoài việc đăng ký số lượng tại Sở thì Sở cũng chỉ đạo BV phải để người bệnh uống thuốc ngay trước mặt nhân viên y tế khi được cấp thuốc. Với mỗi BV, Sở đều yêu cầu một số bác sĩ có nhiệm vụ kê đơn thuốc này phải đăng ký mẫu chữ ký gửi về Sở theo dõi. Nếu bên ngoài thị trường có thuốc này thì đó có thể là thuốc lậu, thuốc nhái; thậm chí có thể là thuốc giả, không có chức năng gây mê.

Trước câu hỏi: "Vì sao thuốc mê được quản lý chặt chẽ như vậy nhưng ngoài thị trường vẫn bán tràn lan?", DS Trần Quang Thịnh cho rằng, nếu "chợ đen" có thuốc mê thì ngoài việc kiểm soát nguồn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, ngành y tế cũng cần rà soát kỹ lại thuốc chính ngạch".

Trao đổi về việc thuốc gây mê bán trôi nổi trên thị trường "chợ đen", BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ: Sở rất quan tâm đến vấn đề thuốc gây mê trôi nổi này và sẽ giao cho thanh tra Sở tăng cường kiểm soát.
Tuy nhiên, do người bán chủ yếu tự lập ra các trang web để rao hàng nên rất khó xử lý, thậm chí nhiều khi trang web được lập ở nước ngoài. Để có thể xử lý được, Sở sẽ phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông để dễ khoanh vùng đối tượng hơn.

Theo quy định của Luật Dược 2005, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ là những loại thuốc thuộc danh mục phải kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, dù là mặt hàng được kiểm soát đặc biệt, các loại này vẫn được bán tràn lan ngoài thị trường và không hề thấy cơ quan chức năng nào theo dõi, xử lý.



Theo MộtThếGioi

Các tin cũ hơn