Bão tiến gần bờ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình căng mình đối phó

Thứ tư, 24/06/2015, 12:17
Dự báo cơn bão số 1 có hướng di chuyển phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hầu khắp địa bàn tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Đêm qua Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình "mất ngủ" lo phòng chống bão. Sáng nay Quảng Ninh bắt đầu có mưa to, gió giật mạnh.
Quảng Ninh có mưa, trời nhiều mây, gió giật mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng nay 24/6, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu xuất hiện những trận mưa to, gió giật mạnh, trời tối sầm. Người dân bắt đầu hạn chế ra đường.

Ông Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, hơn 100 khách du lịch kẹt tại trên đảo Quan Lạn từ hôm qua đều ổn định sức khỏe và an toàn

Các loại thuyền trú tránh bão số 1

Ông Viên cho biết thêm, từ đêm qua, đã xuất hiện nhưng đợt gió giật cấp 7, cấp 8, nước thủy triệu xuống nên không ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê điều như lo ngại trước đó của các địa phương, đến thời điểm hiện tại cũng không có thiệt hại về người và tài sản.

Tại huyện đảo Cô Tô, từ đêm qua đến 6h30 sáng nay, có mưa rào nhẹ kèm gió cấp 5, 6.

Theo phóng viên Dân trí Phạm Hằng đang có mặt tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), từ tối hôm qua đến hơn 10h sáng nay, Cô Tô gần như không ngớt mưa và gió mạnh. Theo quan sát, dù có gió lớn giật cấp 10, nhưng chưa thấy hiện tượng cây bị gãy đổ hay có thiệt hại gì khác.
Đài phát thanh huyện liên tục cập nhật diễn biến tình hình cơn bão số 1, khuyến cáo người dân và du khách không ra ngoài đường, đặc biệt là ở khu vực gần bờ biển và cầu cảng. Thị trấn Cô Tô, vốn rất nhộn nhịp vào mùa du lịch, sáng nay khá vắng vẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số du khách liều lĩnh và hiếu kỳ lội xuống biển để chụp ảnh, khiến cảnh sát giao thông phải đi nhắc nhở.
Hình ảnh tại bãi tắm Cô Tô sáng nay
Các dịch vụ ở Cô Tô vẫn được giữ giá như ngày thường, không có tình trạng chặt chém du khách, dù từ sáng qua hoạt động của tàu cao tốc và tàu gỗ từ đất liền ra Cô Tô bị tạm ngừng, khiến nguồn cung thực phẩm tới đảo bị hạn chế.

Chị Hiền, chủ quán cà phê H&H tại khu 3, thị trấn Cô Tô, cho biết, quán chị đã hết một số loại hoa quả, chỉ còn sữa chua và cà phê, chờ bão tan thì mới có hàng từ đất liền mang ra. Dù khách đông và hàng ít hơn nhưng chị vẫn giữ giá như ngày thường, chị Hiền cho hay.

Được hỏi liệu các nhà hàng có lo về thiếu thực phẩm trong những ngày mưa bão, anh Long, chủ nhà nghỉ Bảo Ngọc, cho biết, các nhà hàng, khách sạn đều có kế hoạch dự trữ trước khi nghe tin bão vì năm nào Cô Tô cũng có bão. Người dân trên đảo cũng trồng được một số loại rau như rau muống, rau mùng tơi... nên vẫn đảm bảo phục vụ du khách.

Lãnh đạo huyện đảo Cô Tô yêu cầu các nhà hàng, khách sạn có cơ chế giảm giá phòng, dịch vụ ăn uống và đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách.

Sóng lớn tại bãi tắm Cô Tô
Một số du khách hiếu kỳ vẫn ra biển để "ngắm bão"
Cảnh sát giao thông yêu cầu mọi người không ra biển khi đang có bão
Một số hàng quán đóng cửa tránh bão
Chiếc xe bị lật nghiêng vì gió lớn
Thị trấn Cô Tô vốn nhộn nhịp vào mùa du lịch trở nên vắng vẻ khi bão về

Trong khi đó tại Hải Phòng, diễn biến không như dự đoán của bão số 1 đã khiến cho các cơ quan chức năng cùng người dân trắng đêm canh bão.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, từ khoảng 8h sáng nay, Hải Phòng bắt đầu có mưa rải rác, khu vực ven biển có gió nhưng không đáng kể. Hoạt động của người dân đã trở lại bình thường.

4h sáng nay, Hải Phòng thời tiết bình lặng bất thường trước bão
Tàu thuyền sáng nay vẫn nằm yên tại các khu neo đậu tránh trú bão
Sáng nay Hải Phòng đã xuất hiện mưa nhỏ
Tàu thuyền neo đậu tại Vịnh Hạ Long. (Quảng Ninh)

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tính đến 5 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 70km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 12-13.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đêm 23 rạng sáng 24/6, tại Quảng Ninh đã xuất hiện những đợt mưa nhỏ, mưa vừa, sức gió trung bình. Cuộc sống sinh hoạt của người dân tại Quảng Ninh vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên trước diễn biến khó lường của cơn bão đầu tiên của năm 2105, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng người dân vùng đất mỏ không thể chủ quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Đức Long (áo trắng, đi đầu) - trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo phòng chống bão số 1 tại TP Hạ Long.


Ghi nhận của phóng viên, công tác chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào các khu vực an toàn đã được người dân tiến hành hết sức khẩn trương. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh các cấp đều trực tiếp cùng nhân dân căng mình ứng phó với bão số 1.

Trực tiếp đi kiểm tra các nơi neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền trên địa bàn TP Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Đức Long - yêu cầu phải kiên quyết kêu gọi toàn bộ các phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão, gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn; chủ động lực lượng, vật tư để phòng, chống bão. Đặc biệt, phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhất là hình thức tuyên truyền lưu động đến các khu dân cư, xã phường để người dân biết diễn biến, tình hình của bão để chủ động phòng chống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Đặng Huy Hậu, tại đồn tiền phương TP Móng Cái cùng nhân dân phòng chống bão.


Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phân công các lực lượng thường trực 24/24h, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh để tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo.

Tại TP Móng Cái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Đặng Huy Hậu, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và một số lãnh đạo sở, ban, ngành cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình chuẩn bị công tác phòng chống cơn bão số 1 trên địa bàn TP Móng Cái.

Tại huyện Vân Đồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cũng đã có mặt trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Đồn, tính đến 18h ngày 23/6, trên 1.500 phương tiện đánh bắt thủy hải sản đã về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, trong đó 56/57 tàu đánh cá xa bờ của huyện đã về tránh trú bão trên địa bàn, còn 1 tàu tránh trú an toàn ở khu vực phía Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Văn Thành trực tiếp chỉ đạo chống bão tại cảng Cái Rồng.

Huyện đã chỉ đạo người dân chủ động chằng chống, gia cố đảm bảo an toàn 450 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Lực lượng chức năng đã tuyên truyền vận động trên 1.000 lao động, người già trẻ em ở các nhà bè nuôi trồng thủy sản lên bờ tránh bão an toàn.

Tối 23/6, ông Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đến TP Uông Bí, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 1 tại TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Theo báo cáo của 2 địa phương, thực hiện công điện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, TP Uông Bí và TX Quảng Yên đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa phát thanh của các xã, phường để người dân được biết thông tin và có phương án đối phó với bão số 1.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (thứ 2 từ phải sang) có mặt tại 2 địa bàn TP Uông Bí và Thị xã Quảng Yên để cùng người dân đối phó bão số 1.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của 2 địa phương đã thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, sẵn sàng các phương án chủ động xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó là chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, tổ chức trực ban nghiêm túc; yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xuống cơ sở để cùng chỉ đạo, rà soát lại những vị trí xung yếu.

Theo liên lạc của phóng viên ghi nhận, hầu hết lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong đêm 23 rạng sáng 24/6, đều đã có mặt tại những địa phương được dự báo là cơn bão số 1 sẽ đổ bộ vào. Tất cả các vị lãnh đạo này đều cùng thức với dân, sẵn sàng cùng nhân dân phòng chống cơn bão đầu tiên của năm 2015.

Ngoài ra, một số lãnh đạo khác túc trực thông tin từ Trung tâm của Ban chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh. Hiện lãnh đạo và người dân Quảng Ninh vẫn sát sao theo dõi diễn biến của cơn bão số 1.

Tại cuộc họp khẩn cấp triển khai đối phó với bão số 1 vào sáng 24/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thái BìnhNguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương ven biển Tiền Hải, Thái Thụy khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, lao động tại các chòi ngao vào nơi tránh trú an toàn, đưa người tại các khu tập thể xuống cấp đến nơi an toàn trước 8 giờ ngày 24/6.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố huy động lực lượng, thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ". Các địa phương khơi thông dòng chảy, tiêu úng và có phương án dự phòng trạm bơm dã chiến.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, tính đến 5 giờ 30 phút ngày 24/6 trên địa bàn đã liên lạc được 1.218 tàu, thuyền với 3.325 lao động. Trong đó 1.182 phương tiện với 3.165 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh, 36 phương tiện với 160 lao động hoạt động ngoài tỉnh và đã liên lạc được vào bờ.

Do mực triều thấp nên số lao động hoạt động ngoài chòi ngao chưa vào nơi an toàn, riêng huyện Tiền Hải vẫn còn 535 lao động. Hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đã di chuyển người dân sống trong đê chính, khu vực nhà yếu vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Thái Bình có 30 ha lúa đã cấy và 2.300 ha mạ gieo và khoảng 4.900 ha cây màu hè chờ thu hoạch.

Ngay sau cuộc họp khẩn cấp, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã chia các đoàn đi kiểm tra hoạt động phòng chống bão số 1 tại các địa phương theo phương châm "toàn diện, triệt để, tuyệt đối không để thiệt hại về người".

Bão số 1 cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình 50km

Hồi 9 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 50km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11-12.

Lúc 9h sáng nay, bão số 1 đang cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 50km (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 11-12, ở đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10, ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định có gió giật mạnh cấp 6-8. Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-80mm,...

Hồi 9 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 50km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 11-12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 19 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ảnh mây vệ tinh (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 25/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).

Từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Theo DânTrí

Các tin cũ hơn