Trở ngại tưởng không thể vượt qua ở chặng đầu quan hệ Việt - Mỹ

Thứ tư, 24/06/2015, 09:19
Ở chặng đầu nỗ lực cải thiện quan hệ, Việt Nam và Mỹ phải đối diện với vô vàn khó khăn do lịch sử để lại, do sự ngờ vực và chống phá của các phe nhóm.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng

Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng chia sẻ với VnExpress về thuở ban đầu của quan hệ Việt - Mỹ, nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước.

- Những ngày đầu Việt Nam nỗ lực biến quan hệ với Mỹ từ thù thành bạn đã diễn ra như thế nào?

- Giai đoạn đó có rất nhiều trở ngại, từ quốc hội, chính phủ Mỹ, báo giới, người dân, cựu binh và cả cộng đồng người Việt di tản sau chiến tranh. Có những trở ngại gần như gây nản chí nếu mình mong nó phát triển nhanh.

Khó khăn này kéo dài suốt từ những năm 1980 đến năm 1995, là tất yếu do lịch sử để lại. Việt - Mỹ từng ở hai bên chiến tuyến, dùng tất cả những gì có thể để đánh bại bên kia, khi cuộc chiến chấm dứt thì những điều đó vẫn còn đọng lại trong từng người, không dễ mất đi được. Nhưng cả lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đều mong muốn phá bỏ bao vây cấm vận, điều đó là cần thiết.

- Những trở ngại đó cụ thể là gì?

- Có một trở ngại chính là vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) và tù binh chiến tranh (POW). Mặc dù từ năm 1973 Việt Nam đã thả hết tù binh nhưng phía Mỹ vẫn nói "còn người bị giam giữ ở Việt Nam thì không có chuyện bình thường hóa quan hệ".

Rồi vấn đề người di tản, tôi ở Mỹ 9 năm thì thì có đến hàng trăm cuộc biểu tình phản đối, số lượng lên đến hàng nghìn người, họ ném đá, ném trứng thối, phá các chuyến thăm Mỹ của các lãnh đạo Việt Nam. Đến mức tôi đi đến đâu cũng phải cảnh giác với biểu tình vì chắc chắn có khoảng vài ba trăm người ở một bang nào đó đứng trước cổng "đón".

Kinh khủng nhất là tháng 8/1995, tôi đến quận Cam và phát biểu công khai trước đám đông, đó cũng là lần đầu tiên một quan chức Việt Nam đến đối thoại trực diện với người dân Mỹ.

- Hai nước lúc đó đưa ra với nhau những điều kiện gì?

- Suốt từ năm 1975 đến 1995, ưu tiên của Việt Nam là bỏ cấm vận, mà để bỏ cấm vận thì hai nước phải thiết lập quan hệ liên lạc. Trong giai đoạn 1985-1988, Việt Nam chào đón Mỹ sang thảo luận các vấn đề MIA đồng thời với việc bàn bạc bỏ cấm vận. Cuối năm 1988, Việt Nam yêu cầu Mỹ cho lập văn phòng ở Washington DC để thông tin về hài cốt lính Mỹ mất tích, họ hứa về báo cáo với Quốc hội nhưng sau đó không được. Việt Nam thì tuyên bố không tiếp tục thương lượng về MIA nữa. Mọi chuyện tưởng như đi vào bế tắc.

Lúc đó Thượng nghị sĩ John McCain và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phải đứng ra "dàn hòa". Đến tận tháng 1/1995, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố hai bên đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc tại Washington.

- Có lần nào hai bên gần đạt được thành quả rồi bị thất bại?

- Đầu năm 1993 tôi được cử sang làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), mọi người ở nhà hy vọng "khoảng 6 tháng nữa Việt Nam sẽ thiết lập một cơ quan liên lạc ở Washington". Đột nhiên đến khoảng tháng 3, tháng 4, phía Mỹ đưa ra cái gọi là tài liệu của Thượng tướng Trần Văn Quang, cựu thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam gửi cho Bộ Chính trị, báo cáo về việc "đưa tù binh Mỹ từ Việt Nam sang Nga" như thế nào. Sự kiện đó như quả bom nổ tung, làm tan nát hết các dự định giữa hai bên.

- Sự thực là sao thưa ông?

- Thời điểm đó ông Bill Clinton dự định có thể đi tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nhưng sau đó chính quyền phải tạm dừng. Việt Nam cũng tạm dừng nỗ lực và đi điều tra tài liệu về "tù binh bị đưa sang Nga". Khi ấy Mỹ và Nga có quan hệ tương đối hòa giải, vì thế khi Washington kiểm tra lại xem tài liệu đó có trong kho lưu trữ thật không, Moscow nói không có, báo cáo kia là giả.

Báo cáo đó thuộc về một trong những nhóm cực hữu chống phá quan hệ Việt - Mỹ, họ không phải hoạt động theo cảm tính, mà có nghiên cứu và chuẩn bị hẳn hoi. Họ thuê người viết các báo cáo, chờ xem Mỹ và Việt Nam tuyên bố cái gì thì họ tung ra. Hai bên giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhưng đến đoạn gần cuối vẫn bị họ phá.

Chính vì những tài liệu như thế mà đến tận cuối năm 1993 ông Bill Clinton mới tuyên bố cho Việt Nam vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) và đến tháng 2/1994 mới tuyên bố bỏ lệnh cấm vận. Mất rất nhiều thời gian như thế.

-Việt Nam còn phải chứng minh như thế nào nữa để Mỹ không hoài nghi về vấn đề POW?

- Khoảng năm 1991 hoặc 1992, đoàn Mỹ nói với Việt Nam rằng họ nhận được tin vẫn còn người Mỹ còn sống (bị giam làm tù binh), đề nghị Việt Nam chuẩn bị một chiếc trực thăng, "khi nào ăn cơm xong sẽ đi".

Đoàn sau đó lên đường sang Gia Lâm, và khi lên máy bay, họ chỉ đến Thanh Hóa, máy bay đỗ xuống một khu rừng, đó chính là trại tù binh trước đây. Nhưng lúc đó đã tan hoang rêu phong rồi, không còn ai. Sau năm 1994 thì mức độ nghi ngờ có giảm đi.

Có một vài người, trong đó ông John McCain có thể coi là "người tháo nút" nhiều vấn đề, ông có quyền lực và nhìn xa trông rộng. Từ cấp cao thì có ông Bill Clinton. Ngoài ra còn có Thượng nghị sĩ John Kerry (nay là Ngoại trưởng Mỹ), bà Virginia Foote, người tiếp cận Nhà Trắng rất sát sao về các vấn đề Việt Nam.

Đại sứ Lê Văn Bàng (giữa) gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1997 về việc mở cơ quan ngoại giao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Nhìn lại chặng đường bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, những thành tựu nào hai nước đã đạt được mà trước đây ông tưởng rằng sẽ rất khó khăn?

- Hai bên đã đạt được những kết quả rất nổi bật, chẳng hạn như Việt Nam xuất sang Mỹ hơn 29 tỷ USD năm ngoái, số sinh viên Việt đang học ở Mỹ gần 17.000, khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đáng kể là quan hệ quân sự.

Hồi xưa tôi từng tìm hiểu xem Mỹ có thể bán thiết bị kỹ thuật cao hoặc các thiết bị phi sát thương cho Việt Nam nhưng rất khó. Khoảng năm 1996-1998, Nhà nước yêu cầu tôi thử tiếp cận công ty tư nhân của Mỹ để mua một số động cơ của tàu cao tốc, trang bị cho tàu trên biển. Tôi hỏi một công ty ở bang Connecticut, làm việc xong thì gửi đề nghị lên Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không được. Đến 2004 Việt Nam đề nghị mua vũ khí của Mỹ nhưng cũng không được chấp thuận.

Bây giờ thì họ hứa bán cho mình. Nói chung quan hệ kinh tế, quân sự và đào tạo là những điều trước đây rất khó khăn, mà giờ đạt được rồi. Tôi từng nghĩ quan hệ chiến lược Việt - Mỹ rất "xa vời", nhưng tôi hiểu thực chất quan hệ toàn diện bây giờ có ý nghĩa chiến lược, đó là thành tựu rất nổi bật. Việc hợp tác với Mỹ có thể góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển hơn nữa, duy trì được hòa bình, ổn định.

Ông Lê Văn Bàng, cùng Thượng nghị sĩ John Kerry (bìa trái), hiện là ngoại trưởng Mỹ, và Thượng nghị sĩ John McCain, ngoài cùng bên phải, trong lễ khai trương các dự án của Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tại Việt Nam, tháng 3/1998. Ảnh: NVCC


Theo VNE

Các tin cũ hơn