Theo tôi, quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án của chị Trần Thị Hải Yến có nhiều thiếu sót, cụ thể như sau:
1) Đối với Cơ quan điều tra (CQĐT): quá trình điều tra vụ án đã xảy ra hàng loạt sai phạm như không ghi lời khai của những người có trách nhiệm mà những lời khai này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm ra sự thật của vụ án; không tổ chức thực nghiệm điều tra; không dựng lại hiện trường vụ án; hồ sơ bệnh án có nhiều dấu gạch, xóa, nội dung có nhiều mâu thuẫn; không thu giữ và niêm phong vật chứng; tự ý sửa chữa, bổ sung lời khai của nhân chứng... Những sai phạm này có thể làm thay đổi toàn bộ nội dung và diễn biến của vụ án.
Điều quan trọng, theo tôi, cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành động tự tử của chị Yến, đó là việc cơ quan tố tụng huyện Tuy An áp dụng biện pháp tạm giam với chị Yến, vừa không phù hợp với quy định pháp luật, vừa thể hiện sự xem thường quyền tự do - vốn là quyền con người quan trọng nhất.
Ông Lê Tiến Châu Ảnh: L.C. |
Theo quyết định khởi tố của CQĐT thì chị Yến phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự. Đây là tội ít nghiêm trọng và cơ quan có thẩm quyền chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.
Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. CQĐT lấy lý do “khi thực hiện các thủ tục làm danh chỉ bản (làm lý lịch bị can) chị Yến không hợp tác...” để cho rằng chị Yến cản trở việc điều tra dẫn đến việc bắt tạm giam là không đủ căn cứ và không thuyết phục. Trong khi đó chị Yến là người có nhân thân tốt, (bị suy đoán là) phạm tội lần đầu, tội phạm ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng....
Ngoài ra, CQĐT đã nhanh chóng đến UBND xã An Cư để làm giấy chứng tử và UBND xã này cấp giấy không theo yêu cầu của gia đình người chết là trái với nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ.
2) Đối với Viện kiểm sát (VKS): là cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm sát các hoạt động tố tụng và thực hành quyền công tố tức là phải đảm bảo cho hoạt động tố tụng, đặc biệt là hoạt động điều tra (vốn là những hoạt động rất nhạy cảm rất cần phải có sự kiểm sát chặt chẽ) nhưng rất tiếc VKS huyện Tuy An đã không hoàn thành nhiệm vụ, đã để cho CQĐT thực hiện một loạt sai phạm (như đã nêu). Nghiêm trọng hơn là khi trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo của VKS còn cho rằng: “Gia đình xin bảo lãnh bị can nhưng cho hay không là quyền của cơ quan tố tụng, luật đã quy định như thế. Chúng tôi thấy rằng cần gia hạn tạm giam bị can vì việc điều tra vụ án đang tiếp diễn chứ chưa dừng lại”. Phát biểu này có bốn vấn đề cần lưu ý:
+ Nếu CQĐT lấy lý do chị Yến không hợp tác khi làm lý lịch bị can, vậy VKS lấy lý do gì để tiếp tục tạm giam đối với chị Yến?
+ Lãnh đạo VKS cho rằng cần gia hạn tạm giam bị can vì việc điều tra vụ án đang tiếp diễn, điều này có nghĩa việc áp dụng biện pháp tạm giam bị can trong giai đoạn điều tra là bắt buộc của CQĐT, biện pháp tạm giam chỉ được chấm dứt khi vụ án dừng lại(!?). Đây là nhận thức và áp dụng quy định pháp luật hoàn toàn không đúng, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng biện pháp tạm giam.
+ Quyền của cơ quan tố tụng huyện Tuy An để giải quyết đơn xin bảo lãnh của gia đình chị Yến không phải là quyền chủ quan, không giới hạn, không có căn cứ. Phát biểu của lãnh đạo VKS huyện Tuy An không đúng quy định tại điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự:
“... Bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, CQĐT, VKS, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh”.
+ Phần nhận định của bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh Phú Yên cho thấy không có căn cứ để buộc tội chị Yến. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ dùng biện pháp trái pháp luật để thu thập chứng cứ thì chứng cứ đó không hợp pháp, vì vậy không thể dùng nó để chứng minh. Trong trường hợp này lẽ ra VKS huyện Tuy An không phê chuẩn việc gia hạn biện pháp tạm giam của CQĐT mà có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
3) Đối với Tòa án huyện Tuy An: tòa án đã sử dụng chứng cứ không hợp pháp để tuyên án đối với chị Yến là thiếu căn cứ và thuyết phục (như đã phân tích trên). Mặt khác, giả định chị Yến phạm tội cố ý gây thương tích thì bản án 30 tháng tù giam mà Tòa án huyện Tuy An tuyên đối với bị cáo Yến là quá nghiêm khắc.
Cần thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên Sự vào cuộc kịp thời của Ban nội chính Tỉnh ủy Phú Yên góp phần đem lại niềm tin của người dân vào sự công minh, công bằng của pháp luật. Sau khi nghe các cơ quan tố tụng báo cáo, lãnh đạo tỉnh sẽ có hướng chỉ đạo để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, dù giải quyết theo hướng nào cũng phải tuân theo quy trình của tố tụng. Cụ thể là CQĐT vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra dưới sự kiểm sát chặt chẽ của VKS để thu thập chứng cứ, chứng minh sự thật khách quan của vụ án, làm rõ nguyên nhân thương tích của ông D.. + Nếu chị Yến là người đã gây thương tích cho ông D. thì CQĐT đình chỉ vụ án do người phạm tội đã chết. + Nếu vết thương của ông D. là do ông tự té ngã, ông có thể bị khởi tố về tội vu khống. + Nếu chị Yến không thực hiện hành vi phạm tội thì CQĐT phải áp dụng điểm 1 điều 107, điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự để đình chỉ điều tra. Trong trường hợp này, người đại diện hợp pháp của chị Yến có quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan thực hiện việc bồi thường thiệt hại vật chất, khôi phục danh dự cho chị Yến và gia đình theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước. Để đảm bảo khách quan trong quá trình điều tra, cần áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự để thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên đã tham gia trong vụ án chị Yến. Tùy theo tính chất và mức độ sai phạm của những người tiến hành tố tụng mà cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm và xử lý theo đúng quy định pháp luật. |
Không đáp ứng nguyện vọng chôn cất nạn nhân Ngày 10-10, chị Trần Thị Huyền Nga, em gái chị Trần Thị Hải Yến, cho biết gia đình rất bức xúc khi nguyện vọng được chôn cất chị Yến ở quê nhà không được cơ quan công an giải quyết. Chị Nga cho hay ngày 8-10, sau khi pháp y khám nghiệm thi thể chị Yến xong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, gia đình chị có nguyện vọng được đưa thi thể người chết về quê ở thôn Phước Lương (xã An Cư) để lo hậu sự. “Tuy nhiên, ông Trần Việt Cường - phó trưởng Công an huyện Tuy An - không đồng ý, nói với cha mẹ tôi là công an sẽ tẩn liệm, sau đó giao cho gia đình đưa về quê an táng. Ông Cường còn hướng dẫn mẹ tôi viết đơn xin cơ quan chức năng được nhận thi thể chị Yến về chôn cất. Lúc đó, người thân trong gia đình đã đào sẵn huyệt ở nghĩa trang thôn Phước Lương. Chiều 8-10, gia đình chúng tôi đang lo chuẩn bị tang ma thì được báo tin công an đã chở quan tài chị Yến đi chôn ở nghĩa trang Thọ Vức (TP Tuy Hòa), cách nhà chúng tôi hơn 30km. Khi cả gia đình tôi đến được nghĩa trang thì việc chôn cất chị đã xong” - chị Nga nghẹn ngào. Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa - người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên - cho biết việc chôn cất chị Trần Thị Hải Yến được thực hiện theo nghị định 89 ngày 7-11-1998 của Chính phủ về tạm giữ, tạm giam. “Các cơ quan pháp luật đã họp và thống nhất áp dụng nghị định này để an táng đối với trường hợp bị can Trần Thị Hải Yến. Đây là việc làm đúng quy định pháp luật” - ông Nghĩa nói. Theo luật sư Ngô Minh Tùng (Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên): “Có lẽ Công an tỉnh Phú Yên căn cứ khoản 1 điều 25 nghị định 89 có quy định: “...Trường hợp thân nhân người chết làm đơn đề nghị và có xác nhận của chính quyền địa phương thì có thể bàn giao thi hài đó cho họ” để không bàn giao thi thể chị Yến cho gia đình. Bởi lẽ cụm từ “thì có thể” được hiểu là có thể bàn giao hoặc có thể không bàn giao”. |
Theo Tuổi Trẻ