Vụ "kêu oan rồi chết trong trại giam": Cho nhận xác mới đúng đạo lý!

Thứ hai, 14/10/2013, 08:40
Từ vụ “Kêu oan rồi chết trong trại giam”, nhiều chuyên gia nhận xét quy định về việc chôn cất người bị tạm giam, tạm giữ chết trong trại giam chưa ổn, cần sửa đổi theo hướng phải giao xác cho thân nhân mới đúng đạo lý, phong tục…

Khoản 1 Điều 25 Nghị định 89-1998 của Chính phủ (ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam) quy định: Khi cơ quan điều tra và VKS thống nhất cho chôn cất thì trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại giam làm thủ tục khai tử với chính quyền cơ sở và tổ chức chôn cất. Trường hợp thân nhân người chết làm đơn đề nghị và có xác nhận của chính quyền địa phương thìcó thể bàn giao thi hài cho họ…

Quy định tùy nghi

Hai từ có thể đã làm quy định trên mang tính tùy nghi, tức trong trường hợp thân nhân người chết làm đơn xin nhận xác và có xác nhận của chính quyền địa phương thì cơ quan chức năng có thể chấp nhận hoặc có thể không.

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, khi sử dụng hai từ có thể trong quy định, có thể ý chí của nhà làm luật thời đó là muốn phòng ngừa khả năng thân nhân quá khích, gây khó khăn cho cơ quan chức năng sau khi nhận xác. Hoặc cũng có thể người xấu số mắc các bệnh truyền nhiễm, nếu đưa về cộng đồng thì sợ không bảo đảm vệ sinh an toàn cho người dân.

Cha mẹ chị Yến đau đớn trước cái chết của con. Ảnh: T.LỘC

“Tuy nhiên, cứng nhắc như vậy là không ổn vì nếu cơ quan chức năng giải thích rõ ràng, đầy đủ về nguyên nhân chết cũng như các vấn đề khác thì không gia đình nào lại không hợp tác. Vấn đề là mọi chuyện diễn ra bình thường hay khác thường, cách hành xử của cơ quan chức năng có hợp lý, minh bạch hay không mà thôi” - vị thẩm phán này nói.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét do quy định tùy nghi trong Nghị định 58 nên nếu thân nhân của người chết có đến, có xin đưa xác về mà cơ quan chức năng không cho và chủ động mai táng thì cũng không có gì sai.

“Đây là điều rất bất hợp lý. Nghĩa tử là nghĩa tận. Truyền thống của người Việt ta là tương thân tương ái. Việc cho phép thân nhân nhận xác không chỉ phù hợp với pháp luật mà còn đúng đạo đức, phong tục tập quán. Trong khi đó, quy định tùy nghi trong Nghị định 89 dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng hành xử tùy tiện. Cần phải sửa đổi quy định theo hướng trong trường hợp thân nhân người chết làm đơn đề nghị và có xác nhận của chính quyền địa phương thì cơ quan chức năng phải bàn giao thi hài cho họ (bỏ từ có thể)” - luật sư Đức đề xuất.

Đã lạc hậu, cần sửa đổi

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) thì cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 89 được ban hành từ năm 1998, đến nay đã lạc hậu, không theo kịp được xu thế mới, tình hình mới.

TS Hưng phân tích: Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) đã cho phép giao xác tử tù cho thân nhân. Điều này được cụ thể hóa bằng Thông tư số 39-2012 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 20-8-2012) cho phép thân nhân được phép nhận xác tử tù mang về nhà mai táng. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi ngay Nghị định 89 cho phù hợp với tinh thần chung của Luật Thi hành án hình sự.

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cũng so sánh: “Người mang án tử hình gây ra tội ác tày trời, sau khi bị thi hành án thì thân nhân được nhận xác. Vậy cớ gì người đang trong quá trình điều tra chưa biết có tội hay không lại không được? Vì lý do gì đó họ không may chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam thì có gì đâu mà phải làm khó chuyện giao xác cho gia đình?”.

Những hành xử bất thường

Ngày 8-10, Công an huyện Tuy An (Phú Yên) phát hiện chị Trần Thị Hải Yến - người bị truy tố về tội cố ý gây thương tích nhưng luôn kêu oan - đã dùng áo treo cổ tự tử trong nhà tạm giữ. Ngày 9-10, sau khi việc khám nghiệm tử thi sắp xong, công an huyện yêu cầu cha mẹ chị Yến làm đơn xin đưa thi thể về nhà mai táng.

Cha mẹ chị Yến đã làm đơn ngay lúc đó và theo họ trình bày là một phó Công an huyện Tuy An đã nhận đơn, bỏ vào túi. Phía công an huyện bảo chuẩn bị đưa thi thể về mai táng nên cha mẹ chị Yến vội vàng về trước lo hậu sự, chỉ để chị của chị Yến ở lại.

Sau đó, công an huyện bất ngờ chở thi hài chị Yến đến chôn tại nghĩa trang Thọ Vức (TP Tuy Hòa) mặc cho người chị la khóc, ngăn cản. Đến khi cha mẹ chị Yến hay tin chạy tới thì chị Yến đã được chôn xong. Sau đó, gia đình còn nhận giấy chứng tử mà phía công an khai báo ghi chị Yến chết trên đường chuyển bệnh nhân vào bệnh viện, nguyên nhân chết thì “chưa xác định”.

Bức xúc trước những hành xử bất thường của Công an huyện Tuy An, gia đình chị Yến đã làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan liên quan từ huyện đến tỉnh đều né lý giải về những việc làm bất thường trên.

Vì sao không rõ nguyên nhân chết?

Giấy báo tử mà Công an huyện Tuy An giao cho gia đình chị Yến ghi rằng chưa xác định được nguyên nhân chết cũng rất bất thường. Theo luật, nếu sau khi khám nghiệm tử thi mà chưa kết luận được nguyên nhân cái chết thì công an huyện không có quyền mang xác bị can đi an táng. Mặt khác, thông thường thì khám nghiệm tử thi sẽ xác định được chính xác nguyên nhân chết, không hiểu sao trong vụ này lại không xác định được.

Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

Nhiều dấu hỏi

Nếu không muốn cho người nhà nhận xác thì ngay từ đầu đừng hướng dẫn họ làm đơn, nhận đơn. Đã vậy, phía công an còn nói gia đình về lo hậu sự, sau đó lại vội vàng chở xác đi mai táng ở nơi khác mặc cho người nhà ngăn cản.

Bị “gạt” như thế, gia đình chị Yến bức xúc là điều dễ hiểu. Cách hành xử bất thường, mập mờ, không rõ ràng này không chỉ không phù hợp đạo lý mà còn đặt ra nhiều dấu hỏi liên quan đến cái chết của chị Yến. 

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
tỉnh Bình Thuận

Theo PLTP

Các tin cũ hơn