Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kho của Cty CP Hóa Dược Việt Nam ngày 17/6 |
Tràn lan vi phạm
Theo các báo cáo của Bộ Y tế và số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, đến nay đã có gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 10.000 sản phẩm TPCN. Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor từng đưa ra đánh giá: Việt Nam là 1 trong 3 thị trường TPCN có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như lời PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam giải thích, thế giới đang trong quá trình đô thị hóa nên xuất hiện nhiều nguy cơ gây bệnh. Khẩu phần ăn của người dân thiếu vi chất, chất khoáng nhưng lại có nhiều chất độc hại. “Đây gọi là cơn thủy triều dịch bệnh không lây”, ông Đáng nhận định. Theo vị này, cách phòng, chống là bổ sung thiếu hụt và tốt nhất dưới dạng ăn uống TPCN.
Ông Đáng cho biết thêm, khái niệm TPCN xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản rồi lan ra các nước Âu, Mỹ và bắt đầu vào Việt Nam từ cuối năm 1999. Mới đầu chỉ có vài ba công ty cung cấp sản phẩm, nay có đến gần 4.000 đơn vị (cao gấp đôi con số công bố của cơ quan quản lý) cung cấp hàng ngàn sản phẩm ra thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp dược cũng đã nhảy vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa theo kịp nên trên thị trường sản phẩm này được sản xuất và bày bán tràn lan. Làm cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường”, ông Đáng nhận định về thực trạng thị trường hiện nay.
Nhận định của TS Trần Đáng khá thực tiễn, bởi trong những cuộc kiểm tra gần đây của cơ quan quản lý liên ngành đều phát hiện sai phạm. Ngày 5/5, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra Cty CP Kingphar Việt Nam (Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện, tạm giữ hơn 2 nghìn hộp TPCN các loại.
Qua giám định chất lượng 6 mẫu có 3 mẫu không đạt theo tiêu chuẩn công bố, trải dài cho mọi lứa tuổi (Kingphar Baby cho trẻ em, True Lady Kingphar cho đối tượng trẻ và Viên xương khớp Kingphar cho người lớn tuổi). Thậm chí, trong 2 sản phẩm Kingphar Baby và True Lady Kingphar không phát hiện hoạt chất chính.
Cục An toàn thực phẩm ra thông báo về việc tạm dừng lưu thông, buộc thu hồi hàng hóa đối với 3 loại sản phẩm, tương đương 4.700 sản phẩm của đơn vị này. Ước tính tổng giá trị hàng hóa buộc thu hồi 600 triệu đồng. Cũng như Tiền Phong đưa tin, ngày 17/6, đội kiểm tra liên ngành đến làm việc với Cty CP Hóa Dược Việt Nam tại địa chỉ 192 Đức Giang, Long Biên, Hà Nội (1 trong 2 đơn vị sản xuất sản phẩm Kingphar Baby cho Cty CP Kingphar Việt Nam, đơn vị còn lại là Cty CP Y tế Dược Hải Dương).
Tháng 7/2014, Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo về đợt thanh tra chuyên ngành TPCN. Có gần một nửa trong tổng hơn 4.500 cơ sở sản xuất sản phẩm TPCN được kiểm tra vi phạm. Vi phạm chủ yếu liên quan đến quy định về sức khỏe, kiến thức, thực hành an toàn thực phẩm của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm (hơn 30%).
Theo ông Trần Đáng, đa số các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm TPCN đều theo mô hình bán hàng đa cấp. Nếu mô hình hoạt động vì mục tiêu bán sản phẩm tốt ra thị trường có thể xem đây là hình thức kinh doanh chân chính. Nhưng nếu chỉ vì mở rộng mạng lưới thì có thể nhận định kinh doanh như vậy là bất chính.
Cần siết chặt quản lý
Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 1 vạn giấy phép sản phẩm TPCN, nhưng chỉ có 5 lô hàng bị phát hiện vi phạm và đều bởi các lực lượng công an, hải quan, thị trường.
Khảo sát của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như lực lượng thị trường các địa phương, một số sản phẩm dù đã có quyết định bị dừng lưu thông, nhưng vẫn bày bán trôi nổi trên thị trường. Rõ ràng các khâu quản lý đối với sản phẩm TPCN cần phải được xem xét siết chặt hơn nữa.
Tại buổi hội thảo liên quan đến thực phẩm chức năng ngày 26/6/2015, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (ATTP -Bộ Y tế) xác nhận việc thị trường sản phẩm TPCN tăng trưởng nhanh. Hiện nay thị trường này đang từng bước được siết chặt.
Trung tá Giáp Thành Trung, Phòng cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) phản ánh có tình trạng doanh nghiệp xin được một bộ hồ sơ được kiểm nghiệm chất lượng đảm bảo (qua Cục ATTP), sau đó sản xuất hàng kém chất lượng (giá thành thấp) để bán ra thị trường. Ông Trung nói thêm, đơn vị gặp khó trong việc thực hiện giám định sản phẩm TPCN trong các lần kiểm tra. “Căn cứ khởi tố là sản phẩm có giả, kém chất lượng hay không đều do các cơ quan của Bộ Y tế quản lý”, ông Trung nói.
Ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Kiểm nghiệm ATTP (Bộ Y tế) cho biết, so với thuốc, hai dòng sản phẩm TPCN và mỹ phẩm rất dễ bị làm giả. Tuy nhiên, dường như công tác hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức. “Hồ sơ công bố sản phẩm TPCN còn chung chung. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không công bố phương pháp thử để chúng tôi có cơ sở xác định sản phẩm có đạt chất lượng hay không”, ông Đà nói.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Trần Hùng, liệu các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính, thay vì bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để quảng bá sản phẩm thì có thể chia sẻ với lực lượng chức năng vấn đề này. “Nên thành lập quỹ hỗ trợ công tác giám định để có đủ cơ sở xử lý, khởi tố, xét xử. Có như vậy, quyền lợi của doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm mới được đảm bảo”, ông Hùng kiến nghị.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ cơ quan chức năng kinh phí để tìm các “ổ” sản xuất hàng giả, hàng nhái sản phẩm của họ, nhưng họ không sẵn sàng công bố danh tính cũng như sản phẩm đó bị làm giả, làm nhái. “Các doanh nghiệp nói công bố sản phẩm bị làm giả, làm nhái sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”, ông Hùng chia sẻ tâm tư của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Đáng, đa số các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng đều theo mô hình bán hàng đa cấp. Nếu mô hình hoạt động vì mục tiêu bán sản phẩm tốt ra thị trường có thể xem đây là hình thức kinh doanh chân chính. Nhưng nếu chỉ vì mở rộng mạng lưới thì có thể nhận định kinh doanh như vậy là bất chính. |
Theo TiềnPhong