Hy Lạp vỡ nợ, EU từ chối cứu trợ

Thứ tư, 01/07/2015, 09:53
Hy Lạp không thể trả khoản vay 1,5 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD) đúng hạn vào ngày 30/6 và chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ theo tuyên bố của IMF sớm nay. Thủ tướng Đức tuyên bố chỉ nối lại đàm phán khi nào Hy Lạp hoàn thành nghĩa vụ trả nợ IMF.
09h20

Trao đổi với VnExpress, ông Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay Hy Lạp hiện là thành viên của liên minh châu Âu - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do đó, khi quốc gia này lâm vào khủng hoảng, thương mại và đầu tư của khu vực này với Việt Nam có thể bị tác động.

"Hy Lạp tuy là nền kinh tế nhỏ trong châu Âu nhưng là thành viên của khu vực đồng tiền chung trong khối. Khi nền kinh tế này vỡ nợ, chắc chắn châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, tác động lên nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam cũng như dòng vốn đầu tư vào trong nước", ông Khôi nói.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tin tưởng Việt Nam không chịu tác động nhiều, bởi với những kinh nghiệm về kiểm soát dòng vốn, ngăn ngừa lây nhiễm từ các cuộc khủng hoảng, sẽ không có một cú sốc nào xảy ra trên thị trường tài chính.

"Thị trường tài chính sẽ không có cú sốc lớn như cuộc khủng hoảng 2007 - 2008 ở Mỹ", ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông, tấm gương về Hy Lạp cũng là bài học lớn cho Việt Nam trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư.

"Quy trình thực hiện tự án từ khâu phê duyệt đến khi triển khai thì cần phải chặt chẽ hơn nữa. Hiện nay, những đánh giá về hiệu quả dự án mới chỉ mang tính định tính, cần có những đánh giá định lượng để có những nhận xét, giải pháp thực chất hơn", ông Khôi khuyến nghị.

8h48

Ngoài khoản vay vừa quá hạn với IMF, tháng 7 này, Hy Lạp sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ trái phiếu Chính phủ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Đầu tư châu ÂU (EIB) và chính IMF. Tổng số nợ đáo hạn là gần 7 tỷ euro, theo Wall Street Journal. Trừ khoản cứu trợ của IMF không lãi suất, các khoản khác có lãi vay dao động từ 2,3%-3,7% một năm.

8h28

Chủ Nhật này, người dân Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu có chấp thuận hay không các yêu cầu thắt chặt của nhóm chủ nợ. Dưới đây là các kịch bản có thể xảy ra trong cuộc trưng cầu dân ý này:

07h33

Sau thông báo của IMF, lãi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng nay đã giảm 0,02%. Trong khi đó, đồng euro vẫn đứng yên, một euro đổi 1.1133 USD sau khi mất 0,8% so với USD hôm qua. Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương mở cửa sáng nay vẫn ổn định, trong khi chứng khoán Nhật Bản liên tục trồi sụt.

Biểu đồ giá vàng giao ngay trên Kitco cho thấy tình hình rối ren tại Hy Lạp không khiến giá vàng tăng vọt như thường thấy trong các cuộc khủng hoảng.

Giá vàng trong phiên giao dịch cuối ngày ở châu Âu liên tục trồi sụt trong biên độ 1.170-1.180 USD mỗi ounce. Hiện chốt tại 1.173 USD mỗi ounce, tương đương 30,9 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí, gia công).

07h27

Từ thứ hai tuần này, Hy Lạp đã đóng cửa hệ thống ngân hàng, áp dụng cơ chế kiểm soát ngặt nghèo nhằm ngăn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước. Trong ngày thứ hai áp dụng biện pháp kiểm soát vốn, áp lực ngày càng đè nặng người dân Hy Lạp bởi họ chỉ được phép rút tiền với hạn mức tối thiểu là 60 euro (tương đương 67 USD) mỗi ngày.

Nghiệp đoàn các ngân hàng đang yêu cầu Chính phủ có giải pháp trong 3 ngày tiếp theo để đảm bảo các ngân hàng phải mở cửa phục vụ việc chi trả lương hưu.

Hàng dài người xếp hàng trước ATM ở Athens, khi chính phủ đã quyết định đóng cửa ngân hàng một tuần và chỉ cho phép mỗi cá nhân rút 60 euro mỗi ngày

Hiện các ngân hàng của Hy Lạp vẫn nghỉ theo lệnh đóng cửa một tuần được Chính phủ nước này đưa ra hôm thứ Hai. Tuy nhiên, hôm nay, khoảng 1.000 chi nhánh sẽ mở trở lại để người dân rút tiền lương hưu.

07h10

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố không có bất cứ cuộc thương lượng nào trước ngày 5/7 và chỉ nối lại đàm phán sau khi Hy Lạp hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với IMF.  5/7 là ngày Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi trưng cầu dân ý về việc tiếp tục cắt giảm chi tiêu ngân sách.

“Chúng tôi tuyệt đối không thương lượng bất cứ điều gì cho tới khi cuộc trưng cầu dân ý này được tổ chức”, bà Merkel nói với báo chí tại Berlin.

Từ thứ hai tuần này, Hy Lạp đã đóng cửa hệ thống ngân hàng, áp dụng cơ chế kiểm soát ngặt nghèo nhằm ngăn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước.

06h37

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - ông ​Dijsselbloem cho rằng bất kỳ gói cứu trợ thứ 3 nào châu Âu dành cho Hy Lạp cũng cần thời gian đàm phán. Và nếu không có chuyển biến lớn trong quan điểm của Chính phủ Hy Lạp, các vòng đàm phán mới có thể vẫn bế tắc như tuần trước.

Nguyên nhân là Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras vẫn thúc giục người dân nước này bỏ phiếu chống lại các yêu cầu thắt lưng buộc bụng mới nhất từ châu Âu và IMF trong đợt trưng cầu dân ý Chủ nhật này. Các lãnh đạo châu Âu cho rằng nếu người Hy Lạp bỏ phiếu “không”, điều này cũng đồng nghĩa Hy Lạp sẽ rời eurozone.

Người Hy Lạp biểu tình ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng hôm qua tại Athens.
06h22

Các bộ trưởng tài chính châu Âu đã thảo luận quyết định này trong một cuộc toạ đàm qua điện thoại và thống nhất sẽ mở một cuộc thảo luận khác trong hôm nay, khi Hy Lạp đưa ra các đề xuất cụ thể hơn.

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - Jeroen Dijsselbloem, người chủ trì cuộc họp, cho biết kế hoạch giải cứu, nếu có sẽ đòi hòi những điều kiện ngặt nghèo hơn với Hy Lạp, so với những gì nước này đã từ chối trước đây. "Đây chắc chắn không phải một con đường dễ dàng", vị này nhận xét khi trao đổi với biên tập viên Richard Quest của CNN.

05h48

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kết luận vỡ nợ. Với tuyên bố này, Hy Lạp mặc nhiên không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của quỹ cho tới khi thanh toán xong nghĩa vụ nợ cũ.

Chính phủ Hy Lạp đang nợ tổng cộng 323 tỷ euro, trong đó phần nợ cứu trợ IMF là 32 tỷ euro

"Tôi xác nhận là khoản vay 1,2 tỷ SDR (tương đương 1,5 tỷ euro) đã không được Hy Lạp thanh toán với IMF đúng hạn vào ngày 30/6. Ban Giám đốc Quỹ chính thức thông báo Hy Lạp rơi vào trạng thái nợ quá hạn và chỉ có thể được cung cấp tài chính trở lại một khi trạng thái nợ này được giải toả", ông Gerry Rice, Giám đốc Truyền thông IMF nhấn mạnh trong thông cáo phát đi cách đây ít phút.

"Tôi cũng xác nhận là trong ngày 30/6, IMF đã nhận được lời đề nghị của Hy Lạp về việc gia hạn nghĩa vụ trả nợ. Ban Giám đốc Quỹ sẽ xem xét điều này", ông Gerry Rice nói.

Tuyên bố của IMF được đưa ra nhiều giờ sau nỗ lực của Hy Lạp nhằm gia hạn khoản nợ và tìm kiếm cứu trợ khẩn cấp từ EU. Chính phủ Hy Lạp đề nghị EU cung cấp khoản cứu trợ thời hạn hai năm với tổng giá trị được cho là khoảng 29 tỷ euro (tương đương 32 tỷ USD). Theo CNN, nếu được chấp thuận, đây sẽ là khoản cứu trợ thứ 3 của EU dành cho Hy Lạp trong vòng 6 năm qua.

Hiện có 188 thành viên, IMF có vai trò giám sát hệ thống tài chính toàn cầu và hỗ trợ, giúp đỡ tài chính cho các thành viên khi có yêu cầu.

Theo VNE

Các tin cũ hơn