Tổng thống Putin đã có những phản ứng mạnh mẽ sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi. Ảnh: Sputnik |
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ngày 24/11 vừa qua được ví như một hệ quả tất yếu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc là Mỹ và Nga đối với quốc gia này, cũng như những khác biệt của các bên liên quan trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông, theo Europe 1.
Theo ông Bruno Tertraits, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện nay là di sản của những đế chế từng xung đột với nhau trong suốt hơn ba thế kỷ để tranh giành Biển Đen và vùng Caucasus.
Nga hiểu rất rõ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành của một mặt trận chống Nga do Mỹ và phương Tây đang xúc tiến tại châu Âu sau cuộc chiến chớp nhoáng tại Gruzia năm 2008, và những năm gần đây, giữa hai nước đôi khi vẫn hình thành mối quan hệ liên minh, dù không chắc chắn và đầy thực dụng, chuyên gia này cho hay.
"Hiểu rõ một Thổ Nhĩ Kỳ nghèo nàn về năng lượng luôn phải coi Nga là nhà cung cấp chính, Kremlin đã sử dụng triệt để ưu thế này như một hành động tăng cường ảnh hưởng và lôi kéo thành viên này của NATO với mục tiêu ít nhất là không thể hiện lập trường chống Nga", ông Tertraits nhận định.
Một "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã hình thành từ những năm đầu của thế kỉ 21 với những hợp tác kinh tế quy mô, trong đó có một đường ống dẫn dầu dưới biển được xây dựng năm 2003. Đến năm 2014, Nga trở thành đối tác xuất khẩu số một của Thổ Nhĩ Kỳ.
Du lịch cũng là lĩnh vực gắn kết hai nước, khi du khách Nga chiếm số lượng lớn nhất trong thị phần du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2013 đến nay.
Ngoài ra, hai nước cũng có nhiều dự án đáng chú ý khác như kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ của Rosatom, với trị giá lên tới 20 tỷ USD, cũng như đàm phán xây dựng đường ống dẫn dầu mới để đưa dầu của Nga tới châu Âu mà không cần đi qua Ukraine.
"Kỷ nguyên vàng" này về thực tế đã chấm dứt khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria với mục đích bảo vệ chế độ của Tổng thống Basha al-Assad, người mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ bằng mọi giá.
Dù không trực tiếp lên tiếng chỉ trích Nga nhưng trong giai đoạn đầu chiến dịch không kích của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ luôn tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của Mỹ và phương Tây cho rằng Nga chủ yếu ném bom vào các lực lượng nổi dậy "ôn hòa" và chỉ làm cho tình hình Syria thêm xấu.
Toan tính của Mỹ
Ông Didier Billion, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp đánh giá rằng tuy là một thành viên của NATO nhưng thời gian gần đây Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị Mỹ và các nước phương Tây nghi kỵ vì có quan hệ kinh tế và năng lượng thân thiết với Nga.
"Chính vì những nghi ngờ này, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã bị rạn nứt vào năm 2003, vào thời điểm 'kỷ nguyên vàng' giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập", ông Billion nhận định.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama. |
Đầu tháng 3/2003, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp tấn công Iraq. Sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq rơi vào hỗn loạn, cả khu vực trở nên bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến giới chức nước này thường xuyên phản đối chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông.
Tháng 10/2007, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết coi việc giết hại hàng trăm ngàn người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I là "diệt chủng".
Đến đầu năm 2011, cuộc nội chiến ở Syria bùng phát đã trở thành cơ hội không thể tốt hơn để Mỹ tranh giành vị thế của Nga và thiết lập lại ảnh hưởng của mình tại quốc gia này.
Theo ông Yves Boyer, phó giám đốc quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris, hiểu rõ tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực Trung Đông, Mỹ đã tận dụng triệt để cuộc chiến tại Syria để kéo Thổ Nhĩ Kỳ về đúng quỹ đạo của một đồng minh NATO thực sự.
Theo một báo cáo của Reuters năm 2012, được sự hỗ trợ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một căn cứ quân sự bí mật cùng với các đồng minh Arab Saudi và Qatar để viện trợ quân sự và liên lạc trực tiếp với các phiến quân nổi dậy Syria từ một thành phố gần biên giới hai nước.
Giới phân tích nhận định các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã thực sự ủy nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở bàn cờ Trung Đông, với trọng điểm là chiến trường Syria.
"Người Thổ Nhĩ Kỳ đang thao túng tình hình tại Syria dưới sự chỉ đạo của Mỹ trong kế hoạch nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Mong muốn tạo một vùng đệm hay hành lang an toàn tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là điều bí mật kể từ năm 2012, khi cuộc chiến Syria mới bùng nổ", ông Boyer khẳng định
Đến tháng 6/2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngầm vạch ra một vùng đệm sâu 8km bên trong lãnh thổ Syria sau khi tên lửa phòng không Syria bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép không quân coi các mục tiêu đi vào phạm vi vùng đệm là "kẻ địch".
Sai lầm chiến lược
Theo chuyên gia Tertraits, tuy Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò tuyến đầu trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, trên thực tế hai nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng về quan điểm trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và không thể đạt được mối quan hệ liên minh hoàn hảo.
Gần đây, giới chức Mỹ thường xuyên đặt câu hỏi về quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong mục tiêu tiêu diệt IS, khi những mối quan hệ làm ăn mờ ám của nước này với phiến quân dần bị vạch trần.
Mỹ công khai thể hiện quan điểm trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ khi liên tục hỗ trợ lực lượng người Kurd tại Syria, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi lực lượng này là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái làm hòa với Nga nhằm phản đối quyết định của Mỹ. Thế nhưng, Nga cũng bất chấp những lời cảnh báo từ Thổ Nhĩ Kỳ, liên tục tiến hành các đợt không kích vào lực lượng phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn ở gần biên giới Syria.
"Hoàn cảnh này đẩy Tổng thống Erdogan vào trạng thái 'bị bỏ rơi', và quyết định bắn hạ máy bay Nga được coi như một lời cảnh báo của người bị đẩy vào đường cùng muốn thể hiện vai trò và tiếng nói của mình", chuyên gia Tertraits phát biểu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định này của Tổng thống Erdogan là một sai lầm chiến lược, và có vẻ như người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả tai hại của việc không giữ được thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc.
Với việc bắn hạ máy bay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đẩy mình vào thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể thách thức thêm quyền lực của Nga, đồng thời có nguy cơ đánh mất thêm những lợi ích mà nước này vẫn ra sức bảo vệ. Với lý do bảo vệ chiến đấu cơ Nga, Tổng thống Putin đã ra lệnh điều hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 tới Syria, khiến giấc mơ về một vùng đệm ở biên giới của Ankara hoàn toàn phá sản.
Mỹ và NATO cũng không lên tiếng ủng hộ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn hợp tác sâu rộng hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS. Nhiều chuyên gia và học giả Mỹ còn lên án hành động bị coi là "khiêu khích" này của Thổ Nhĩ Kỳ, có ý kiến còn kêu gọi loại nước này ra khỏi NATO, theo RT.
"Ankara đã tính toán nước cờ sai lầm nghiêm trọng và sẽ phải trả giá đắt cho hành động phiêu lưu giữa hai cường quốc trong thời gian qua", bà Dubovikova, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga về Trung Đông, nhấn mạnh.
Theo VNE