Hàng Việt thua ngay trên “sân nhà”
Không khí họp chợ những ngày cuối năm rộn ràng và tấp nập. Một tấm bạt với đủ các loại đồ gia dụng từ gói tăm, đũa ăn, đôi dép cho đến ấm nước, xoong nồi, quạt điện…, đều được bày bán tại một góc chợ dân sinh khu vực Hà Đông, Hà Nội.
Phóng viên hỏi mua một bình hoa thủy tinh có màu sắc rất bắt mắt. Sau khi mặc cả, mức giá đưa ra là 50 nghìn đồng/cái, trong khi giá bán sản phẩm của một số thương hiệu niêm yết trong siêu thị gấp tới 6 đến 10 lần. Khi được hỏi, “bán hàng sản xuất từ Trung Quốc này có ai mua không?”, chị H.- chủ sạp hàng lập tức phân tích: “Nếu không ai mua thì em nhập mấy chục triệu tiền hàng bày ra đây làm gì?”.
Xét về mẫu mã, rất khó để nói những sản phẩm được bày bán vỉa hè này thua kém các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam bày bán trong siêu thị, cửa hàng lớn. |
Không hề tiếp cận với những số liệu thống kê, song người phụ nữ này quả quyết: “Tới 99,9% hàng hóa người Việt mình dùng là hàng Trung Quốc, thực phẩm người ta còn mua ăn huống hồ là hàng gia dụng! Chị xem đôi dép này (đưa 1 đôi dép đi trong nhà ra dẫn chứng): hàng Trung Quốc thì có đế bám còn hàng Việt mình làm ‘dốt’ lắm, chả có đế bám gì cả, đi dễ ngã thì ai mua!”.
Chị này còn nói thêm: “Nếu như hàng Việt mình mà rẻ và đẹp được như hàng của họ thì em nhập về bán ngay. Nhưng một sản phẩm của Việt Nam giá đắt bằng tới 4 - 5 sản phẩm của Trung Quốc, mà khách thì người ta chỉ có nhu cầu mua mới về dùng 1 năm rồi thanh lý, thế nên khó bán vô cùng!”.
Đặt vấn đề này với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: “Liệu có phải hàng hóa Việt Nam đang thua ngay chính trên sân nhà hay không?”, ông Trinh nói: “Việt Nam đã tự thua từ lâu rồi!”.
Ông Trinh cũng cho biết thêm, trong nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc thì hơn 90% là cho sản xuất, không lúc nào vượt quá 10% cho tiêu dùng cuối cùng. Vấn đề lớn nhất ở đây không phải nằm ở hành tỏi mà là nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị.
Nói nôm na, một chiếc áo người tiêu dùng mặc có thể đề “made in Vietnam” nhưng nguyên liệu để tạo nên chiếc áo đấy vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Số liệu chính thức của Hải quan cho thấy, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã phải nhập tới gần 4,77 tỉ USD vải các loại; hơn 1,6 tỉ USD nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; 6 triệu USD bông các loại, 558 triệu USD xơ, sợi dệt các loại…
Chuyên gia Bùi Trinh đánh giá, Việt Nam về cơ bản vẫn là một đất nước gia công. “Nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc thì sẽ nhập từ đâu? Dứt khoát phải nhập từ nước khác nếu muốn sản xuất vì bản thân Việt Nam không tự sản xuất được nguyên vật liệu. Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc do giá thành rẻ, hơn nữa với vị trí địa lý gần nên phí vận tải rẻ hơn”, vị chuyên gia phân tích. Thế nên, đứng trên phương diện kinh tế, “nhập khẩu từ Trung Quốc đâu có xấu!”, ông Trinh nhận xét.
Không cạnh tranh nổi, lỗi có hoàn toàn do doanh nghiệp?
Một số ý kiến cho rằng, việc sản phẩm Việt không thể sản xuất được nguyên phụ liệu và không cạnh tranh được về giá cả lẫn mẫu mã so với hàng Trung Quốc là do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt yếu kém. Năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì có tới 97-98% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ. Ông Lộc so sánh doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bước vào hội nhập giống như “đội thuyền thúng” đi ra biển.
Ngay cả nhãn mác cũng được nhà sản xuất Trung Quốc thiết kế cầu kỳ, bắt mắt |
Tuy vậy, ông Bùi Trinh đánh giá, ngoài năng lực thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu sự hỗ trợ từ môi trường chính sách. Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều loại thuế phí cả chính thức lẫn phi chính thức.
Trong khi giá xăng dầu giảm chưa bám được tốc độ giảm của giá thế giới thì phí cầu đường tăng mạnh. Doanh nghiệp mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra thì làm ăn sao nổi. Thêm vào đó nạn tham nhũng vặt vẫn diễn ra phổ biến, “hành” doanh nghiệp…Các yếu tố này khiến sản phẩm doanh nghiệp Việt làm ra khó có thể cạnh tranh được về giá với sản phẩm các nước nói chung và với Trung Quốc nói riêng.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Minh Phong, để tăng lượng xuất khẩu sang Việt Nam, phía Trung Quốc thường áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà xuất khẩu của nước này về tài chính, hải quan, quản lý biên mậu, khuyến mại, ứng hàng cho thương nhân nhập khẩu, thanh toán bù trừ, hoán đổi tiền tệ để khuyến khích, hỗ trợ cạnh tranh, tạo lợi thế hơn hẳn các quy định của Việt Nam. Việc sử dụng nhân dân tệ với các dịch vụ đổi tiền tự phát ở biên giới cũng kích thích nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc…
Hồi giữa năm 2015, dư luận xôn xao về con số chênh lệch thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa được phía Việt Nam và Trung Quốc công bố là quá lớn, lên tới 20 tỉ USD. Người ta đặt câu hỏi: “20 tỉ USD này đã đi đâu?”. Ông Bùi Trinh cho hay, 20 tỉ USD này được phân bổ tới mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế Việt Nam, từ nguyên liệu để doanh nghiệp sản xuất cho đến hành tỏi, giày dép…người tiêu dùng mua.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong vấn đề này có những khuất tất nhất định, bởi phía Trung Quốc thống kê được mà phía Việt Nam lại không thống kê được. Bên cạnh các lý do không đáng kể như việc nhập khẩu các container “rác thải”, hàng hóa vô chủ; vận chuyển hàng thông qua cư dân biên giới thì tình trạng thẩm lậu còn do trách nhiệm của cơ quan hải quan. Rõ ràng, một “con voi lớn” 20 tỉ USD rất khó để “chui lọt lỗ kim” cửa khẩu, vậy nhưng điều đó vẫn xảy ra là không bình thường!
Khi 20 tỉ USD mà phần lớn là hàng lậu, trốn thuế được “tuồn” vào thị trường nội địa của Việt Nam thì điều dễ hiểu là các sản phẩm Việt khó có cơ hội thắng thế - nếu chỉ xét về phương diện giá.
Theo Dân Trí