Từ sự cố Formosa xả thải làm cá chết: Có biệt đãi khi xả thải?

Thứ ba, 05/07/2016, 09:58
So với quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp, một số ngành công nghiệp, trong đó có ngành thép được thải ra môi trường hàm lượng xyanua (một trong hai độc tố gây ra sự cố cá chết ở miền Trung) cao gấp 5 lần.
Hệ thống xử lý nước thải tại Formosa.

Formosa được phép xả 9,6 tấn xyanua, phenol một năm

Trong khi phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam phải xả thải đáp ứng các QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp thì ngành sản xuất thép và một số ngành khác ở Việt Nam như dệt nhuộm, giấy và bột giấy, chế biến thủy sản, cao su thiên nhiên… có quy chuẩn quốc gia riêng về xả thải. Với ngành thép, việc xả thải được quy định theo QCVN 52: 2013/BTNMT về nước thải công nghiệp ngành sản xuất thép.

Theo quy chuẩn này, ngành thép phải quan trắc 12 thông số kỹ thuật trước khi thải ra môi trường (Quy chuẩn 40 áp dụng chung cho nước thải công nghiệp là 33 thông số). Phần lớn giới hạn cho phép các chỉ tiêu (như COD, BOD, tổng nitơ, thủy ngân, crom…) của ngành thép bằng với các ngành công nghiệp khác áp dụng theo QCVN 40. Tuy nhiên, riêng tổng chỉ tiêu xyanua lại khác biệt.

Trong khi QCVN 40 quy định giới hạn hàm lượng xyanua thải ra môi trường là 0,1mg/lít thì ngành thép được phép xả thải 0,5mg/lít. Riêng với trường hợp của Formosa, do môi trường tiếp nhận xả thải là biển (có khả năng hòa loãng nhanh) nên được phép xả thải là 0,585mg/lít (theo giấy phép xả thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Formosa).

Các nhà khoa học ước tính, với công suất xả thải 45.000m3 một ngày đêm, và với hàm lượng cho phép là 0,585mg/lít, mỗi năm Công ty Formosa được phép xả thải ra môi trường số lượng xyanua là 9,6 tấn. Tương tự, với phenol (độc tố còn lại gây ra sự cố cá chết hàng loạt), với giới hạn cho phép xả là 0,585mg/lít, Formosa cũng được phép xả thải ra môi trường 9,6 tấn phenol một năm.

TS Nguyễn Khắc Kinh cho rằng, cần xem xét lại tất cả các quy chuẩn ngành đã ban hành chứ không chỉ riêng ngành thép và chỉ ban hành quy chuẩn ngành kèm quy hoạch nhà máy chứ không thể ban hành quy chuẩn ngành rồi nhà máy đặt ở đâu cũng được.

Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh QCVN 40 được áp dụng cho hầu hết các ngành sản xuất thì một số ngành được áp dụng QCVN riêng biệt.  Với các quy chuẩn này, một số chỉ tiêu kỹ thuật được phép cao hơn so với quy chuẩn chung.  Nói cách khác, các ngành này được xả thải lỏng lẻo hơn so với quy chuẩn chung ở một số chỉ tiêu đặc thù.

TS Kinh cho biết, thời kỳ ông làm Trưởng ban tiêu chuẩn KHCNMT của Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường, ông kiên quyết phản đối việc ban hành quy chuẩn ngành.

“Trong trường hợp áp dụng quy chuẩn ngành thì phải đi cùng quy hoạch, tức là tôi cho phép anh xả thải cao hơn một số doanh nghiệp khác nhưng anh phải theo quy hoạch, chọn những nơi có sức chịu tải môi trường cao để xả thải. Còn ban hành quy chuẩn ngành mà không có quy hoạch thì không được. Thông lệ quốc tế cũng cho phép ban hành quy chuẩn ngành nhưng phải đi kèm với các điều kiện, ví dụ như quy hoạch”, TS Kinh nói.

Ông cho biết thêm, các quy chuẩn ngành được ban hành nhưng lại không có quy hoạch là một sự ưu ái, dẫn đến hệ quả ở cùng một vùng, nhà máy này được xả thải theo một quy chuẩn, nhà máy kia một quy chuẩn, dẫn đến bất bình đẳng.

Hơn nữa, quy định khi làm báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải tiến hành đánh giá sức chịu thải môi trường của khu vực tiếp nhận nguồn thải.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay gần như chưa đánh giá được sức chịu tải môi trường (do thiếu số liệu qua các thời kỳ, thiếu nhân lực, phương tiện) nên không biết được sự chịu tải của khu vực tiếp nhận (như sông, biển) là bao nhiêu. Vì vậy, thả lỏng quy chuẩn xả thải là rất nguy hiểm.

Theo GS Trần Hiếu Nhuệ, chuyên gia hàng đầu về xử lý nước thải, cơ quan quản lý  cho phép một số ngành có quy chuẩn riêng dựa theo đặc thù sản xuất, năng lực về kinh tế để xử lý nước thải.

Một số ngành nhiều nước thải, nếu áp theo quy chuẩn chung thì kinh phí xử lý sẽ cao lên nên được nới lỏng một chút.  Việc nới lỏng này dựa trên quan điểm về mặt kinh tế, nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, cũng có thể hiểu là ưu tiên sự thuận lợi cho doanh nghiệp hơn là đảm bảo an toàn cho môi trường.

Cần giám sát chặt chẽ quá trình xả thải của Formosa

Nguyên nhân cá chết ở bốn tỉnh Bắc Trung bộ được các nhà khoa học xác định là do một lượng lớn phenol, xyanua thải ra từ quá trình luyện cốc của Công ty Formosa kết hợp với phức hợp sắt dạng keo thải ra từ quá trình súc rửa, thụ động hóa bề mặt kim loại của nhà máy.

Theo PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, nước thải của quá trình luyện cốc đặc biệt độc hại. Quá trình luyện cốc của Formosa sử dụng công nghệ dập ướt. Nước thải của quá trình này cực độc, cụ thể đo tại hệ thống xử lý nước thải sinh hóa của nhà máy luyện cốc thì hàm lượng phenol dao động từ 600-1.500mg/lít (quy chuẩn là 0,585mg/lít), xyanua là 50-70mg/lít (quy chuẩn là 0,585mg/lít).

Hiện nay, quá trình luyện cốc của Formosa mới thải ra lưu lượng nước thải 960m3/ngày đêm, trong khi đó, công suất của nhà máy lên tới 7.000m3/ngày đêm. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm đến  nguồn nước thải rất độc hại này.

Theo GS Trần Hiếu Nhuệ, sau sự cố môi trường biển miền Trung, cơ quan chức năng cần đánh giá khả năng chịu tải của môi trường, xem năng lực tiếp nhận xyanua, phenol của môi trường là bao nhiêu. Trên cơ sở đó xem xét lại giới hạn cho phép xả thải ra môi trường, cần phải ngặt nghèo hơn trước.

Công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm vụ cá chết

Hôm qua, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh, ông Võ Tá Đinh cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đến làm việc với ông và tiếp cận một số hồ sơ liên quan để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc để Formosa xả thải gây sự cố môi trường vừa qua.

Một cán bộ Cục Thuế Hà Tĩnh  thông tin, sáng cùng ngày, Công an Hà Tĩnh cũng tiếp cận lấy các số liệu liên quan đến hoạt động thuế của Cty Formosa Hà Tĩnh. Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quan điểm của tỉnh sẽ xử lý nghiêm theo quy định về trách nhiệm tập thể, cá nhân của các sở, ngành liên quan đến việc giám sát, quản lý việc xả thải của Formosa. Tỉnh Hà Tĩnh đang giao Công an tỉnh này làm rõ những vấn đề nêu trên.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích