Ngôi làng ung thư cạnh thủ phủ của Formosa ở Đài Loan

Thứ ba, 05/07/2016, 11:35
Thôn Đài Tây, sát khu công nghiệp Lục Khinh của Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất và có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan.

Thôn Đài Tây, xã Đại Thành thuộc huyện Vân Lâm, gần xưởng Lục Khinh của Formosa nhất trong toàn huyện này. Dân số thường trú của thôn là khoảng 462 người, đa số là người già và cháu chắt của họ. Thôn Đài Tây đối diện với 398 miệng ống khói của xưởng Lục Khinh bên cạnh sông Trạc Thủy, cách xưởng này chỉ 6km.

Hàng năm khi gió Nam mùa hè nổi lên, người dân thôn Đài Tây lại phải hứng chịu không khí ô nhiễm từ phía khu Lục Khinh. Phóng viên ảnh Chung Thánh Hùng của Mạng Tin tức Công cộng Đài Loan (Pnn.pts.org.tw) đã thực hiện bộ ảnh phản ánh chân thực hiện trạng tại "thủ phủ của Formosa".

Hầu hết người dân ở thôn Đài Tây xuống biển bắt lươn giống vào mùa đông. Theo lời các ngư dân cao tuổi, trước đây sau khi đêm xuống, cửa sông Trạc Thủy náo nhiệt như chợ đêm. Dân làng chen nhau xuống biển bắt lươn giống để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, cửa sông Trạc Thủy không còn ai bắt lươn nữa vì lươn giống đang dần biến mất với tốc độ chóng mặt. Tác giả Chung Thánh Hùng đặt tên bộ ảnh là "Nam Phong" bởi ở Đài Tây mùa hè thịnh gió Nam. Chính cơn gió mát lành hàng năm giờ lại trở thành nguồn đưa không khí ô nhiễm từ phía khu công nghiệp của Formosa vào làng quê nhỏ bé.

Ông Ngụy Văn Khảo là người bắt lươn nổi tiếng ở thôn Đài Tây. Theo ông Ngụy, trước đây xuống biển chỉ lo bắt đươc nhiều quá không mang về hết, nhưng bây giờ về nhà tay không là chuyện thường. “Tổ tiên xưa nói, sống ven biển vừa có ruộng trồng vừa có biển, không sợ không có cái ăn. Bây giờ Lục Khinh đến thì chả còn gì nữa.” Ông Ngụy cho rằng, xưởng Lục Khinh không chỉ làm cho lươn giống biến mất nhanh chóng, mà ngay cả sự đa dạng sinh thái ở cửa sông cũng phải đối diện với nguy cơ lớn.

Đài Tây là thôn trang ở sát cửa sông Trạc Thủy đổ ra biển nhất của huyện Chương Hóa. Dân làng nhớ lại, trước kia cửa biển có rất nhiều cá đối, cá ngừ, hiện tại đã giảm đáng kể. Vùng cửa sông Trạc Thủy có nhiều ngư dân Vân Lâm, Chương Hóa dựa vào việc bắt lươn giống để kiếm sống, nhưng sau khi xưởng Lục Khinh đưa vào sản xuất, loại hải sản này cũng giảm đi nhanh chóng.

Ông Hứa Vạn Thuận được coi là “người nông dân thông minh nhất thôn Đài Tây”, là một nông dân rất biết tận dụng kỹ thuật để khắc phục những bất lợi do thời tiết, môi trường, liên tục làm ra lượng nông sản lớn. Tuy nhiên, ngay cả ông cũng phải đối mặt với mối nguy thu hoạch hàng năm ngày một giảm, và sản lượng hiện tại chỉ bằng một nửa so với trước đây. Ngoài việc nông sản giảm, ông Hứa cũng lo lắng sức khỏe của mình bị ảnh hưởng, vì gia tộc của ông gần đây đã có không ít người qua đời do ung thư. Ông phẫn nộ nói: “Cứ tiếp tục như thế này, 20 năm nữa là thôn này tuyệt diệt!”

Trước đây, thôn Đài Tây trồng lượng lớn dưa hấu 610. Sau khi xưởng Lục Khinh hoạt động, dưa hấu ở đây đến mùa hè tự dưng bị “loạn giống”, chỉ ra hoa không ra quả. Dưa hấu 610 đã biến mất hoàn toàn, chỉ còn lưu lại trên tường nhà cũ và trong ký ức của các dân làng cao tuổi.

Trường tiểu học Đỉnh Trang nằm giữa hai thôn Đài Tây và Đỉnh Trang, hiện có khoảng 85 học sinh, mỗi lớp chừng hơn 10 người. Theo quan sát của giáo viên phòng y tế của trường, mỗi lớp đều có khoảng 3-5 em bị viêm mũi dị ứng. Một số em học sinh thì giống như “trong miệng luôn có cục đờm không ho ra được”, mùa thu và mùa đông cũng thường bị cảm mạo, tỉ lệ đau mắt đỏ khá cao. Đầu năm 2012, Formosa cho lắp trạm quan trắc không khí trên nóc các lớp học, nhưng số liệu quan trắc đến nay không được công khai.

Bà Hồng Quế Hương, 83 tuổi, qua đời năm 2012 vì ung thư bàng quang, nhiễm độc niệu quản, nhiễm khuẩn máu và suy hô hấp. Người của công ty tổ chức đám tang cho biết, những năm gần đây, nguyên nhân lớn khiến người cao tuổi xã Đại Thành qua đời đều là ung thư, trong đó chủ yếu ung thư phổi. Theo thống kê của Sở Y tế năm 2011, xã Đại Thành huyện Chương Hóa, sát khu công nghiệp Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất, cũng là nơi có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan.

Bà Thái Thái Phượng, 78 tuổi, bị phù thũng khắp tay, hậu quả của việc chạy thận hơn 10 năm. 8 năm trước, ông Tô Vĩ chồng bà (bằng tuổi) mắc ung thư phổi và qua đời năm 2011. “Người ông ấy cắm đầy ống cho đến lúc chết”, bà Thái buồn bã nói.

Bà Ngụy Lâm Tinh năm nay 74 tuổi. 3 năm trước, lá phổi trái của bà mọc 1 khối u to 6 cm. Khi đó, bà mới biết mình bị ung thư phổi. Ban đầu, bác sĩ khuyên không nên phẫu thuật, vì lo thể lực của bà không chịu nổi. Tuy nhiên, bà Ngụy quyết tâm chiến đấu với khối u và đã thuyết phục bác sĩ mổ. Hiện trên người bà có một vết sẹo dài 15 cm, dấu vết của căn bệnh bà từng chịu đựng.

Ông Hứa Trợ mất năm 2010 do ung thư phổi, thọ 63 tuổi, để lại một người con trai tàn tật 40 tuổi, và bà Vương Mỹ Ngọc vợ ông, năm nay 68 tuổi, sống nhờ việc đào khoai. Bà Vương không lưu lại bất cứ di vật nào của chồng, ngay cả di ảnh cũng bị đốt hết. "Đồ ông ý đã từng dùng đến đều không giữ lại, tiền cũng không có, chỉ có căn nhà vô giá trị này”, bà nói.

11 năm trước, ông Khang Vũ Hùng mất vì ung thư gan. 7 năm sau, người em Khang Thanh Vạn, cả đời không ưa uống rượu, cũng có số phận tương tự. Hai người khi mất mới 57 và 54 tuổi. Chị dâu năm ngoái mất vì tai nạn, ngôi nhà giờ chỉ còn người em dâu Hứa Tú Vân, 56 tuổi, sống một mình. Ôm di ảnh chồng trong tay và ảnh anh trai chồng đặt ở đằng xa, bà Tú Vân nghẹn ngào kể lại câu chuyện gia đình mình.

Bà Trần Kim Phụng năm nay 61 tuổi. Ông Hứa Thế Hiền, chồng bà, không hút thuốc uống rượu, không ăn trầu, đột nhiên mắc ung thư vòm họng vào năm 2006. Cả nhà chạy chữa khắp nơi nhưng không có cải thiện. Tháng 11/2011, ông bị chuyển sang ung thư phổi và qua đời, hưởng dương 59 tuổi. Ông Hứa không để lại được gì cho vợ ngoài căn nhà rách nát chưa trả hết nợ, cộng thêm các khoản vay nợ để chữa bệnh cho ông mấy năm trước. Bà Phụng cho biết, không giải thích rõ được nhưng bà thực sự cảm thấy nghi hoặc về căn bệnh của chồng mình.          

Mấy ngày trước đám tang của bà Hồng Quế Hương, người già trong thôn ngồi vẫn chơi bài ở linh đường của bà. Ông Hứa Diệc Đạt, chồng bà, cũng biểu hiện hết sức bình thường. Đối với một thôn làng chỉ còn lại toàn người già cả ốm yếu, và cái chết đến thường xuyên như thôn Đài Tây, đây có lẽ là cách tiễn đưa tốt nhất.

Vòng hoa tang tại lễ viếng bà Tăng Ngọc Lệ ở thôn Đài Tây. Đầu năm 2013, bà Tăng ho liên tục suốt hơn 1 tháng. Bà đến bệnh viện kiểm tra và biết mình bị ung thư phổi, dù không hề hút thuốc. Tháng 4 năm đó, bà Tăng qua đời ở tuổi 59. Trường hợp giống bà Tăng có thể tìm thấy khắp thôn Đài Tây. Riêng tháng 4/2013, trong số 462 nhân khẩu thường trú tại đây, 4 người mắc ung thư. Ngoài bà Tăng, còn 1 người bị ung thư tụy qua đời và 2 người khác bị ung thư phổi phải nằm viện để hóa trị.

Theo Zing

Các tin cũ hơn