TS Võ Sĩ Tuấn: Biển cả mênh mông, ông hút cái gì

Thứ ba, 05/07/2016, 10:02
TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học đã lên tiếng xung quanh sự cố Formosa thải độc gây chết cá hàng loạt ở miền Trung và ý kiến để làm sạch đáy biển phải hút hết trầm tích.
TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học.

“Để phục hồi sinh cảnh biển ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phục hồi tự nhiên, cần thực hiện các biện pháp phục hồi nhân tạo, chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt”, TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, nói.

Viện Hải dương học có tham gia Hội đồng quốc gia tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Sinh cảnh biển ở vùng này có bị thiệt hại nhiều không, thưa ông?

Vùng này có rạn san hô ở một số nơi, như ở Sơn Dương, Đảo Yến, Cồn Cỏ, chân đèo Hải Vân đến đảo Sơn Chà (Huế)… Các rạn san hô này quy mô nhỏ, không có tính chất quyết định đến hệ sinh thái biển như các rạn san hô ở Nam Trung bộ, nhưng cũng có vai trò quan trọng cho sự lưu trú, phát triển của các loài thủy sinh.

San hô ở đảo Cồn Cỏ không hề bị ảnh hưởng, san hô ở Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Bình) bị hủy hoại một ít, vùng Sơn Dương bị nặng hơn. Tuy nhiên, không chỉ các rạn san hô bị ảnh hưởng do sự cố vừa rồi, cần phải quan tâm đến một hệ rất quan trọng trong sinh cảnh biển, trong phát triển nguồn lợi thủy sản, đó là hệ đầm phá. Vừa rồi, thiệt hại nhiều nhất là cá, các nhóm sinh vật biển khác cũng bị ảnh hưởng, nhưng không lớn.

Ông đã có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu, phục hồi rạn san hô. Theo ông, cần làm gì để phục hồi rạn san hô ở vùng biển 4 tỉnh kể trên?

Thứ nhất, phải hỗ trợ việc phục hồi tự nhiên. Vừa rồi cá bố mẹ bị chết nhiều. Nhưng rất may là ở biển, cá ở các vùng khác nó sinh sản, rồi ấu thể có thể di chuyển đến đây, đến các rạn san hô, các đầm phá, các cửa sông rồi phát triển. Tức là có nguồn bổ sung từ các thủy vực khác.

Nhiệm vụ của con người là làm thế nào thuận lợi nhất cho quá trình tái sinh tự nhiên. Phải chấm dứt tình trạng khai thác bằng các biện pháp hủy diệt, vốn khá phổ biến ở các tỉnh này. Phải giữ gìn được sinh cảnh, không chỉ rạn san hô, mà cả các hệ đầm phá, các vùng cửa sông. Đừng hủy hoại các thảm rong biển, cỏ biển.

Thứ hai, phục hồi nhân tạo rạn san hô và nguồn lợi trong rạn san hô. Có thể làm rạn nhân tạo, để thu hút nguồn lợi thủy sản về. Có những nước, họ đánh đắm cả con tàu, để làm chỗ cho cá đến trú ngụ, hoặc làm những kết cấu bằng bê tông, bỏ xuống biển. Ở Khánh Hòa, chúng tôi có làm ở bãi Thủy Triều, đầm Nha Phu.

Đồng thời với rạn san hô nhân tạo, có thể đưa nguồn giống bố mẹ các sinh vật về, để tái tạo, bổ sung trong rạn san hô. Đi liền đó là quản lý, bảo vệ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm không vui. Sau hai năm tái tạo, phục hồi san hô, kết quả rất tốt, cá đến rất nhiều. Nhưng một năm sau quay lại không còn gì cả, bị ngư dân đánh mìn tan hết.

Một việc cần làm nữa là giảm xả thải ra biển. Không chỉ ông Formosa xả ra đâu, nhiều ông thải lắm. Từ 4 - 5 năm trước, phân tích số liệu quan trắc nhiều năm của Tổng cục Môi trường, của 4 tỉnh, chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu suy thoái môi trường. Có nghĩa, sự số Formosa là sự cố cấp tính, còn mãn tính là chúng ta đang càng ngày càng làm suy thoái môi trường. Suy thoái môi trường thì làm sao nguồn lợi phát triển được.

Có người nói, để làm sạch đáy biển phải hút hết trầm tích?

Tôi xin lỗi, ai nói như thế không phải nhà khoa học. Biển cả mênh mông, ông hút ở đâu, ông hút bao nhiêu, ông hút cái gì, hút lên tất cả những thứ ở đáy biển à? Nếu ông hút thì ông phải tìm được chỗ chất độc tích tụ, chứ đâu phải chỗ nào cũng có đâu. Phải hút cả toàn bộ mấy trăm cây số dọc bờ biển à? Hút rồi đổ đi đâu, hay là ông lại mang ra chỗ khác ở biển để đổ? Mà hút như thế, làm xáo trộn cả tầng đáy, chắc chắn ảnh hưởng lớn đến rạn san hô, nguy hại lắm.

Nhưng nếu cứ để các chất phenol, xyanua ở đáy biển, nó sẽ gây nguy hại lâu dài?

Nó phải phát tán chứ, phải phân hủy chứ. Nó phát tán thì cá mới nhiễm độc, mới chết, không phát tán thì làm sao có chuyện cá chết. Tức là, sẽ có quá trình gọi là biển tự làm sạch, nhanh hay chậm tùy theo chất độc hại.

Cảm ơn ông

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn