Ngày 11/8, trên trang cá nhân, họa sĩ thiết kế Trương Huyền Đức chia sẻ sự bất ngờ khi phát hiện một bức ảnh do anh làm từ kỹ xảo photoshop xuất hiện trong sách tư liệu của nhiếp ảnh gia Tam Thái. Cuốn này mang tên 150 năm hình bóng Sài Gòn, NXB Trẻ ấn hành vào đầu năm nay.
Trong sách, bức ảnh bị tố ghép photoshop được đánh số 515, miêu tả cảnh nhiều người văng tứ tung từ cầu thang trên nóc một tòa nhà khi chen chúc lên trực thăng di tản khỏi Sài Gòn.
Bức ảnh chế từ photoshop được đánh số 515 trong cuốn "150 năm hình bóng Sài Gòn". |
Anh Đức kể, năm 2010, anh làm lại bức hình từ tác phẩm gốc của nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hubert Van Es. Trong sách, bức của Hubert Van Es được đánh số 514. Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng của tác giả người Hà Lan lưu lại khoảnh khắc lịch sử khi máy bay Mỹ đón người di tản khỏi Sài Gòn vào ngày 29/4/1975. Nếu như bức ảnh gốc cho thấy dòng người xếp hàng trật tự trên chiếc cầu thang, ảnh chế cho thấy sự hỗn loạn.
Họa sĩ Trương Huyền Đức khẳng định anh làm bức ảnh nhằm mục đích duy nhất là đùa vui, chỉ lưu truyền trên mạng, trong nội bộ nhóm bạn cùng là họa sĩ thiết kế. Vì thế, anh không thể tin được bức ảnh lại lọt vào một tập sách tư liệu về Sài Gòn, thậm chí còn kèm theo dòng chú thích là: "Nhưng khi quá đầy, cái cầu thang dã chiến bị đạp văng ra... Năm 1990 phóng viên này (tức Hubert van Es) có dịp trở lại Việt Nam, ông kể: vẫn không thể nào quên giây phút ấy".
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hubert Van Es được in trong sách của tác giả Tam Thái |
Trước đó, trên trang cá nhân của độc giả tên Đoàn Khuyên cũng chia sẻ sự ngỡ ngàng khi phát hiện bức đánh số 515 trong sách của Tam Thái là ảnh chế. Chủ nhân facebook tin chắc bức hình đã bị chỉnh sửa. Độc giả phân tích hình ảnh những người bị văng ra khỏi cầu thang khá phi lý về trọng lực, màu nền quanh hình người bị văng ra khác biệt với màu nền trời. "Sự cắt ghép thô và đầy lỗi", độc giả Đoàn Khuyên nhận định.
Ngoài ra, độc giả cho rằng địa điểm chụp bức ảnh thời đó là ở tòa nhà nằm trên đường số 22 Gia Long, Sài Gòn (tức 22 Lý Tự Trọng bây giờ), chứ không phải ở đường Thống Nhất như sách chú thích.
Điều mọi người thắc mắc là vì sao bức ảnh giả lại lọt qua khâu biên tập của nhà xuất bản để xuất hiện trong cuốn sách tư liệu.
Bìa sách "150 năm hình bóng Sài Gòn". |
Sau khi nhận thông tin, trưa 11/8, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ - đã ra quyết định ngừng phát hành quyển sách 150 năm hình bóng Sài Gòn để làm rõ. Nhà xuất bản cũng thông báo đến các đơn vị đã phát hành quyển sách thu lại ấn phẩm nhằm tiến hành kiểm tra, xác minh. Cuốn sách ảnh tư liệu này ra mắt độc giả vào đầu năm nay với số lượng khoảng 1.000 cuốn.
Trao đổi với PV, nhiếp ảnh gia Tam Thái buồn bã chia sẻ ông chỉ vừa được biết về vụ việc.
"Bức ảnh đó được tôi lấy về từ mạng Internet. Tôi tin đó là ảnh thật vì thấy góc độ chụp, nội dung của nó rất phù hợp với bối cảnh miêu tả ở ảnh của Hubert van Es. Khi đưa vào sách, tôi đặt hai bức ảnh này cạnh nhau để làm nên một câu chuyện liền mạch. Dòng chú thích dưới ảnh do tôi viết ra theo cảm nghĩ và từ một phần trong bài phỏng vấn Hubert Van Es khi ông quay lại Sài Gòn do tôi đọc được trên mạng", nhiếp ảnh gia giải thích.
Cuốn sách của Tam Thái có hơn 900 bức ảnh tư liệu về Sài Gòn. Phần lớn hình ảnh do chính ông sáng tác. Phần còn lại, chủ yếu nằm ởchương tư liệu về chiến tranh, được ông sưu tầm từ nhiều nguồn, trong đó nhiều nhất là từ mạng Internet.
Hiện tại, tác giả tìm hiểu lại bức ảnh bị phát hiện là giả, rà soát hết ấn phẩm để có lời giải trình với Nhà xuất bản Trẻ.
"Khi có kết luận đây là sai sót, tôi rất xin lỗi độc giả vì sự cố đáng tiếc này.Tôi làm cuốn sách bị lỗ vốn, mất rất nhiều công sức. Tôi xác định làm sách không phải vì tiền, cũng chẳng phải vì danh tiếng mà vì tình yêu của tôi dành cho mảnh đất Sài Gòn. Ngay từ đầu sách tôi cũng bày tỏ sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp, phản hồi từ độc giả để hoàn thiện ấn phẩm của mình", nhiếp ảnh gia Tam Thái nói.
Theo VNE