“Họ nghĩ rằng họ đã đánh bại chúng tôi nhưng họ sai” – bà Rousseff nói. “Tôi biết tất cả chúng ta sẽ chiến đấu. Câu chuyện sẽ không kết thúc như vậy. Chúng tôi sẽ trở lại để tiếp tục cuộc hành trình hướng tới một Brazil trong đó nhân dân làm chủ”.
Bị miễn nhiệm vì cáo buộc vi phạm luật ngân sách, nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil phủ nhận tất cả hành vi sai trái, thề kháng án lên tòa án tối cao để bác bỏ cái gọi là một cuộc đảo chính chính trị nhằm lật đổ bà.
Nhưng đối với các nhà phê bình, việc bà Rousseff quản lý nền kinh tế yếu kém đã dẫn tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ trở lại đây ở Brazil.
Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. |
Mặc dù tội danh bà mắc phải nhẹ hơn so với các cáo buộc tham nhũng mà nhiều thành viên của Quốc hội đang bị tố song mức độ tín nhiệm chỉ một con số khiến chính phủ của bà không thể đứng vững. Trong đó, bê bối tại công ty dầu khí nhà nước Petrobras làm xói mòn uy tín của cựu Tổng thống Brazil một cách nặng nề.
Tính cách kiên cường làm nên con người của Rousseff. Nữ chính trị gia 68 tuổi từng bị bỏ tù và tra tấn vào đầu những năm 1970 khi Brazil dưới thời độc tài quân sự. Tuy nhiên, kiên cường tới mức cứng rắn dường như cũng là gốc rễ sự tụt dốc của bà.
“Bà ấy không có khả năng chịu đựng tốt trước những bất đồng chính kiến, cũng hiếm khi thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán” – một đồng sự của bà Rousseff nhận xét.
Sau khi cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva rời khỏi văn phòng, bà Rousseff ra tranh cử và giành chiến thắng dễ dàng. Đó là vào thời điểm năm 2010. Xuất khẩu đậu nành, quặng sắt và dầu của Brazil tăng vọt.
Ông Lula mãn nhiệm với tỉ lệ ủng hộ 83%. Những tưởng điều này sẽ giúp bà Rousseff thuận lợi trên con đường làm chính trị nhưng bà lại thiếu kỹ năng đàm phán của người tiền nhiệm (cũng là người đỡ đầu). Điều đó trở thành một lỗ hổng chết người trong nền chính trị vốn lộn xộn của Brazil.
Trong năm đầu tiên bà Rousseff ở văn phòng, tăng trưởng kinh tế của Brazil giảm một nửa xuống còn 3,9%. Giá cả hàng hóa sụt giảm và người tiêu dùng chìm trong nợ nần bắt đầu kiềm chế chi tiêu.
Đến năm 2012, tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 1,9%. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để phục hồi tăng trưởng, bà Rousseff quyết định từ bỏ các nguyên tắc kinh tế như lạm phát mục tiêu và cân bằng ngân sách, đồng thời bỏ qua yêu cầu cải cách thuế, lao động và lương hưu của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Để kiềm chế lạm phát, bà đóng băng giá nhiên liệu và cho các công ty điện giảm thuế để giữ mức lãi suất thấp. Những chính sách này vừa đủ để bà Rousseff tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2014. Nhưng sau đó, nền kinh tế Brazil trượt dốc tự do. Đỉnh điểm là cáo buộc tham nhũng tại Petrobras khiến chính phủ của bà chao đảo, dẫn đến việc bà bị đình chỉ chức vụ hồi tháng 5 và phải đối mặt với phiên luận tội vừa qua.
Nhiều người Brazil hy vọng việc bà Rousseff ra đi sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang gây cản trở cho cuộc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, với những người ủng hộ đảng Công nhân cánh tả của bà Rousseff, họ lo ngại chính phủ mới sẽ khiến tăng trưởng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng xã hội.
Theo NLĐ