Xe thiết giáp tấn công đổ bộ AAV7 (Ảnh: RT) |
Theo RT, trong số các trang thiết bị quân sự công nghệ cao mà Nhật Bản mong muốn sở hữu có 11 xe thiết giáp tấn công đổ bộ AAV7 do tập đoàn BAE Systems của Anh chế tạo. Động thái này của Tokyo được cho là nhằm đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có nhiều hành động quyết liệt trong việc khẳng định chủ quyền ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang nỗ lực thuyết phục chính phủ nước này thông qua gói ngân sách trị giá gần 100 tỷ yen (khoảng 965 triệu USD) để mua các máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 giống hạm đội máy bay của quân đội Hoàng gia Anh cùng với một loạt máy bay chiến đấu tối tân khác như Osprey V-22 hay trực thăng Chinook.
Ngoài ra, trong chương trình hiện đại hóa quân sự sắp tới, Tokyo dự kiến sẽ mua thêm các tàu ngầm mới và một biến thể của máy bay không người lái với chức năng trinh sát Global Hawk, đây cũng đều là những thiết bị quân sự đang được Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh sở hữu và vận hành.
Mối quan hệ giữa quân đội Nhật Bản và Anh cũng được thắt chặt hơn trong thời gian qua khi London ngày càng dành nhiều sự quan tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mới đây, các binh sĩ thuộc Thủy quân lục chiến Anh đã cùng phối hợp tập luyện với các binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản theo hiệp ước quân sự giữa Washington và Tokyo.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đệ trình ngân sách kỷ lục 5,17 nghìn tỷ yen (51 tỷ USD) cho năm tài khóa 2017, tăng 2,3% so với năm tài khóa 2016. Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là mức ngân sách cao nhất từ trước tới nay và tăng năm thứ 5 liên tiếp dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, người đã kết thúc một thập niên cắt giảm ngân sách quốc phòng kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2012.
Theo RT, không chỉ mong muốn tăng cường khả năng phòng thủ cũng như cải thiện năng lực tác chiến ở khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Nhật Bản còn tìm cách đẩy mạnh vai trò của mình ở một vùng biển “nóng” khác trong khu vực là Biển Đông.
Tuy không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng Nhật Bản là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền tại đây. Do vậy, việc Tokyo quyết định hiện đại hóa lực lượng quân đội được cho là nhằm kiềm chế sự bành trướng Trung Quốc tại vùng biển quốc tế này.
Theo Dân Trí