Tổng thống Philippines Duterte. |
"Việc ông Duterte muốn tăng hợp tác chính sách với Việt Nam về tình hình Biển Đông là điều dễ hiểu, cả hai nước đều bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở đây. Việc giữ Bắc Kinh không quân sự hoá bãi cạn Scarborough sẽ mang lại lợi ích cho cả Manila và Hà Nội", Giáo sư Sheldon Simon, chuyên gia chính trị tại Đại học bang Arizona, Mỹ, đánh giá trong email gửi PV.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 7/9 công bố các hình ảnh tàu Trung Quốc đi vào Scarborough, khẳng định các tàu này có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để xây đảo nhân tạo. Bắc Kinh sau đó lên tiếng xác nhận điều các tàu hải cảnh đến Scarborough để "tuần tra thực thi pháp luật" nhưng phủ nhận ý định xây dựng bãi cạn. Scarborough là khu vực đánh cá truyền thống của Philippines, là điểm nóng tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc chiếm giữ hồi 2012.
Giáo sư Simon cho rằng, Trung Quốc đang lên kế hoạch kiểm soát cái gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" ở Biển Đông, mà điểm kết thúc phía Đông có thể là bãi Scarborough. Nếu Bắc Kinh xây căn cứ quân sự ở đó, toàn bộ vùng Biển Đông có thể bị chi phối.
Toà Trọng tài của Liên Hợp Quốc hồi giữa tháng 7 đã bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này ảnh hưởng đặc biệt đến chủ quyền của cả Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.
Tiến sĩ Greg Raymond, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng hai bên chắc chắn sẽ chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về việc làm sao đàm phán với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Toà Trọng tài công bố phán quyết. Do đó, Manila và Hà Nội có thể không tuyên bố công khai về hợp tác, vì giống như các nước ASEAN khác, hai bên đang chờ đợi xem Bắc Kinh sẽ làm gì. Thực tế là Trung Quốc mới thông báo bác bỏ phán quyết của toà, chưa có động thái gây hấn đáng kể nào ở Biển Đông và bày tỏ thiện chí sẽ hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trong vòng một năm.
Cảnh báo về khả năng Tổng thống Philippines hướng tới quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, ông Prashanth Parameswaran, chuyên gia tại Đại học Tufts, Mỹ, cho biết ông Duterte sẽ không thể hiện sự cứng rắn về tranh chấp Biển Đông so với người tiền nhiệm Benigno Aquino.
"Tôi cho rằng ông Duterte và các lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận về quyết tâm duy trì các nguyên tắc chung như tự do hàng hải, hàng không và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình hơn là đi vào các vấn đề hợp tác cụ thể. Ông Duterte sẽ tránh 'gây hấn' trước khi thăm Trung Quốc vào tháng tới", ông Parameswaran nói.
Tuy nhiên Giáo sư Simon cho hay đến nay chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines chưa rõ ràng và thay đổi liên tục. Chỉ riêng trong tuần trước, sau khi tuyên bố Mỹ là đối tác an ninh chính của Philippines, ông Duterte lại cho rằng không muốn hợp tác an ninh với Mỹ nữa, muốn "lập liên minh với Nga và Trung Quốc". Nếu Tổng thống Philippines thực sự muốn chấm dứt hợp tác này, ông sẽ huỷ Thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington, nhưng đến nay ông Duterte không có động thái nào thể hiện điều đó.
Dưới góc nhìn tác động chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines với ASEAN, chuyên gia Parameswaran nhấn mạnh Manila sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN trong năm sau, do đó Philippines cần thể hiện dấu hiệu để các nước thành viên Hiệp hội và cả các nước liên quan ngoài khu vực thấy Manila củng cố sự đoàn kết của ASEAN, kể cả khi Philippines có các thảo luận song phương với Trung Quốc.
"Với tư cách là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Biển Đông, Việt Nam và Philipines cần tiếp tục thúc đẩy quan điểm chung của ASEAN về tranh chấp. Nếu Manila và Hà Nội không thực hiện điều đó, một số thành viên của khối dưới áp lực của Trung Quốc sẽ gây chia rẽ hơn về vấn đề này. Điều đó cũng khiến Bắc Kinh không lo ngại về uy tín của nước lớn nữa, tăng cường các hành động hung hăng ở khu vực", ông Parameswaran nói.
Vị trí "chuỗi đảo thứ nhất" và "chuỗi đảo thứ hai". Đồ họa: BBC. |
Theo VNE