Nga sẽ không để VKS thiếu nhiên liệu
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov vừa ra tuyên bố đáp trả cáo buộc của Liên minh châu Âu về việc Nga vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria.
Trước đó, hãng Reuters loan tin rằng, hai tàu chở dầu của Nga Yaz và Mukhalatka cung cấp nhiên liệu cho máy bay của VKS Nga tại Syria đã vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, bởi vì chúng đã vào các cảng của Síp và Hy Lạp.
Những nguồn tin của hãng thông tấn trong các cơ cấu quyền lực của EU cho biết rằng, chỉ trong vòng hai tuần hồi tháng 10, hai tàu chở dầu của Nga đã giao đến Syria 20.000 tấn nhiên liệu hàng không.
Vị tướng Nga khẳng định, trước hết, Nga không phải là thành viên của EU nên “những âm mưu, những hạn chế trói buộc, những lệnh trừng phạt đang có hiệu lực trong nội bộ EU đối với việc cung cấp nhiên liệu cho Syria không liên quan đến Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.
Thứ 2 là các tàu chở dầu của Nga cũng không vi phạm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU chống Syria, bởi vì tàu cung cấp nhiên liệu cho VKS Nga, để họ sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, chứ không phải là để cung cấp cho chính quyền Damascus.
Thứ 3, Yaz và Mukhalatka là hai tàu chở dầu dân dụng, mà theo Công ước thương mại hàng hải quốc tế, không thể cấm tàu dân dụng di chuyển và cập cảng của các quốc gia nước ngoài, bất kể đó là 2 quốc gia NATO là Sip và Hy Lạp hay là các nước khác.
Nga khẳng định không để lực lượng quân sự ở Syria thiếu nhiên liệu |
Hiện nay, Nga đang duy trì số lượng vài chục chiếc máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang ở căn cứ quân sự Hmeymim và một phi đội tiêm kích hạm MiG-29K, Su-33, cùng các trực thăng tấn công Ka-52K, Ka-27, Ka-31 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Để duy trì hoạt động cho lực lượng không quân của VKS và biên đội tàu sân bay của hạm đội Biển Bắc cùng nhóm chiến hạm của Hạm đội Biển Đen và Baltic ở Địa Trung Hải, hàng ngày Nga cần một số lượng rất lớn xăng máy bay và các loại dầu máy khác.
Tướng Konashenkov nhấn mạnh rằng, Liên bang Nga là một trong những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, vì vậy, Moscow sẽ không bao giờ để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu cho đội máy bay của VKS, đặc biệt là trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở Syria.
Sip, Hy Lạp: Nga không làm gì sai trái
Bình luận về bài báo đề cập đến quan điểm của Liên minh châu Âu về vấn đề tàu Nga vào cảng của mình và đảo Sip, một nguồn tin ngoại giao từ Athens (thủ đô của Hy Lạp) cũng khẳng định rằng, không một ai có thể cấm Nga cung ứng cho quân đội của mình.
Nguồn tin từ giới chức ngoại giao Hy Lạp giải thích rằng, vấn đề tối quan trọng là bất kỳ biện pháp trừng phạt nào không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều là bất hợp pháp và không có hiệu lực pháp lý, trong khi đó, các biện pháp trừng phạt (đối với Syria) đã không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận”.
Hoạt động tiếp liệu cho máy bay ở căn cứ không quân Hmeymim |
Hơn nữa, bài báo nói về các biện pháp trừng phạt của EU đối với Syria, còn tàu chở dầu của Nga chỉ cung cấp nhiên liệu cho nhu cầu của VKS, vì vậy chẳng có ai vi phạm lệnh cấm vận và trừng phạt nào cả, bởi không ai có thể cấm Nga cung ứng cho quân đội của mình.
Chính phủ Síp cũng cho biết, họ không hề thấy việc cho tàu Nga vào cảng có mối liên hệ nào với lệnh trừng phạt của EU, đồng thời hoan nghênh bất kỳ thông tin nào cung cấp chứng cứ để họ nhận thấy, điều này đã vi phạm các biện pháp hạn chế mà EU áp đặt đối với Syria.
Hồi tháng trước, một sự việc có tính chất tương tự xảy ra đối với Nga là việc các nước NATO đã ép hai quốc gia thành viên là Tây Ban Nha và Malta không cho các tàu trong biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga vào các cảng của mình tiếp liệu.
Biên đội tàu của Hạm đội Biển Bắc (Phương Bắc) do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu cùng với tuần dương hạm Peter Đại Đế cũng 2 tàu khu trục chống ngầm và 4 tàu khác hồi cuối tháng 10 đã tới Địa Trung Hải tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Thoạt đầu, Nga định “lách luật” bằng cách để các tàu bổ trợ và tàu hậu cần (không phải tàu chiến) cập cảng Cueta của Tây Ban Nha tiếp liệu, nhưng sau đó, để tránh làm khó cho 2 quốc gia này, Nga đã rút lại yêu cầu nhập cảnh vào Tây Ban Nha đối với các chiến hạm của mình.
Sau khi vượt eo biển Gibralta, nhóm tàu của Hạm đội Biển Bắc đã bỏ qua các cảng của các quốc gia NATO và hành trình vào sâu trong Địa Trung Hải, tiếp dầu từ các tàu chở dầu đi kèm trong biên đội và sau đó Nga đã điều thêm 2 tàu dầu (dân sự) chở nhiên liệu đến Syria.
Theo Báo Đất Việt