|
Hai ông Donald Trump và Vladimir Putin. |
"Đó là sự cân bằng sức mạnh mà Kremlin đang nắm trong tay", hãng tin News của Australia dẫn lời bình luận của Tiến sĩ Igor.
"Những gì Kremlin đang làm hiện nay là thể hiện ý chí của họ mạnh mẽ hơn ý chí của phương Tây. Tất cả những chiến thuật như cảnh báo, triển khai là cách thức rèn luyện ý chí đó. Nó có mục đích chứng tỏ Nga sẽ mạnh hơn, không thể ngăn cản".
Hôm 21/11, Tổng thống Putin thông báo sẽ triển khai các tên lửa tới Kaliningrad sau khi tỏ ra lo ngại về việc NATO quyết định tăng cường lực lượng ở các nước châu Âu. "Vì vậy, chúng tôi phải có các biện pháp đối phó", ông nói.
Trước đó, vào hồi tháng 10, Nga cũng đã đặt các tên lửa hành trình ở cùng khu vực. Kaliningrad - một dải đất nhỏ bé nằm giữa Ba Lan và Lithuania - là cảng biển chính của Nga ở Baltic.
Phía NATO mô tả hành động của Nga là "gây hấn" và khẳng định nó "không giúp ích cho việc hạ nhiệt căng thẳng" giữa hai bên. Liên minh quân sự này nhấn mạnh bản chất phòng thủ của mình và kêu gọi một sự minh bạch nhằm "tránh để xảy ra các vụ việc và nguy cơ hiểu nhầm".
Theo Tiến sĩ Sutyagin, bản thân việc triển khai trên không làm thay đổi nhiều một lập trường quân sự vì Nga cần phải thay thế các tên lửa đã lỗi thời đặt ở đây từ những năm 1970. Tuy nhiên, thời điểm triển khai có thể hiểu là một thông điệp phát đi trong lúc trật tự chính trị ở Mỹ đang thay đổi.
"Đó là một thông điệp - rằng chúng tôi mạnh mẽ và các bạn cần phải coi trọng chúng tôi.... nhằm tạo ra một thế mặc cả nào đó với chính quyền mới của Mỹ", Tiến sĩ Sutyagin nhận định.
Hiện chưa rõ quan điểm của Tổng thống đắc cử Donald Trump về NATO nhưng khi còn vận động tranh cử, ông thường ám chỉ liên minh quân sự này là "lỗi thời và cực kỳ tốn kém". Ông cũng tỏ tín hiệu sẽ hợp tác với Tổng thống Nga Putin.
Theo Vietnamnet