Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (phải) ký thoả thuận với Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh ngày 23/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc "vẫn còn tâm lý Chiến tranh Lạnh" và thoả thuận trên "sẽ tăng cường đối kháng và đối đầu trên bán đảo Triều Tiên".
Ông Cảnh Sảng nói: "Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên rất nhạy cảm và phức tạp. Các nước liên quan nên tôn trọng mối quan ngại về an ninh của các nước khác trong khu vực khi thực hiện những hợp tác quân sự, thay vì chọn hướng ngược lại".
Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 23/11 đã ký kết một thỏa thuận song phương cho phép hai nước cùng chia sẻ các thông tin tình báo quân sự.
Với thoả thuận được ký kết, Tokyo và Seoul sẽ chia sẻ thông tin tình báo về an ninh khu vực, đặc biệt liên quan tới quá trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hiện Triều Tiên đã sẵn sàng thử hạt nhân thêm lần nữa và có thể phóng tên lửa vào bất cứ lúc nào.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ: "Từ bây giờ, chúng ta có thể sử dụng năng lực tình báo của Nhật Bản để giải quyết hiệu quả các mối đe doạ ngày càng gia tăng từ vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, qua đó tăng cường bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thoả thuận sẽ giúp chính phủ hai nước "chia sẻ thông tin suôn sẻ và thuận lợi hơn".
Trước đây, theo thoả thuận được ký năm 2014, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng quan hệ đồng minh với Mỹ như trung gian khi chia sẻ thông tin tình báo quân sự về Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đánh giá thoả thuận mới sẽ là "sự hỗ trợ lớn" trong quá trình phân tích các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cũng như giúp nước này thu thập thêm thông tin về các loại tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm của Bình Nhưỡng.
Cũng phản đối như Trung Quốc, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích thoả thuận mới được ký giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, gọi đây là "hành động nguy hiểm" sẽ là gia tăng hơn nữa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và mở cửa để cho Nhật Bản "tái chiếm" bán đảo này.
Từ góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư Stephan Nagy tại Đại học International Christian ở Nhật Bản cho rằng động thái mới nhất của Tokyo được triển khai nhằm chuẩn bị cho chính sách mà Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump từng tuyên bố rằng các đồng minh của Washington không nên quá phụ thuộc vào nước này.
Theo Dân Trí