Có nên xây bãi đậu xe trên sông, kênh, rạch trong nội đô?

Thứ bảy, 01/04/2017, 19:27
Ông Mai Trọng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lá Xanh, vừa “hiến kế” cho chính quyền thành phố Hà Nội xây dựng các bãi đậu xe nổi liên hoàn trên hệ thống sông, kênh, rạch nhằm giải bài toán thiếu bãi đậu xe trầm trọng ở khu vực nội đô.

Năm 2009, ý tưởng xây bãi đậu xe trên kênh rạch đã từng được đề xuất thực hiện trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Biến sông thành cống hộp...

Trong thư gửi lãnh đạo Hà Nội, ông Tuấn đề xuất quy hoạch hai khu vực xây dựng các bãi đậu xe nổi liên hoàn có sức chứa từ 20.000-30.000 xe hơi cá nhân.

Cụ thể, khu vực thứ nhất bao gồm sông Tô Lịch (từ hồ Linh Đàm tới đường Hoàng Quốc Việt), sông Lũ (từ đường Nghiêm Xuân Yêm đến hồ Nam Đồng), sông Sét và mương Kim Ngưu (từ hồ Yên Sở tới khu vực quận Hai Bà Trưng).

Theo ông Tuấn, ba con sông và một con mương nói trên chạy từ phía Nam sang phía Tây Hà Nội (tổng chiều dài đi qua các quận trung tâm khoảng 60km) và hiện đã có các con đường song song hai bên bờ nên có thể xây dựng các bãi đậu xe bắc ngang dòng (thuận lợi cho xe ra - vào).

Tính toán của ông Tuấn cho thấy: chiều rộng của các con sông trung bình 25m, nếu xây bãi đậu xe rộng khoảng 18-20m, cao 20m (6-9 tầng) thì có thể mỗi bãi đậu chứa được tối thiểu 120 xe. Và, nếu cứ cách từ 500-1.000m xây một bãi đậu xe thì trên các con sông này có thể xây dựng được 120 bãi đậu xe với tổng sức chứa tối thiểu là 14.400 xe hơi cá nhân (trong khi các bãi đậu xe chỉ chiếm một phần sáu diện tích mặt kênh và không cản trở dòng chảy).

Khu vực thứ hai, theo đề xuất, là bãi giữa sông Hồng (phía Bắc trung tâm Hà Nội). Theo ông Tuấn, hoàn toàn có thể lấy bãi giữa sông Hồng để làm một hệ thống bãi đậu xe với nhiều loại, nhiều kiểu (hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật), nhiều tầng... như những công trình kiến trúc thẩm mỹ, “cạnh tranh” với những nhà cao tầng ở hai bên bờ sông; cùng với đó là các dịch vụ sửa chữa xe, rửa xe, cửa hàng ăn uống, vui chơi giải trí, chỗ nghỉ ngơi cho lái xe...

Ông Tuấn nhận định: nếu tận dụng bãi giữa sông Hồng làm bãi đậu xe thông minh thì có thể nói đủ chỗ đậu xe cho Hà Nội. Tuy nhiên, ở đây chỉ cần phục vụ cho nhu cầu của các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (khoảng hơn 10.000 chỗ đậu xe). “Nếu có quy hoạch và thiết kế tổng thể, chắc chắn đó sẽ là một điểm nhấn cho khách du lịch - từ cầu Long Biên, từ con đường gốm sứ tới một khu phố mới có tên là khu phố xe”, ông Tuấn nói.

Cần có một cái nhìn bao quát nhằm tránh trường hợp giải quyết một vấn đề (chỗ đậu xe) mà đẻ ra nhiều vấn đề khác (môi trường, cảnh quan...).

Ông Tuấn phân tích cái lợi của đề xuất này là các bãi đậu xe không chiếm diện tích đất của các quận trung tâm, nơi đất vàng, hoặc các quận không có đất; giải phóng được một số khu đất hai bên bờ kênh lâu nay các địa phương chiếm dụng cho thuê chỗ đỗ xe; không ảnh hưởng đến dòng chảy cho nhu cầu thoát nước và bốc hơi nước; làm sạch đẹp cho hai bên bờ sông, mương; giải phóng cho mặt đường lưu thông xe...

“Hai khu vực nói trên chắc chắn Nhà nước không cần phải đền bù, giải tỏa, không cần phải mở đường từ khu vực trung tâm đến... Chỉ cần hai yếu tố ấy, đã có thể rất hấp dẫn cho nhà đầu tư, kể cả hình thức xã hội hóa”, ông Tuấn nhận định.

Phải để sông, kênh, rạch dẫn gió làm mát đô thị

Thực ra, ý tưởng xây các bãi đậu xe trên kênh, rạch đã từng được ông Mai Trọng Tuấn đề xuất với chính quyền TP.HCM từ gần 10 năm trước. Khi đó, năm 2009, ông Tuấn “hiến kế” cho lãnh đạo TP.HCM và ngành giao thông xây bãi đậu xe kết hợp trung tâm thương mại 10 tầng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn giữa cầu Bông và cầu Trần Khánh Dư, quận 1).

Ban đầu, ý tưởng này được ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (lúc đó) đánh giá là “ý tưởng hay”. Thậm chí ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (lúc đó) đã yêu cầu các sở, ngành liên quan “khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để xây dựng thí điểm”. Tuy nhiên, sau đó “ý tưởng hay” ấy chìm vào quên lãng...

Vì sao vậy? Theo giới chuyên môn, bãi đậu xe nổi trên kênh, rạch có thể không cản trở dòng chảy nhiều nhưng che khuất dòng chảy và “cướp mất” chức năng dẫn gió làm mát đô thị. Nhưng quan trọng vẫn là, không thể có giải pháp nào để công trình này hài hòa với cảnh quan chung quanh.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ý tưởng xây bãi đậu xe nổi trên hệ thống sông, kênh, rạch trong nội thành TP.HCM hay Hà Nội đều cần xem xét một cách khoa học. Nghĩa là nhìn một cách bao quát chứ không chỉ bằng góc nhìn của nhà đầu tư và chính quyền, nhằm tránh trường hợp giải quyết một vấn đề (chỗ đậu xe) mà đẻ ra nhiều vấn đề khác (môi trường, cảnh quan...).

Về cảnh quan thì bãi đậu xe nổi đương nhiên làm xấu rồi nhưng liệu dự án này có thật sự kinh tế? Ông Sơn cho rằng, trong một đô thị như TP.HCM hay Hà Nội, khi người ta đã xây kín mít rồi thì những con sông, kênh, rạch là tuyến dẫn gió và điều hòa nhiệt độ cho đô thị. Xây một loạt các nhà đậu xe như thế sẽ chắn gió và hơi nước... “Chắc chắn môi trường sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng, đó là chưa nói đến bãi đậu xe sẽ gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước do xăng dầu”, ông Sơn nói.

Tại sao các nước khác người ta không làm bãi đậu xe nổi trên sông, kênh, rạch? Theo ông Sơn, không phải người ta chưa nghĩ đến, nhưng nếu giải quyết bài toán về môi trường, cảnh quan... một cách rốt ráo thì chắc rằng chi phí sẽ cao hơn mua đất để xây bãi đậu xe. Có lẽ vì thế mà trên thế giới chưa có nước nào làm bãi đậu xe trên sông, kênh, rạch trong nội thành.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, chỗ đậu xe ở trung tâm thành phố đang là một bài toán khó, nhưng để giải quyết nó thì không thể tận dụng không gian sông, kênh, rạch (vốn dĩ đã bị thu hẹp quá nhiều). Muốn thu hút được đầu tư vào lĩnh vực bãi đậu xe, cần tăng phí đậu ôtô, buộc chủ xe phải có giấy phép đậu xe tối thiểu một năm, cùng thời gian với đăng kiểm...

Kế đến là chính quyền cần rà soát lại các trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện, sân vận động, công viên, trường học... và yêu cầu phải cung cấp chỗ đậu xe để phục vụ cho việc cấp và tái cấp giấy phép kinh doanh. Sở Quy hoạch Kiến trúc không cấp phép xây dựng hay Sở Kế hoạch và Đầu tư không cấp phép kinh doanh nếu doanh nghiệp hay chủ đầu tư không cung cấp chỗ đậu xe cho họ và cho khách của họ.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích