|
Theo Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 30/3, các cơ quan chức năng của tỉnh này cũng đã tiến hành xác minh tài sản đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh nhưng chưa có kết quả.
"Trong quá trình công tác của bà Trần Vũ Quỳnh Anh (Hợp đồng lao động tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2010 đến tháng 12/2010; hợp đồng lao động làm công việc thủ quỹ, văn thư, tại Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng – Sở Xây dựng từ tháng 01/2011 đến tháng 03/2012; cán bộ, rồi Phó phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản từ tháng 4/2012 đến ngày 23/9/2016), chưa phát hiện được bà Trần Vũ Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng. Đến thời điểm thanh tra, bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức; vì vậy, chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà này", thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu.
Một chi tiết rất đáng lưu ý trong thông báo là, trong quá trình khai lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên và phiếu bổ sung đảng viên hàng năm, bà Trần Vũ Quỳnh Anh ngoài việc vi phạm quy định “kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực”, còn vi phạm quy định không “khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết bây giờ phải làm rõ thông tin. “Chưa quy kết bà ấy việc gì, nhưng nếu trước dư luận đó, mà bà ấy có tài sản khủng, giàu có lên bất thường thì phải làm rõ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trước tiên là những người quản lý bà Quỳnh Anh phải báo cáo. Có đúng là bà ấy giàu có không. Nếu không biết là không được. Sau đó thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc, gặp gỡ bà ấy để tìm hiểu. “Không có công dân nào hoạt động ngoài pháp luật. Bất kỳ một công dân nào mà thấy có mờ ám thì các cơ quan phải vào cuộc”, ông Hùng nói.
“Bây giờ một công dân nào đó có dư luận giàu lên bất thường như thế thì ai quản lý khu vực đó, khu phố phải biết. Trong khu phố thì có công an, tổ trưởng dân phố, chủ tịch phường. Bảo không biết là không hoàn thành chức trách rồi. Không ai đứng ngoài pháp luật chứ chưa nói đứng trên pháp luật. Phải làm đến cùng”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, cần làm rõ là có đúng là có tài sản khủng không? Thứ hai là xem lại tất cả các quy trình đề bạt, cất nhắc như thế nào? Nguyên nhân vì sao như thế? Vì sao có đặc ân, đặc ái như thế? Và cuối cùng là ai chịu trách nhiệm việc đó?
“Các mối quan hệ cũng cần làm rõ. Tôi nghe nói có mối quan hệ gì đó. Bây giờ làm rõ đi. Nhưng vấn đề ở đây không phải bé xé ra to mà ý nghĩa của nó là một bài học về quản lý”, ông Hùng nói.
Theo Tiền Phong