Đồng minh Mỹ không thể cưỡng lại sức hút từ Trung Quốc?
Ngày 23/3, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) thông báo, ban lãnh đạo của định chế tài chính khổng lồ này đã thông qua các quyết định phê chuẩn đơn xin tham gia nhập của 13 quốc gia, nâng tổng số thành viên của AIIB lên con số 70.
Đây là lần đầu tiên ngân hàng này kết nạp thành viên mới kể từ khi thành lập vào ngày 25/12/2015.
Các thành viên mới được chấp thuận bao gồm: Afghanistan, Armenia, Fiji, Hong Kong (Trung Quốc), Timor Leste, Bỉ, Canada, Hungary, Ireland, Peru, Venezuela, Ethiopia và Sudan.
13 quốc gia và vùng lãnh thổ được phê chuẩn đơn sẽ chính thức gia nhập AIIB sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ theo yêu cầu và đóng góp khoản vốn đầu tiên vào định chế tài chính này.
Chủ tịch Kim Lập Quần cho biết, AIIB hiện có thành viên tại hầu hết các châu lục trên thế giới. Ông cũng cho biết hiện vẫn còn nhiều đơn xin tham gia AIIB và sẽ được ban lãnh đạo xem xét vào cuối năm nay. AIIB là định chế tài chính đa phương mới, cung cấp, hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á.
AIIB - một trong những thành quả trong ngoại giao kinh tế của Bắc Kinh |
AIIB được thành lập theo sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi Trung Quốc bị gạt khỏi TPP. AIIB được xem là một trong những thành công lớn nhất trong “ngoại giao kinh tế” của Bắc Kinh.
Bất chấp sự phản đối của Washington, nhiều đồng minh của Mỹ đã tham gia AIIB, vì vậy AIIB được xem như 'ngân hàng thế giới của Trung Quốc', theo Reuters.
AIIB có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ USD, đặt trụ sở tại Bắc Kinh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/1/2016 và từ tháng 6/2016 AIIB đã bắt đầu cung cấp sản phẩm - dịch vụ của mình.
Là tổ chức tài chính đa phương “sinh sau đẻ muộn” so với Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và được xem như “của riêng Trung Quốc’, vậy điều gì khiến AIIB có sức hút như vậy?
Theo cá nhân người viết, thì có hai nguyên nhân tạo ra sức hút cho AIIB:
Thứ nhất, đó là kinh nghiệm của Bắc Kinh đối phó với khủng hoảng tài chính đảm bảo AIIB sẽ hoạt động hiệu quả. The New York Times ngày 4/12/2015 từng nhận định: “Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính sách kinh tế của Trung Quốc đối phó rất tốt, giữ ổn định cho kinh tế thế giới, trong khi kinh tế của nước Mỹ lại trên bờ vực của sự sụp đổ”.
Có thể thấy rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tính toán rất kỹ cho việc thành lập AIIB trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế Trung Quốc khó khăn và bây giờ cho thấy quyết định ấy là hợp thời và chính xác. AIIB chỉ mới cung cấp sản - phẩm dịch vụ nhưng có lẽ giới đầu tư quốc tế đã nhận thấy khả năng nó sẽ mang lại hiệu quả lớn trong tương lai.
Dù có thể bất đồng với Bắc Kinh về những chính sách, những công cụ có thể gây hại cho thị trường tài chính toàn cầu, nhưng rõ ràng kinh nghiệm của chính phủ Trung Quốc trong giải quyết khủng hoảng tài chính đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào khả năng quản trị và điều hành AIIB có thể đáp ứng được mục đích và tôn chỉ của nó, đảm bảo an toàn và khả năng sinh lời của đồng vốn.
Thứ hai, vai trò của Trung Quốc trong việc điều tiết giá dầu thô thế giới đảm bảo hoạt động AIIB mang lại tỷ suất lợi nhuận kép. Có thể thấy rằng, quốc gia nước hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu thô giảm hiện nay là Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ và Bắc Kinh cũng là thực thể điều tiết giá dầu chứ không phải là giới tài phiệt Hoa Kỳ như trước đây nữa.
Trung Quốc trực tiếp điều tiết giá dầu qua cơ chế kép, đó là vừa tạo ra thị trường sử dụng dầu giá rẻ, vừa điều tiết giá dầu rẻ cho thị trường thông qua việc cho các “đại gia dầu mỏ” vay tiền và đầu tư cho những nước nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng – phù hợp với những ngành công nghiệp mà Trung Quốc muốn chuyển ra bên ngoài.
AIIB có thể tạo ra lợi ích kép từ những thùng dầu |
Từ những “đại công xưởng” mà Trung Quốc đang mang tới quốc gia kém phát triển, hình thành nên những cỗ máy tiều thụ dầu thô như những cái thùng không đáy. Điều đó khiến cho quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phải bán hàng gần như theo đơn đặt hàng sẵn của Bắc kinh để có được hai nguồn vốn: tiền bán dầu và tiền vay, do vậy không thể cưỡng lại được.
Vừa đầu tư hưởng lợi nhuận, vừa cho vay lấy lãi suất, lại vừa mua bán dầu thô hưởng chênh lệch giá khiến cho đồng vốn của AIIB sẽ có tỷ suất sinh lời cao hơn tất cả các định chế tài chính hiện tại. Vì vậy, dù biết tham gia AIIB là phụ thuộc vào quỹ đạo của Bắc Kinh nhưng hầu hết các quốc gia đều không thể bỏ qua lợi ích rất lớn mà nó mang lại, nhất là trong thời buổi “nhà giàu cũng khóc” như hiện nay.
Lời cảnh báo với Washington
Nikkei Asian Review ngày 18/11/2016 từng dẫn lời ông James Woolsey, nguyên là Giám đốc CIA dười thời cựu Tổng thống Bill Clinton, cho rằng chính quyền Obama đã mắc "một sai lầm chiến lược", đó là không đưa Mỹ tham gia vào AIIB. Obama gạt Trung Quốc khỏi TPP, nhưng lại không thể lường trước được việc Tập Cận Bình cho thành lập AIIB đối trọng với TPP.
Trước sự phản ứng từ Bắc Kinh, chính quyền Obama đã nhìn Trung Quốc với một sự lo ngại - theo lời cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh George Osborne – và quyết định không để Mỹ tham gia vào việc thành lập AIIB, cho dù có lời gợi ý từ Trung Nam Hải. Điều đó chẳng khác nào Washington đặt Bắc Kinh ở phía bên kia chiến tuyến.
Khi không để Bắc Kinh cùng hội cùng thuyền khiến Washington gần như mất kiểm soát với đối thủ. Do đó, khi những nguyên tắc của Obama không thể vận dụng, TPP không thể vận hành thì đương nhiên những nguyên tắc mà Tập Cận Bình đang xây dựng cho AIIB sẽ trở nên có sức nặng hơn với những thực thể còn nghi ngại Bắc Kinh.
Mặc dù Obama đã tìm mọi cách ngăn cản các đồng minh tham gia AIIB, song vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã thất bại. Đến giờ phút này cho thấy chỉ có Tokyo song hành cùng Washington đứng ngoài AIIB, nhưng điều đó sẽ kéo dài trong bao lâu thì chưa thể biết được, nhất là trong trường hợp Abenomics bị G7 tước công hiệu.
Obama gạt Trung Quốc khỏi TPP, Tập Cận Bình trả đũa bằng việc thành lập AIIB |
Nhưng nguy hại hơn là việc Washington không tham gia AIIB khiến Washington hổng chân khi TPP không được vận hành. Bởi nếu tham gia AIIB thì khi TPP không thể vận hành, lợi ích Mỹ tại địa bàn chiến lược này vẫn chảy về nước Mỹ, khi những đồng USD nằm dòng lưu kim từ AIIB chảy theo những dự án mà nó tài trợ.
Như vậy, việc đứng ngoài AIIB đã khiến Mỹ “thiệt đơn hại kép” và trong trường hợp Tokyo gia nhập định chế tài chính khổng lồ này thì Washington sẽ một mình trơ trọi bên ngoài AIIB. Lúc đó thì Mỹ không chỉ mất lợi ích do AIIB tạo ra – nếu Mỹ là thành viên – mà Washington còn gặp nhiều bất lợi khi tất cả đồng minh đều nằm trong tẩm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Từ khi Kế hoạch Marshal được triển khai nhằm tái thiết Tây Âu thời hậu Thế chiến II cho đến nay, những kế hoạch lớn về tài chính đa phương trên thế giới gần như không thiếu bóng của nước Mỹ, song nay với tình cảnh đứng ngoài AIIB, khiến Washington lần đầu tiến phải đứng nhìn các đối thủ uốn dòng lợi ích mà không có ngả nào hướng về xứ cờ hoa.
Liệu chính quyền Trump có đưa nước Mỹ tham gia vào AIIB để đảm bảo lợi ích cho nước Mỹ? Tổng thống Obama đã bỏ lỡ cơ hội để nước Mỹ làm thành viên sáng lập AIIB, liệu Tổng thống Trump có sữa sai bằng việc đưa Mỹ tham gia vào AIIB, bất chấp việc phải “chịu đèn” của Bắc Kinh?
Theo Đất Việt