|
Tận thu gỗ tại dự án nuôi bò chất lượng cao ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) |
Chiều 7-4, tại hội nghị giao ban báo chí quý 1-2017, ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên - khẳng định thời gian qua nhiều cơ quan báo chí phản ánh thiếu chính xác về dự án khai thác tận thu gỗ, củi tại dự án nuôi bò chất lượng cao ở huyện Sông Hinh (Phú Yên).
Tuy nhiên, sau khi các nhà báo đặt câu hỏi tại sao Thủ tướng chỉ đạo không được chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án mà Phú Yên vẫn làm thì ông Tùng bất ngờ “xin rút lại phát biểu và văn bản phát tại hội nghị”.
Ông Tùng cho rằng các phát biểu của ông “chưa thật sự chính xác” và báo cáo cũng chưa đóng dấu nên xin thu hồi.
Hơn nữa, hiện Thủ tướng đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp vào thanh tra tại dự án này nên “xin gác lại vấn đề, chờ kết luận của đoàn thanh tra mới tiếp tục thông tin”.
Trước đó, ông Tùng khẳng định việc chuyển đổi hơn 377ha rừng (trong đó có hơn 273ha rừng tự nhiên) và cho tận thu gỗ, củi trong dự án này là “đúng quy định”.
Ông Tùng thông tin việc chuyển đổi rừng để thực hiện dự án là thực hiện theo quy định hiện hành.
Cụ thể, việc chuyển đổi rừng được thực hiện nếu có dự án đầu tư, có đánh giá tác động môi trường, có phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác...
“Theo quy định, trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp thì phương án trồng rừng thay thế phải được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, xét dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là dự án lớn, cần sớm triển khai nên UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy cho áp dụng cơ chế đặc thù vừa lập dự án, vừa hoàn tất thủ tục về thu hồi đất, vừa chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đánh giá tác động môi trường...” - ông Tùng nói.
Liên quan đến việc hút cát trên sông Đà Rằng để san nền cho dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên khẳng định thực hiện trên cơ sở kế thừa đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt ngày 8-9-2008 của dự án “Chống xói lở bờ nam hạ lưu sông Đà Rằng”.
Mãi đến ngày 20-3-2017, hồ sơ ĐTM của dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa mới được phê duyệt.
Trong khi việc hút cát đã thực hiện từ tháng 10-2016, đến nay đạt khoảng 60% tổng sản lượng gần 1,1 triệu m3 của dự án.
|
Rừng Sông Hinh bị phá để lấy mặt bằng làm dự án nuôi bò thịt |
Tuy nhiên, ông Mai Kim Lộc - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Yên - lại nói việc hút cát ở hạ lưu sông Đà Rằng là “kế thừa vị trí khai thác, chứ không phải kế thừa ĐTM của dự án cũ”.
“Về nguyên tắc, khi ĐTM được duyệt thì mới được triển khai, nhưng vì đây là dự án quan trọng nên tỉnh cho phép vừa khai thác vừa lập ĐTM. Nếu chúng ta đợi thì sẽ mất cơ hội đầu tư, sự phát triển của tỉnh Phú Yên” - ông Lộc nói.
Bài học thấm thía Chiều 7-4, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định quý 1-2017, phóng viên Tuổi Trẻ và một số báo đặt câu hỏi với ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - về trách nhiệm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh đối với một số vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ được kết luận là có vi phạm, thiếu sót. Cụ thể, thiếu thủ tục trong quy trình tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển đối với ông Nguyễn Văn Cảnh - đại biểu Quốc hội, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; trong bổ nhiệm bà Lê Thị Vinh Hương làm phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội; vụ cha làm chi cục trưởng và con gái làm chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh... Trả lời các câu hỏi này, ông Dũng cho biết công tác cán bộ của tỉnh cũng có một số tồn tại, khuyết điểm. “Đây là những bài học hết sức thấm thía đối với những người có trách nhiệm. Tới đây, thực hiện chỉ đạo của trung ương, chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân” - ông Dũng nói. |
Theo TTO