Trump phóng Tomahawk vào Syria: Putin lấm lưng trước Lầu Năm Góc

Thứ bảy, 08/04/2017, 11:29
Hành động tấn công tên lửa Tomahawk vào Syria hôm 6/4 là kịch bản được Lầu Năm Góc dàn dựng.

Nga tiến hành các biện pháp khẩn cấp ở Syria

Đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo đã ra lệnh giáng đòn tấn công tên lửa vào sân bay Shaayrat ở tỉnh Homs của Syria, nơi đã thực hiện cuộc "tấn công hóa học vào thường dân" như phía Mỹ cáo buộc.

Lầu Năm Góc cũng tuyên bố rằng mục đích của cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk là sân bay Shaayrat. Thông báo của Lầu Năm Góc cho biết rằng, đòn đánh thực hiện bởi loạt tên lửa hành trình phóng từ các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ, gồm tổng cộng 59 tên lửa.

Theo tuyên bố của giới chức lãnh đạo Syria, sau đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ, căn cứ không quân Shayrat ở Homs đã gánh chịu thiệt hại nặng nề, toàn bộ số máy bay chiến đấu đậu ở căn cứ này đã bị hủy hoại, các đường băng cũng bị phá hủy.

Theo dữ liệu mới nhất, đã có tới 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ tấn công của Mỹ.

Ngay sau đòn tấn công của Mỹ, Tổng thống Putin đã gọi đây là một “cuộc chiến tranh xâm lược”, đồng thời ông cũng triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn cách đối phó với các cuộc tấn công của Mỹ trong tình hình nóng và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.

Trước mắt, Nga tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ ngăn ngừa sự cố và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trong quá trình chiến dịch ở Syria mà trước đây Moscow đã ký với phía Washington vào ngày 20/10/2015.

Tài liệu này quy định việc thiết lập kênh thông tin liên lạc suốt ngày đêm kết nối các cơ quan quân sự của Nga và Hoa Kỳ để thông báo về hoạt động của tất cả máy bay và phi cơ không người lái trong không phận của Cộng hòa Arab Syria và quy định đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Mỹ đã phóng tổng cộng 59 tên lửa Tomahawk vào sân bay Shaayrat của Syria

Đồng thời, Nga cũng thông báo quyết định củng cố và nâng cao hiệu quả hệ thống phòng không Syria sau đòn tấn công tên lửa của Mỹ, nhằm bảo vệ những chủ thể nhạy cảm nhất trong hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia và các cơ sở quân sự trọng yếu của Syria.

Ngoài ra, các hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga tại Syria cũng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trực chiến suốt ngày đêm. Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400, S-300 và các tổ hợp Pantsir-S1 được tổ chức theo nguyên tắc bảo vệ theo đối tượng.

Tuy nhiên, rõ ràng là các quan chức Nga đã thông báo là các hệ thống này sẽ lập ô phòng không hiệu quả cho các vị trí triển khai của Nga, bao gồm căn cứ không quân Hmeymim ở sân bay quốc tế Basel al-Assad và trạm hậu cần của Hải quân Nga tại quân cảng Tartus (đều thuộc tỉnh Latakia).

Các hành động của Nga đã đưa ra là kịp thời và có thể làm giảm nhẹ những nguy cơ tiếp theo. Tuy nhiên, rõ ràng đó là không đủ khi hiện nay Nga chưa chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với Mỹ để bảo vệ Syria, đồng thời không có đối sách hữu hiệu bởi bất ngờ về tình huống.

Trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học lần 1, Nga đã chuẩn bị đầy đủ các phương án đối phó, từ ngoại giao đến quân sự nhưng diễn biến vừa qua đã cho thấy, Nga hoàn toàn bị động trước hành động của Mỹ.

Nga bất ngờ trước đòn đánh của Lầu Năm Góc

Trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học lần 1, Tổng thống Nga Putin đã có những quyết sách đúng khiến “Lưỡi đại đao trong tay Tổng thống Mỹ Obama luôn lượn lờ trên đầu Tổng thống Syria Assad đã phải đút vào vỏ”.

Với bản chất là một chính trị gia thực thụ, tất cả những hành động của Tổng thống Mỹ Obama, nhất là về hành động can thiệp quân sự đều được cân nhắc rất kỹ lưỡng, tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh Anh, Đức, điều hàng chục chiến hạm (có cả tàu sân bay đến Địa Trung Hải), chuẩn bị trước phương án tấn công rồi mới đưa ra quyết định.

Do đó, ông Putin có thể dự đoán được những động thái của Mỹ và có thời gian chuẩn bị đưa ra phương án đối phó, về quân sự là việc điều thêm nhiều tàu chiến đến bờ biển phía Tây Syria, còn về ngoại giao là bản kế hoạch nổi tiếng “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình”.

Bản kế hoạch của ông Putin đã đẩy người đồng cấp Mỹ Barak Obama vào một “cú việt vị chính trị”. Nó vừa giúp ông Obama có lý do hạ đài trong danh dự nhưng cũng làm ông không hài lòng vì bị người ta chế giễu là “thấp cơ” hơn người đồng cấp của Nga.

Nước cờ của ông Putin đã khiến ông vừa được tôn vinh là “Người bảo vệ hòa bình”, lại vừa khiến Mỹ bị tước vũ khí lợi hại nhất chứ không phải chính quyền của ông Assad.

Việc Tổng thống Nga giúp Syria tránh được đòn tấn công của Mỹ vào tháng 8/2013 đã được giới chuyên gia đánh giá là một nước cờ cao tay của ông Putin. Tuy nhiên, đến vụ tấn công này, ông đã hoàn toàn thua trước đòn tấn công hết sức bất ngờ của Lầu Năm Góc chứ không phải ông Donald Trump.

Vụ tấn công vừa qua là kịch bản chuẩn bị chu đáo của Mỹ nhưng hoàn toàn bất ngờ với Nga. Người Mỹ đã dự trù kịch bản trước nhưng giữ bí mật đến phút chót, Moscow chỉ được Washington báo trước một khoảng thời gian ngắn, không đủ để xoay chuyển cục diện.

Cả ông Putin và Donald Trump đều thất bại trong tay Lầu Năm Góc

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, đây là kịch bản của Lầu Năm Góc chứ không phải của Donald Trump, từ việc huy động lực lượng (chiến hạm) đến tạo cớ (tấn công hóa học) và phần việc còn lại (ra lệnh phóng tên lửa) mới là của Tổng thống Mỹ.

Điều kiện hiện nay ở Syria không khác mấy hồi tháng 8/2013 nhưng hành động quân sự được tiến hành nhanh hơn, quyết đoán hơn. Rõ ràng là giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc đã tận dụng được điểm yếu của một chính trị gia “nghiệp dư” như ông Trump để tấn công vào Syria.

Mỹ là siêu cường số 1 thế giới, mỗi hành động quân sự của họ đều có tác động lớn đến toàn thế giới, nếu là ông Obama trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, chắc chắn ông này sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, thăm dò quyết tâm của đồng minh, điều động thêm lực lượng và tính toán đến hậu quả của hành động này rồi mới phát lệnh tấn công quân sự. Tuy nhiên, đối với ông Trump thì lại khác.

Sau khi  thảm cảnh tấn công hóa học đối với người dân Syria, Lầu Năm Góc xoa tay chờ đòn tấn công được phát động tức thì. Và dĩ nhiên là với tính cách bốc đồng của ông Trump, việc ra lệnh nhấn nút phóng tên lửa là vấn đề không khó hiểu.

Chưa đầy 3 ngày sau vụ ngộ độc chất độc hóa học của dân thường Syria ở Idlib, Mỹ đã đột ngột tấn công vào Syria mà không hề có một biểu hiện gì đáng nghi vấn. Rõ ràng, đây là vụ tấn công khiến tất cả đều bất ngờ, ngay cả những người bi quan nhất cũng không hình dung ra điều này, hoặc nếu có, thì cũng không nghĩ nó có thể đến nhanh thế.

Moscow rõ ràng đã không lường được kịch bản này của Lầu Năm Góc nên Nga và Syria đã hoàn toàn bị động trước đòn đánh của Mỹ. Còn đối với bản thân ông Donald Trump, có lẽ Tổng thống Mỹ cũng hoàn toàn đồng tình với đề nghị của Lầu Năm Góc.

Đến giờ thì chắc chắn chẳng còn ai tin luận thuyết Trump lên sẽ có lợi cho Nga hơn Clinton. Với tính cách bốc đồng và khó lường của tân Tổng thống Mỹ, mọi hành động của Mỹ sẽ trở nên khó dự đoán hơn, không chỉ ở Syria mà còn trên toàn thế giới.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn