Chính phủ Tripoli không được Libya công nhận: Phương Tây thua trắng?

Thứ bảy, 08/04/2017, 11:41
 Khi NATO ném bom vào quân đội của Gaddafi, có lẽ họ không thể hình dung ra họ và “người anh em song sinh” phải rơi vào tình cảnh hiện nay...

Ai thua trong ván cờ Libya?

The Guardian ngày 6/4 cho hay, việc giải quyết cuộc khủng hoảng dân di cư từ Libya tràn qua Địa Trung Hải vào châu Âu đã lâm vào bế tắc, bởi chính phủ Libya tại Tripoli được Liên Hợp Quốc hẫu thuẫn – thực thể mà EU chọn làm đối tác trong việc ngăn chặn dòng người di cư – đã không được Toà án tối cao Libya công nhận tính hợp pháp.

“Trong một cú ra đòn nặng với Rome, Toà án tối cao Libya tuần trước đã bác bỏ bản ghi nhớ ký kết giữa Libya với Italy vào tháng 2/2017, mà nội dung là Italy giúp huấn luyện kỹ năng cho lính biên phòng Libya để từ đó họ có một vai trò tích cực hơn trong việc ngăn chặn dòng người di cư và đưa những người tị nạn được phát hiện trên biển quay lại Libya”, theo The Guardian.

Tổng tư lệnh quân đội Libya Khalifa Hafter- nhân tố quan trọng khiến phương Tây thất bại thêm tập nữa trong ván cờ Libya

Tờ báo của nước Anh cho biết, theo quyết định của Tòa án tối cao Libya thì chính phủ Libya được LHQ ủng hộ (GNA) không có đủ thẩm quyền về mặt pháp lý để ký kết văn bản ghi nhớ với Italy, vì chính phủ này không được Libya công nhận là chính phủ hợp pháp. Do vậy GNA không thể trở thành đối tác của Brussels trong việc giải quyết các vấn đề của Libya.

“Với GNA, về mặt lý thuyết là thực thể nắm giữ quyền lực ở phía Tây Libya, nhưng trong hơn một năm qua đã không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội Libya (HR), một điều kiện tiên quyết cho việc Toà án tối cao Libya ra quyết định công nhận tính hợp pháp đối với GNA, mà từ đó thực thể này mới có thể ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Libya”.

Có thể thấy rằng, sau khi xâm phạm chủ quyền quốc gia của Libya lần thứ nhất với việc ném bom ủng hộ lực lượng nổi dậy tại Libya, lật đổ chính quyền hợp pháp, hợp hiến của Đại tá Gaddafi, phương Tây lại thực hiện lần xâm phạm chủ quyền quốc gia của Libya lần thứ hai khi ủng hộ một chính phủ Libya không được xem là đại diện hợp pháp cho đất nước Libya thời hậu Gaddafi.

Chỉ có điều, cả hai lần phương Tây tước bỏ chủ quyền quốc gia của Libya đều không mang lại thành công cho họ. Bom đạn của NATO có thể lật đổ chính quyền Gaddafi, thậm chí kết thúc sự tồn tại của chế độ Gaddafi một cách tàn bạo, song đến nay họ vẫn không thể nắm được bất cứ thứ gì trong một đất nước Libya hỗn loạn thời hậu Gaddafi.

EU ngấm nỗi đau từ lời nguyền Gaddafi và lãnh hậu quả từ hành động của NATO nên phải tìm cách hoá giải lời nguyền của “nhà độc tài”, song tiền bạc của EU không làm thay đổi được thực tế là họ đang bắt tay với một thực thể không hợp pháp. Như vậy, cách EU xuất hiện tại Libya không khác gì NATO, chỉ khác là phương tiện sử dụng, khi “người anh em song sinh” dùng bom đạn, còn EU thì dùng tiền bạc mà thôi.

Cũng nên nhắc lại rằng, hiện nay trên đất nước Libya có tới hai chính phủ song song tồn tại, một chính phủ đóng tại Tripoli nằm ở phía Tây Libya, được LHQ hậu thuẫn – mà mới bị Toà án tối cao Libya không công nhận tính hợp pháp – và một chính phủ đóng tại thành phố cảng Tobruk nằm ở phía Đông Libya, nắm quyền dựa trên kết quả tổng tuyển cử tại Libya.

Cho đến nay, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận đóng tại Tobruk luôn trì hoãn việc chuẩn nhận chính phủ tại Tripoli và vấn đề khúc mắc nằm ở địa vị của Tổng tư lệnh quân đội Khalifa Hafter. Ông Anas El Gomati, giám đốc Viện Sadek cho biết, Chủ tịch Quốc hội tại Tobruk cương quyết đòi tướng Hafter phải có chân trong chính phủ, nhưng Tripoli từ chối, theo VOA.

Hãng tin Mỹ tường thuật: “Tướng Hafter không muốn từ bỏ chức vụ Tổng tư lệnh quân đội trong chính phủ của Hạ viện tại Tobruk, nhưng bất cứ chính phủ nào tại Tripoli cũng đều muốn ông ấy từ chức. Đó là lý do tại sao Hạ viện tại Tobruk chỉ xem chính phủ tại Tripoli như một con tin. Họ muốn mọi thỏa thuận chính trị Libya phải giữ chức vụ hiện tại của ông Hafter và giữ nguyên hiện trạng tại miền Đông”.

Trong khi đó, Tổng tư lệnh quân đội Libya, tướng Khalifa Hafter và lực lượng trung thành với ông ta đang nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Như vậy, với phán quyết mới nhất của Toà án tối cao Libya, cho thấy Washington và phương Tây lại thất bại thêm một lần nữa tại Libya, cho dù Moscow chưa thực sự xuất hiện trong ván cờ Libya, mà vẫn nhường phương Tây đạo diễn.

Hậu quả từ lời nguyền Gaddafi ngày càng khủng khiếp với EU

Hàng triệu người từ Libya đang tiếp tục hướng về châu Âu - Lời nguyền Gaddafi ngày càng khủng khiếp với EU

The Guardian bình luận rằng, mặc dù phán quyết của Tòa án tối cao Libya đang bị chính phủ tại Tripoli được LHQ, kháng cáo, song phán quyết của cơ quan tư pháp tối cao của nhà nước Libya thời hậu Gaddafi đã như một vách ngăn với chính sách về làn sóng di cư và người tị nạn Libya của Brussels, mà đang đưa EU vào tình trạng ngắc ngoải.

Đặc biệt nguy hại là, theo lời cảnh báo của cựu lãnh đạo Đại sứ quán Anh tại Benghazi, Joe Walker-Cousins, có khoảng 1 triệu người dân châu Phi đang tới Libya và lên đường tới châu Âu. Những điều kiện kinh hoàng trong những trại tị nạn trên đất Libya không thể ngăn được dòng người tị nạn. Điều này đã khiến Brussels rụng rời chân tay.

Bởi lẽ, lời cảnh báo của ông Joe Walker-Cousins, người đứng đầu sứ mệnh của Anh tại Libya trong những năm 2012 - 2014, đưa ra trong bối cảnh các chính phủ châu Âu – nhất là các thành viên EU - đang phải vật lộn để tìm cách ứng phó đối với dòng người nhập từ Libya qua Địa Trung Hải tràn vào châu Âu, gây ra những hậu quả khủng khiếp cho EU.

Theo The Guardian cho biết, trong ba tháng đầu năm nay, có hơn 590 người di cư đã bị chết đuối trên tuyến Trung Địa Trung Hải và con số người di cư từ Libya tới Italy đã tăng lên rất nhiều. Số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy có 21.900 người tị nạn đến Italy trong ba tháng đầu năm nay, tăng so với năm ngoái là 14.500.

Nỗi ám ảnh Gaddafi với những tác giả kịch bản lật đổ ông chưa biết khi nào mới giải toả được

Cũng nên biết rằng, năm 2016 đã có tổng cộng 181.000 người tị nạn từ Libya đến Italia, nay số lượng người di cư từ Libya vẫn không giảm, ngược lại liên tục tăng lên, khiến cho Italy không thể chịu đựng nổi. Vì vậy, Rome đã chủ động ký kết một thoả thuận với chính phủ Libya tại Tripoli, nhằm cứu mình trước khi Brussels ra tay cứu. Song nay thì “xôi hỏng bỏng không”.

Theo ông Walker-Cousins ​​cho biết, các nỗ lực của EU nhằm đào tạo một lực lượng bảo vệ bờ biển Libya hoạt động trong vùng nước nội địa là chưa đủ. "Có một triệu người di cư đã đi qua đường dẫn từ Trung Phi, vùng Sừng Châu Phi đến Libya và hướng về châu Âu, cho thấy hành động của EU là quá hạn chế và quá muộn".

Khi Washington và các đồng minh trong NATO ném bom vào lực lượng quân đội của chế độ Gaddafi nhằm ủng hộ lực lượng nổi dậy tại Libya, có lẽ họ đã không thể hình dung ra lúc họ và “người anh em song sinh” của họ phải rơi vào tình cảnh như hiện nay. Việc phải chấp nhận thua toàn tập tại ván cờ Libya thực sự là nỗi niềm cay đắng với Mỹ, NATO, EU, khi quyết tâm lật đổ Gaddafi mà xem nhẹ lời nguyền của “nhà lãnh đạo độc tài” này.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn