Ngư dân biến thành dân quân biển
Ngày 7/4, Tuổi trẻ dẫn theo trang tin Quartz của Mỹ cho rằng các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ gần đây, trong đó có hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi và đánh bắt cá không bền vững, đã gây sụt giảm nghiêm trọng trữ lượng cá tại vùng biển của họ.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học của Mỹ PNAS năm 2016 cũng nhận định: "Trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, quốc gia này đã mất một nửa diện tích đầm lầy ven biển, 57% diện tích rừng đước và 80% các rạn san hô, hầu hết chúng đều là những khu vực thiết yếu để các loài cá đẻ trứng, sinh trưởng và là nơi cung cấp thức ăn cho cá".
Để thỏa mãn nhu cầu hải sản ngày càng tăng trong nước và cả hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, các tàu cá Trung Quốc vẫn trông vào hoạt động đánh bắt tại các vùng biển quốc tế.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/4, PGS.TS Nguyễn Tác An - Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học cho biết: "Nguy cơ Trung Quốc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cá ở biển không phải bây giờ mới được đặt ra, chỉ cần để ý cũng sẽ thấy 5 năm trở lại đây vấn đề này đã được phân tích rất nhiều".
Theo nhiều nhận định của các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu thì Trung Quốc đang bành trướng và muốn sử dụng tài nguyên biển của toàn thế giới.
Những đội tàu cá Trung Quốc |
Cho nên, dù có đối diện nguy cơ hay không đối diện nguy cơ hết cá trên vùng biển của nước mình thì âm mưu bành trướng biển Đông là nét truyền thống của Trung Quốc. Hơn 6000 năm, Trung Quốc có khái niệm quyền lực văn minh rất sớm, chỉ dựa vào đất đai, khác với văn minh hiện đại hiện nay là dựa vào trí tuệ".
Mặt khác, theo phân tích của ông An, với sách lược phát triển công nghiệp hóa, hiện nay nhân dân lục địa Trung Quốc đang dần bị mất đất, không có công ăn việc làm, từ đó họ phải tràn ra các vùng bở biển, khu kinh tế mở để sống.
Đặc biệt, người dân Trung Quốc có nhu cầu ăn hải sản cao hơn các nước khác, vì bản chất thực tế nền nông nghiệp của họ không đáp ứng đủ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, vì dân quá đông. Hơn nữa, trong nội địa chủ yếu sử dụng thực phẩm nội địa, mà ruộng đất thì bị công nghiệp hóa hết nên thiếu thốn, ngay cả nguồn lợi thủy sản nội địa nước ngọt cũng bị hủy diệt ghê gớm.
Tuy nhiên, vì nghiệp dư nên họ không đủ trình độ làm nghề, vì thế, nên bị lợi dụng, chính quyền Trung Quốc đã biến người nông dân thành ngư dân không chuyên nghiệp, cung cấp tàu bè, tiền của để họ tràn xuống biển Đông khai thác.
Năm 2016, 4 tàu cá Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam đã tràn ra Biển Đông, gây rối loạn ngư trường này, đó là những biểu hiện đầu tiên.
Nói rõ về nguyên nhân, ông An phân tích: "Thứ nhất, những ngư dân trên không có trình độ khoa học công nghệ khai thác biển bền vững như các nước phát triển, vì dùng phương tiện hết sức nguy hiểm, mức độ hủy diệt là toàn bộ. Nghĩa là họ cần sinh kế nhưng phương thức bảo đảm sinh kế không có, bởi sinh vật là tái tạo, đòi hỏi không gian, thời gian, con người phải trân trọng nó mới phát triển được.
Thứ hai, Trung Quốc đang biến ngư dân thành lực lượng dân quân biển, chủ động đi gây hấn với các nước khác. Nghĩa là ngư dân nhưng được trang bị theo kiểu dân quân có vũ trang, được tập huấn theo kiểu chiến đấu chứ không đơn thuần là khai thác cá.
Chính vì thế, mà theo số lượng nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO), trong 50 năm qua, nguồn lợi hải sản tại biển Đông đã giảm đi 70%, loại có giá trị chỉ còn lại 30%, nhất là vấn đề khai thác không kiểm soát, đăng ký, đã gây ra thảm họa tài nguyên. FAO dự đoán chỉ cần vài năm tới ở biển Đông không còn giá trị hải sản, giá trị kinh tế.
Nguy cơ này theo tôi sẽ không kéo dài mà chỉ một vài năm nữa loài người sẽ đứng trước một bất ổn an ninh về hải sản rất lớn".
Theo ông An, khi đã cạn kiệt nguồn thủy hải sản thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng đánh bắt tại vùng biển quốc tế, năm 2016, họ có 40 nghìn tàu cá, năm nay tăng lên 80 nghìn tàu cá tràn xuống biển Đông, trong khi Việt Nam mới chỉ có 1 nghìn tàu cá, số lượng của Trung Quốc đông gấp 80 lần.
Các nước có vùng biển liên quan cần liên kết, minh bạch mọi thông tin
Trước thực trạng trên, theo vị chuyên gia trên, các nước có vùng biển liên quan với Trung Quốc, cần phải liên kết với nhau, phải thông báo cho các cơ quan quản lý cá ở biển như FAO để bảo vệ hàng hải ở biển, thông báo rộng rãi, để mọi người thấy nguy cơ một cách thực sự.
Các nước phải thấy sự liên kết là cần thiết, cần lên án chuyện đánh bắt cá ở các vùng biển quốc tế mà chưa có thỏa thuận là sai, tất nhiên, cố gắng tránh đối đầu bằng quân sự.
Nói rõ, ông An cho hay: "Trước mắt phải có sự liên kết, có thông tin rộng rãi không ngại ngùng công khai, chấm dứt kiểu đưa tin tàu lạ chung chung, bởi con tàu nào cũng có số, có tên, thậm chí xác định được của quốc gia nào, nên đầu tiên là công khai, minh bạch.
Thêm nữa, giữa các quốc gia không nên bí mật thực hiện các ký kết thỏa thuận cụ thể cho phép ngư dân nước khác được đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Như vừa qua Hàn Quốc họ bắt các tàu cá Trung Quốc vi phạm, thậm chí dùng vũ trang, như Pêru cũng bắn chìm tàu cá Trung Quốc vì bắt trộm cá và công khai thông tin cho nhiều nước biết".
VN phải kiên quyết giữ gìn lãnh hải của mình
Đối với Việt Nam theo Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học, đầu tiên phải có nhận thức, nếu biển Trung Quốc hết cá thì nó thực sự đe dọa đến nguồn lợi biển trong đó có vùng biển của chúng ta.
Thế nhưng, do đặc điểm địa chính trị gắn liền với Trung Quốc nên sách lược của chúng ta hơi khác với các nước.
Đầu tiên, cần phải nêu rõ chủ trương, Việt Nam sẽ giữ cho được lãnh hải của mình, giữ cho được nguồn tài nguyên, thông báo cho thế giới biết ai xâm phạm lãnh hải thì cũng không được phép.
Sau đó, do điều kiện địa chính trị, do lịch sử phát triển của Việt Nam với Trung Quốc nên tình huống nào cũng phải có mưu mẹo trong ứng xử.
Cuối cùng, dựa theo Luật biển quốc tế công bố rõ ràng bờ biển Việt Nam dài hơn 3 nghìn km, cộng thêm 350 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế, không ai được xâm phạm. Còn riêng với các vùng chồng lấn thì đưa ra các thỏa thuận cụ thể.
"Chúng ta phải luôn luôn biết tài nguyên lãnh hải là tài sản cha ông để lại cho con cháu sau này và cũng nhớ rằng bảo vệ tài nguyên biển phải có sức dân, ủng hộ của dân, do đó, đặt quyền lợi của dân lên trên hết", ông An cho hay.
Theo Đất Việt