Pháp nói sức mạnh thật tàu sân bay mới Trung Quốc

Thứ năm, 04/05/2017, 11:29
Giới phân tích Pháp cho rằng chiếc tàu sân bay mà Trung Quốc vừa hạ thủy vẫn còn rất nhiều hạn chế và khó có thể theo kịp Mỹ.

Chưa thể sánh với Mỹ

Theo trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc không được trang bị hệ thống máy phóng máy bay thể hiện sự hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như hạn chế về khả năng tác chiến.

Bên cạnh đó, việc tàu sân bay này hoạt động bằng dầu diesel cũng hạn chế thời gian hoạt động liên tục trên biển.

Trung Quốc muốn đưa con tàu hoạt động tầm xa thì phải mất nhiều ngày và điều này đỏi hỏi phải có sự tiếp tế nhiên liệu thường xuyên.

Trung Quốc vừa hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên tự đóng Type 001A

Mặc dù vậy, tàu sân bay chạy bằng dầu diesel cũng có một lợi thế là thời gian tạm nghỉ theo qui trình kỹ thuật chỉ khoảng vài tháng tương ứng với mỗi khoảng thời gian hoạt động từ 2 đến 3 năm.

Trong khi đó, đối với tàu sân bay hạt nhân như Charles de Gaulle của Pháp thì khoảng từ 5 đến 6 năm hoạt động phải ngừng để bảo dưỡng 18 tháng.

Khi đánh giá về tham vọng quân sự của Bắc Kinh, nhất là trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, giới chuyên gia Pháp cho rằng Trung Quốc còn rất lâu mới có thể bắt kịp nước Mỹ.

Xét về số lượng các nhiệm vụ có thể thực hiện được trong vòng 24 giờ, thì tàu sân bay của Trung Quốc hoàn toàn không so sánh được với tàu sân bay của Mỹ.

Việc Bắc Kinh mong muốn kiểm soát hoặc cấm tất cả sự hiện diện “thù địch” trong một phạm vi nào đó như tại Biển Đông và biển Hoa Đông chính là lý do để Bắc Kinh sở hữu các tàu sân bay.

Tuy nhiên, những lý do kỹ thuật, nhất là việc thiếu hệ thống phóng máy bay, đang ngăn cản các máy bay được trang bị nhiều vũ khí có khả năng tấn công xuất phát từ tàu sân bay này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hạn chế ở khả năng phòng thủ.

Nỗ lực chủ yếu của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc chính là sản xuất ra các loại máy bay và tên lửa có khả năng tấn công các tàu sân bay Mỹ, vốn được Bắc Kinh xem như là mối đe dọa chủ yếu. Việc sở hữu những tàu sân bay tạo ra một sức mạnh không thể phủ nhận.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc chưa thể hoạt động trước năm 2020

Tuy nhiên, kể cả khi Trung Quốc có 4 tàu sân bay như mục tiêu đặt ra thì vẫn rất hạn chế khi so với Mỹ, nước đang sở hữu tới 10 tàu sân bay.

Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ có mục đích bảo vệ lợi ích ở những vùng biển gần bờ mà còn có mục đích khẳng định sức mạnh của mình dọc theo con đường tơ lụa trên biển.

Trước đây, khi Trung Quốc mới có tàu sân bay duy nhất là Liêu Ninh, trong Đánh giá về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2015, Lầu Năm Góc (Mỹ) cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu chiến đi kèm chưa thực sự có khả năng tấn công trên biển ở khoảng cách xa.

Tàu sân bay này bị Mỹ đánh giá là quá nhỏ và giống như một đội tàu hoạt động xa bờ.

Báo cáo này nhận định: "Tàu Liêu Ninh sẽ không thể triển khai sức mạnh tầm xa giống như tàu lớp Nimitz của Mỹ". Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đầu học cách vận hành tàu sân bay trên biển.

Lực lượng Hải quân Mỹ đã phải mất hàng thập kỷ và rất nhiều "xương máu", tiền của mới có thể làm chủ các tàu sân bay. Trung Quốc cũng sẽ mất khoảng thời gian tương tự mới đạt được trình độ tương đương như vậy.

Khoe mẽ nước lớn?

Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, việc Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai cũng chứng tỏ tham vọng và bước tiến của nước này. Về mặt kỹ thuật, đây là tàu quân sự lớn nhất mà lần đầu tiên Trung Quốc tự thiết kế và đóng.

Tàu sân bay này được thiết kế dựa trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tàu sân bay Varyag mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine và đổi tên thành tàu sân bay Liêu Ninh. Việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào vận hành tàu sân bay mới này cho thấy một bước nhảy vọt trong lĩnh vực đóng tàu sân bay của Trung Quốc.

Type 001A thể hiện tham vọng và bước tiến đáng kể của Trung Quốc

Theo giới chuyên gia Pháp, việc Trung Quốc tăng cường lực lượng sân bay thực sự làm thay đổi sự cân bằng trong khu vực, và trong chừng mực nào đó nó cho phép Bắc Kinh bảo vệ linh hoạt những khu vực khác nhau, những nơi mà Trung Quốc đang xâm chiếm hoặc đang tìm cách xâm chiếm, nhất là tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tàu sân bay này cũng giúp Trung Quốc cải thiện khả năng triển khai các lực lượng, điều hiện là một trong những hạn chế lớn của quân đội Trung Quốc.

Còn tờ The New York Times của Mỹ nhấn mạnh đến bối cảnh khi Trung Quốc vụ hạ thủy tàu sân bay thứ hai, giữa lúc căng thẳng tại khu vực leo thang xung quanh những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và vấn đề Triều Tiên.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc với tiêm kích hạm J-15

Hai tàu sân bay của Trung Quốc không thể sánh được về quy mô, sức mạnh và độ bền với những con tàu thuộc Hải quân Mỹ (10 tàu sân bay và 2 chiếc đang được đóng mới).

Tờ báo Mỹ dẫn lời ông Patrick M. Cronin, Giám đốc kỳ cựu của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, cho biết vụ hạ thủy phát đi thông điệp rằng Trung Quốc có ý định xây dựng một lực lượng Hải quân mà không một quốc gia châu Á nào có thể đánh bại.

Ông này nói: "Với mỗi tàu sân bay mới, Trung Quốc lại phát đi tín hiệu họ không có đối thủ tại khu vực".

Ông Cronin cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược dài hạn, theo đó kết hợp các "đường băng nổi" vào các chiến dịch quân sự. Bên cạnh đó, việc sở hữu tàu sân bay còn tạo ra những tác động chính trị và tâm lý có lợi cho Trung Quốc tại những vùng biển gần nước này.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ

Chuyên quân sự Hứa Thụy Lân thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học công nghệ Nam Dương (Singapore) thì cho rằng khả năng tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ bị giảm, khó phát huy tác dụng trong cuộc chiến giữa Trung Quốc với các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Biển Đông tương đối khép kín, bị vây quanh bởi các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nên tàu sân bay của Trung Quốc rất dễ bị tấn công.

Phân tích theo góc độ chiến lược cũng như tình hình các khu vực biển xung quanh, vai trò tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị hạn chế nhất định khi tham gia thực chiến.

Do đó, phần nhiều lý do Trung Quốc nỗ lực phát triển tàu sân bay quốc nội là để phù hợp với tiêu chí của một nước lớn.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn