|
Đoàn tàu chờ khách tại bến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Thưởng ngoạn... sự ô nhiễm
Tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè có lộ trình 4,5km, bắt đầu từ cầu Thị Nghè (Q.1) đến chùa Chantaransay (Q.3). Trên những chiếc thuyền chèo mang đặc trưng của Nam Bộ với sức chứa khoảng 20 người, du khách sẽ được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc đặc sắc như sáo, đàn tranh, đờn ca tài tử... và ngắm cảnh thành phố dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
"Ông Phan Đình Huê cho biết: “Ở các nước, kiến trúc dọc hai bên bờ sông rất đẹp lại được trang trí nhiều thứ hay, lạ để khách có cái để coi, đáp ứng đúng nhu cầu thưởng ngoạn. Bờ kênh của mình không được đầu tư, thiết kế một cái gì, điểm đến ven bờ cũng không có. Vậy khách đi ngắm gì, xem gì, chơi gì? TP phải đặt mình vào địa vị của khách, hiểu khách muốn gì để có đầu tư thích đáng”.". |
Thế nhưng đến nay, mỗi ngày đội thuyền 22 chiếc chỉ phục vụ chưa tới vài chục du khách vãng lai, gần như không có khách đoàn thường xuyên từ các công ty lữ hành.
Các bến tàu, cũng là nơi đăng ký tour du ngoạn nhờ có hoạt động bán cà phê, nước giải khát mới thoát khỏi tình trạng “ngồi chơi xơi nước”. Trả lời PV, bà Trần Anh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác tour), cho biết: “Ngoài việc vắng khách lâu ngày khiến khó thu hồi vốn, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng nguồn nước ô nhiễm trở lại do ý thức kém của người dân sống dọc hai bên bờ và vấn đề thiếu ánh sáng hai bên bờ kè. Nhiều người rất thiếu ý thức, họ vô tư vứt rác bừa bãi xuống lòng kênh, thậm chí còn ngang nhiên phóng uế trước mặt các du khách.
Không chỉ vậy, thuyền chở khách du lịch còn không ít lần vướng phải dây câu của những người câu cá trái phép. Đặc biệt mới đây còn xảy ra trường hợp thuyền chở khách, chở nhạc công đờn ca tài tử di chuyển trên kênh bị một số người ăn nhậu, câu cá đứng trên bờ chửi bới thô tục, chạy theo ném đá. Bên cạnh đó, hệ thống đèn điện hai bên bờ kè không có, khiến du khách không thể ngắm cảnh khi đi tour vào buổi chiều, tối”.
Không hề ngạc nhiên, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, nhận xét cái “chết lâm sàng” của tuyến du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè “đã được báo trước” bởi thực tế có quá nhiều bất lợi. Ông phân tích, muốn phát triển du lịch đường sông thì vấn đề vệ sinh nguồn nước phải được đặt lên hàng đầu: Tuyến du lịch này đã góp phần hồi sinh tuyến kênh ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn. Tuy nhiên dòng kênh chỉ trong xanh, sạch sẽ được 2 tháng, rác thải đã lại nổi lềnh bềnh khắp nơi. Chưa kể mùa khô, thời tiết nóng là con kênh lại bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Một lý do khác khiến tuyến du lịch này chưa đủ sức hấp dẫn là cảnh quan ven bờ kênh còn hạn chế.
Không thể để doanh nghiệp “tự bơi”
Thực ra, làm phong phú, đa dạng thêm dòng sản phẩm du lịch của thành phố, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đã đổ rất nhiều kinh phí cũng như công sức để khai thác, phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, một mình nỗ lực từ phía doanh nghiệp (DN) không thể thay đổi được tình hình. Ông Phan Đình Huê cho rằng đây là một bài học cho TP trong việc kêu gọi DN xã hội hóa, đầu tư vào các sản phẩm du lịch nhưng lại chưa có sự hỗ trợ tương xứng.
Ông đánh giá: “Các vấn đề về môi trường, trật tự an ninh, quản lý con người... là trách nhiệm của TP. DN chỉ góp phần cộng hưởng thêm, không thể và cũng không có đủ quyền hạn để làm thay những việc này. Chúng ta có các lực lượng giữ gìn trật tự trên đường phố, sao không có ai quản lý, giữ gìn dòng sông, các tuyến kênh, rạch?”.
Đồng quan điểm trên, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Lien Bang Travelink, lo ngại nếu TP không quan tâm, đầu tư kịp thời, “cái chết” của tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ khiến các DN khác nản chí, e dè khi quyết định có nên đầu tư vào một sản phẩm du lịch mới hay không. Điều này vô hình trung sẽ kéo chậm đà tăng trưởng của du lịch TP.HCM.
“TP cần xác định đã đầu tư thì phải đầu tư mạnh tay, làm đến cùng, không thể trống giong cờ mở linh đình rồi để DN tự bơi, tự chịu. Không thể thu hồi được vốn nhưng vẫn phải chật vật duy trì theo đúng chủ trương. Cứ như vậy, DN có muốn theo cũng không dám”, ông Thành kiến nghị, đồng thời cho rằng: “Mỗi tuyến kéo dài 1 - 2 giờ đồng hồ phải có từ 5 - 7 trạm dừng chân cho khách xuống vệ sinh, tham quan. Cũng có thể tận dụng khoảng thời gian này để “móc hầu bao” của khách bằng cách tổ chức các khu bán hàng lưu niệm, mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương và đất nước. Nên giao trực tiếp cho Sở Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương lên kế hoạch bài bản. Thậm chí, thuê chuyên gia nước ngoài về tư vấn, hỗ trợ thiết kế. Nếu kêu gọi sự liên kết từ phía DN thì phải cho biết rõ ràng, chi tiết dự định đầu tư bao nhiêu, lộ trình cụ thể như thế nào, trong vòng bao lâu để DN xác định rõ ràng hướng đi”.
Một chuyên gia du lịch cho rằng giải pháp trọng tâm là quy hoạch. Phát triển tuyến ngắn, nội đô trước, tuyến xa làm sau. Tương tự, hạ tầng du lịch đường thủy phải đi trước, đảm bảo cảng bến, chất lượng môi trường nước, kết nối giao thông thủy - bộ rồi mới tính đến đầu tư phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, phải tích cực tuyên truyền ý thức cộng đồng làm du lịch ven bờ, nâng cao ý thức người dân không phóng uế, vứt rác bừa bãi, câu cá trái phép, giúp người dân hiểu được chính họ cũng được hưởng lợi rất lớn từ sản phẩm du lịch này.
“Ngay sau khi TP có chủ trương quy hoạch rõ ràng, có thể triển khai đầu tư các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc kêu gọi xã hội hóa. Riêng tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở Du lịch nên có chính sách kêu gọi các công ty lữ hành hỗ trợ, đưa vào danh sách các điểm du lịch tuyến nội đô, giúp Thuyền Sài Gòn có nguồn khách để tiếp tục duy trì. Ngành du lịch phải nắm vị trí chủ công; là đầu mối phối hợp với các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, đồng hành cùng DN thì mới có thể làm thành công sản phẩm du lịch đầy tiềm năng này”, vị chuyên gia nêu ý kiến.
Theo Thanh Niên